Vị linh mục bên dòng kênh Tẻ

(Mặt trận) - Nhà thờ Thuận Phát, nép mình khiêm tốn bên dòng kênh Tẻ (địa chỉ 253, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) xinh xắn, không hoành tráng nhưng thật mỹ thuật. Nơi đây, cha chánh xứ MartinoTrần Quang Vinh, dẫn tôi tham quan nhà thờ, nhà chầu Thánh Thể, Hội trường và nhà xứ trước giờ khai mạc.

Nhà thờ xây dựng xong năm 2015 vẫn còn như mới, rộng rãi, thoáng mát. Toàn bộ thánh tượng trong nhà thờ được tạc bằng gỗ quí, do nghệ nhân Duy Am thực hiện. Những nét chạm trổ cực kỳ tinh vi từ khuôn mặt, ánh mắt 14 chặng đàng Thánh giá thật sống động khiến người tín hữu dễ nâng tâm hồn lên với Chúa trong các giờ kinh lễ.

Quang cảnh nhà thờ Giáo xứ Thuận Phát ngày khánh thành. Ảnh: Nguyễn Thương

Giáo xứ Thuận Phát do cha Antôn Đỗ Minh Độ thành lập năm 1961, tại xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè. Lúc đầu, số giáo dân ước chừng 500 người, sống rải rác dọc theo đường Trần Xuân Soạn, từ cầu Tân Thuận đến cầu Rạch Ong. Đến năm 1964, có một số đông giáo dân, nạn nhân trận hỏa hoạn Vĩnh Hội, được chính quyền đưa sang định cư tại xã Tân Quy Đông, làm số giáo dân gia tăng nhanh. Sau khi thành lập thêm hai họ đạo mới là Mẫu Tâm và An Phú, Họ Thuận Phát chỉ còn tập trung ở ấp 5 Tân Thuận Đông, sau đổi thành các ấp 5, 6, 9, một phần ấp 4, xã Tân Thuận Tây và một phần ấp 5 xã Tân Quy Tây, nay là phường Tân Kiểng. Năm 1997, với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, quận 7 được hình thành tách ra từ huyện Nhà Bè.

Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm chụp ảnh lưu niệm với gia đình ân nhân dâng cúng kinh phí xây dựng nhà thờ giáo xứ Thuận Phát. Ảnh: Nguyễn Thương

Cùng với sự phát triển với tốc độ cao của một quận mới trù phú, số giáo dân giáo xứ Thuận Phát tăng lên đến nay khoảng xấp xỉ 1.500 người. Ngôi nhà thờ ban đầu đã bắt đầu xuống cấp, nhỏ hẹp, không đủ chỗ cho giáo dân tham dự thánh lễ. Năm 2012, Cha Gioakim Lê Hậu Hán đã cùng với giáo dân xây dựng mới ngôi nhà thờ như hiện nay, với kinh phí do một số vị ân nhân dâng kính. Nhà thờ hoàn thành trong thời gian kỷ lục, một năm, một tháng, được cung hiến vào tháng 5/10/2013 do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá lúc đó về khánh thành. Mọi tín hữu rất vui mừng và tự hào có ngôi nhà thờ được Đức cha gọi đây là “nhà thờ Đức Bà Thuận Phát”.

Thánh lễ nhậm chức chính xứ của linh mục Martinô Trần Quang Vinh. Ảnh: Hồng Tuyến

Tháng 7/2015, do nhu cầu mục vụ, cha Martinô Trần Quang Vinh từ Giáo xứ Tắc Rỗi được cử về đảm nhận chánh xứ thay cho cha Gioakim Lê Hậu Hán chuyển về làm chánh xứ Vĩnh Hòa, quận 11. Tiếp tục công việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất giáo xứ cùng với việc tổ chức các sinh hoạt mục vụ cho giáo dân, cha Martinô đã kiến nghị chính quyền quận 7 (thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) trao tặng 2 phòng học mà trường tiểu học trong phường không còn sử dụng cho giáo xứ để làm nơi sinh hoạt cho các cháu thiếu nhi trong xứ. Hai phòng học này nằm trong khuôn viên Nhà xứ. Khi nhận được kiến nghị chính đáng của Giáo xứ, chính quyền đã xem xét đáp ứng nguyện vọng của bà con. Cũng chính do mối quan hệ mật thiết giữa Giáo xứ và chính quyền địa phương, sự tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của bà con giáo dân với các phong trào của địa phương, theo phương châm “Đồng hành cùng dân tộc”. Nhiều vị trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cũng đồng thời là Trưởng, Phó Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng dân phố... Các cộng đoàn dòng tu với sự mời gọi, động viên của cha chánh xứ Thuận Phát như Dòng Đức Bà truyền giáo (P.Tân Phú), Dòng Mến Thánh giá Thuận Phát, dòng Đức Bà (P. Tân Kiểng) có trụ sở đóng trên địa bàn quận 7 tích cực với các hoạt động chăm sóc trẻ em khuyết tật, phụ nữ lỡ lầm, mở các lớp hoc tình thương...

Mặt bằng hai phòng học đã được trao tặng, hiện làm nơi cho các đoàn thể sinh hoạt tạm. Dự kiến sắp tới giáo xứ sẽ xây dựng nhà giáo lý để các cháu thiếu nhi có nơi học tập, các đoàn thể có phòng hội họp và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư khu vực.

Cha Vinh sau khi về nhận xứ, năm 2016 được Tòa Tổng Giám mục cử đi học Thần học ở nước ngoài không thường xuyên, mỗi năm chỉ tập trung vài tháng, thời gian còn lại là nghiên cứu và theo học hàm thụ.

Ngoài trách nhiệm mục vụ xứ đạo là chủ yếu, cha Vinh cũng dành thời gian tham gia với địa phương trong tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân quận 4, tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh với cương vị Phó Chủ tịch không chuyên trách, Ủy viên UBĐKCGVN, tham gia Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tất cả đều mang mục đích phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và mưu ích cho mọi người.

Theo FX. Đỗ Công Minh/Báo Người Công giáo Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều