Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ

Công an nhân dân (CAND) là lực lượng nòng cốt, chủ công trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong tình hình hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
 Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn_Ảnh: TTXVN
Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân

Là lực lượng xã hội đặc thù, đối tượng tiếp xúc của công an là nhân dân. Công việc hằng ngày của công an thường xuyên liên quan đến quyền lợi, đời sống chính trị, tính mạng và tài sản của người dân. Môi trường làm việc của công an trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay bên cạnh thời cơ là thách thức và nhiều cám dỗ. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp: Hoạt động của các loại tội phạm diễn ra ngày càng tinh vi, manh động, trắng trợn; tội phạm có tổ chức và các hình thức phạm tội phi truyền thống tăng lên về mức độ và nguy hiểm hơn về tính chất… Trước tình hình đó, lực lượng CAND Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoàn thành toàn diện các mặt công tác công an.

Công an Việt Nam là CAND, từ nhân dân mà ra, dựa vào dân làm việc, vì nhân dân mà chiến đấu. Sự gắn bó mật thiết với nhân dân là điều kiện sống còn của công tác công an và là giá trị cốt lõi của công tác xây dựng lực lượng mà ngành công an tập trung hướng tới. Nhấn mạnh quan hệ giữa công an với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân.... Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được”(1). Điều đó tạo thành “thiên la địa võng”, giúp CAND thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Điều kiện trước tiên để bảo đảm mối quan hệ mật thiết giữa CAND với nhân dân là “kính trọng, lễ phép”. Sự kính trọng, lễ phép của công an với nhân dân thể hiện ở nhiều khía cạnh như đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; niềm vui và cuộc sống bình yên của người dân là thước đo kết quả công tác của CAND; nhân dân là đối tượng phục vụ vô điều kiện của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND; lực lượng CAND phải thực sự lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, cảm thông và sẻ chia với nhân dân; biết vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”(2).

Những khía cạnh biểu hiện sự kính trọng, lễ phép của công an đối với người dân như đã nêu trên không chỉ đơn thuần dừng lại trong thái độ, cách cư xử, càng không phải lối ngoại giao qua loa, hình thức, thái độ mị dân mà sự kính trọng, lễ phép đó phải được mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND biến thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực và chuẩn mực. Vì “tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân... Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”(3). Có như vậy, mới “làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ”(4). Đó là bài học lớn, có giá trị sâu sắc trong công tác xây dựng lực lượng CAND Việt Nam giai đoạn hiện nay, khi các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách kích động, xuyên tạc, mua chuộc, lôi kéo nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, chống lại quá trình đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghiêm trọng hơn, cá biệt, một số cán bộ, chiến sĩ của ngành công an đã bị “thoái hóa, biến chất”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân với lực lượng CAND. Trước những thách thức đó, lực lượng CAND càng phải “kính trọng, lễ phép” và không được xa rời nhân dân. Chỉ khi đó, công an mới dựa được vào dân, có thêm hàng triệu tai mắt khiến kẻ địch khó mà che giấu được(5). Do vậy, kính trọng, lễ phép với nhân dân là tiêu chuẩn, thước đo tác phong của người cán bộ, chiến sĩ CAND cách mạng, là nội dung quan trọng của công tác xây dựng lực lượng CAND gắn bó mật thiết với nhân dân.

Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, CAND không chỉ cần “kính trọng, lễ phép” mà còn phải xác định vị trí, vai trò thực sự là “công bộc của dân”, “người bạn chân chính của nhân dân”. Điều đó phải trở thành triết lý hành động của toàn lực lượng công an và là mục tiêu cốt lõi mà công tác xây dựng lực lượng CAND cần hướng tới. Tuy là lực lượng thực thi pháp luật, giữ vai trò chủ công, nòng cốt trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự, nhưng vị trí, vai trò thực sự của lực lượng công an lại được xác định là “công bộc của dân”, “là bạn dân”, “không phải làm quan cách mạng”. Do đó, trong quá trình xây dựng lực lượng CAND “phải triệt để sửa đổi tác phong mệnh lệnh, quan liêu, hống hách; phải gây quan hệ thật tốt giữa công an và nhân dân”(6) vì nhân dân không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ mà còn là chủ thể của cách mạng và của nhà nước; có như vậy, mới xây dựng lực lượng CAND thực sự trở thành lực lượng chuyên chính cách mạng.

Thực tiễn cho thấy, trong bộ máy công quyền còn biểu hiện của việc “lạm quyền”. Điều này không hoàn toàn bắt nguồn từ “chủ nghĩa vị kỷ”, “lối sống thực dụng” mà trên thực tế, nó đã xuất hiện từ khi có giai cấp và nhà nước. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ và yêu cầu của công tác xây dựng lực lượng CAND, việc xây dựng mẫu hình CAND là “công bộc của dân”, là “người bạn chân chính của nhân dân” không chỉ giúp lực lượng công an nâng cao hơn nữa sức mạnh, mà còn xây dựng được giá trị nhân văn sâu sắc. Công an phải xác định toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, lấy cuộc sống bình yên của nhân dân làm đích hướng đến trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi cán bộ, chiến sĩ; đồng cam, cộng khổ, gần gũi với nhân dân; thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, thái độ đúng mực trước công việc, trước những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Xây dựng cơ chế lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến của nhân dân với thái độ trân trọng, nghiêm túc, cầu thị là những chuẩn mực giúp cho lực lượng CAND không chỉ tăng cường gắn kết với nhân dân, phát huy được vai trò của nhân dân, mà còn “quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”, hạn chế xu hướng “lạm quyền” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

 Công an chính quy và công an viên của xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới phía tây bắc giáp với Campuchia_Ảnh: TTXVN
Xây dựng bộ máy công an tinh gọn, thiết thực, chắc chắn, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Ngay từ ngày đầu thành lập lực lượng CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề xây dựng bộ máy CAND “giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má”(7). Đó phải là một bộ máy công an “rất tốt, rất chắc chắn”, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, lấy bình yên, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. Thời gian qua, Bộ Công an đã nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc quán triệt, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; đồng thời, mạnh dạn, đi đầu trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm làm cho lực lượng công an trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn; lấy tiêu chí nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân làm mục đích cho “cuộc cách mạng” lớn về cơ cấu tổ chức của ngành công an hiện nay. Xây dựng bộ máy CAND tinh gọn, hiệu quả, chắc chắn, hết sức, hết lòng phục vụ nhân dân không chỉ phù hợp với yêu cầu tất yếu của thời đại, đáp ứng những đòi hỏi khách quan, mà còn thể hiện tính cách mạng của công cụ chuyên chính, dân chủ nhân dân.

Trước thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; trong đó, yêu cầu “Đảng ủy Công an Trung ương xây dựng đề án riêng rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng”. Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106) nhằm tái cấu trúc Bộ Công an tinh gọn, thiết thực, chắn chắn, hiệu quả theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; không ngừng củng cố công an khu phố, xã và huyện. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018, về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP, ngày 6-8-2019, về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an”; theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Sau khi tái cấu trúc, tổ chức bộ máy Bộ Công an đã được thiết lập theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối. So với bộ máy CAND trước đây, đến năm 2019, tổ chức Bộ Công an giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; đã tổ chức tinh gọn công an cấp tỉnh, cấp huyện, sáp nhập 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào công an tỉnh, thành phố; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Đây được coi là “một cuộc cách mạng lớn” của Bộ Công an, làm cho bộ máy tinh gọn, thiết thực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Cuộc “cách mạng” đó được đánh giá là ngoài việc tiết kiệm chi phí, còn cho phép Bộ Công an chuyên nghiệp hóa các đơn vị công an ở cấp cơ sở thông qua thay thế các cán bộ ít chuyên môn, nghiệp vụ bằng những người được đào tạo tốt hơn từ các đơn vị cấp trên; cơ cấu chỉ huy sẽ trực tiếp và nhanh gọn hơn. Sự nỗ lực của toàn lực lượng trong việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân đã được minh chứng bằng kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của công an các đơn vị, địa phương ở mức cao, đạt 85,56%, tăng 3,54% so với năm 2017. Kết quả khảo sát của Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 năm 2018 cho thấy, việc cải cách trong lực lượng CAND làm cho chất lượng phục vụ nhân dân được nâng cao, đa số người dân tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND(8).

 Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội giúp người dân đăng ký cấp thẻ căn cước công dân_Ảnh: TTXVN
Một số giải pháp nhằm xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến Việt Nam. Các thế lực thù địch tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó CAND là một trong những mục tiêu tấn công. Chúng đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thậm chí tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc, dùng kinh tế chuyển hóa chính trị, gây chia rẽ nội bộ, làm cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND tha hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “quan liêu, sách nhiễu nhân dân”, tham nhũng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vô cảm với nhân dân, cấu kết, bảo kê cho tội phạm hoạt động dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống. Thêm vào đó, tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp; tình trạng tội phạm chuyên nghiệp, tội phạm phi truyền thống có tính chất nguy hiểm ngày càng gia tăng... Đó là những mối nguy lớn mà công tác xây dựng lực lượng CAND phải đối mặt thường xuyên.

Những căn bệnh trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, nhưng cho đến nay vẫn còn hiện hữu trong bộ máy các cơ quan công quyền, trong đó có ngành công an. Hạn chế, yếu kém cũng như những thách thức trong công tác xây dựng lực lượng CAND nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng quan trọng nhất vẫn nằm ở nhân tố con người (cán bộ, chiến sĩ CAND). Nếu không có biện pháp phòng, chống, ngăn chặn kịp thời thì các căn bệnh ấy sẽ là mối nguy hại rất lớn, gây xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với lực lượng công an, bởi “không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(9). Vì vậy, để xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, hết sức, hết lòng phục vụ nhân dân, cần chú trọng thực hiện tốt một số giải giáp sau:

Một là, xây dựng tác phong quần chúng và coi đó là tiêu chuẩn để xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh; bởi lẽ, cán bộ do quan liêu nên sinh ra mệnh lệnh. Nếu cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, thiếu gương mẫu thì dân không tin. Do đó, trong công tác và cuộc sống thường ngày, cán bộ, chiến sĩ CAND “phải giữ tác phong giản dị, khắc khổ, chất phác của người cách mạng”(10); phải “gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ”(11); phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trước hết. Sự giản dị trong phong cách quần chúng là sự nhiệt tình, hòa đồng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, “phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa”(12), phải làm thế nào để có được lòng dân, “có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an”(13), tạo ra sức mạnh “thế trận lòng dân”, giúp lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Hai là, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân với các hoạt động của lực lượng CAND trên cơ sở pháp luật. Đây là kênh thông tin quan trọng để đánh giá khách quan, trung thực cán bộ, chiến sĩ CAND, bởi “dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết”(14). Dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát này giúp tổ chức có cách thức bồi dưỡng, sử dụng, cất nhắc cán bộ, giáo dục, thậm chí xử lý kịp thời những cá nhân có khuyết điểm, sai phạm. Dưới sự kiểm tra, giám sát của người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND sẽ tự điều chỉnh hành vi, tác phong và nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh của ngành. Có như vậy, mới xây dựng được bộ máy công an dân chủ, thiết thực, trong sạch, vững mạnh; đồng thời, để phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân trong xây dựng lực lượng CAND, ngành công an phải luôn quán triệt, giáo dục mỗi cán bộ, chiến sĩ học cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dân với thái độ cầu thị, trân trọng, tránh tình trạng giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.  

Ba là, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”; đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục về thái độ, phong cách, lề lối làm việc cũng như quan hệ tiếp xúc với nhân dân, kể cả nắm tình hình ở địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ CAND cư trú (nhất là các bộ phận thường phải công tác đơn tuyến, ở địa bàn cơ sở, giải quyết công việc hằng ngày liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân). Đó là những cách thức giúp cán bộ, chiến sĩ CAND kịp thời tránh xa những biểu hiện lệch lạc, sai trái như quan liêu, hách dịch, phô trương, sách nhiễu; lề lối làm việc luộm thuộm, cẩu thả, tự do trong sinh hoạt; có các mối quan hệ thiếu lành mạnh, thiếu tinh thần trách nhiệm để việc dây dưa kéo dài hoặc trù úm, dọa nạt dân, từ bạn dân trở thành “nạn” dân để dân oán trách. Riêng đối với cán bộ, chiến sĩ cố tình vi phạm và không chịu sửa chữa thì “phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh”(15).

Như vậy, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng lực lượng CAND không chỉ có ý nghĩa với việc tạo dựng bộ máy công an, xây dựng “thế trận lòng dân”, mà còn chứng tỏ sự ưu việt của nền chuyên chính của dân, do dân và vì dân. Mọi hành vi quan liêu, hách dịch, trù úm dọa nạt dân, vi phạm pháp luật của lực lượng công an dù nhỏ đều xa lạ, trái với bản chất của người CAND, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong sinh hoạt cũng như trong quá trình công tác, từ thái độ giao tiếp đến mỗi việc làm cụ thể, lực lượng công an không chỉ tuân thủ trình tự của pháp luật, mà còn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; tôn trọng lợi ích, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tự điều chỉnh ngay khi có những biểu hiện lệch lạc để xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.

--------------------

(1), (2), (12), (13), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 270, 270, 270, 270, 270
(3), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 458, 312
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 223, 223
(6), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 169, 526
(8) Xem: https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/cong-bo-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-trong-cong-an-nhan-dan/786930.antd
(9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 42, tr. 311
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 58, 47.

Theo TS. HOÀNG THÙY LINH/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều