8 năm đòi đất tái định cư trong vô vọng: Tột cùng của sự vô cảm tại quận Nam Từ Liêm

(Mặt trận) - Không có nơi ở ổn định, nhiều thế hệ, nhiều gia đình phải sống chung trong cảnh lay lắt suốt 8 năm là tình cảnh mà các hộ dân thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư mở rộng và hoàn thiện đường Láng Hòa Lạc tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đang phải gánh chịu. Mặc cho người dân sống trong cảnh dở khóc, dở cười, UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị thực hiện dự án vẫn đủng đỉnh xử lý, đá bóng trách nhiệm trong nhiều năm qua.

Tại ô đất tái định cư X1 phát sinh nhiều lều lán, quán nhậu trước sự bất lực của UBND phường Phú Đô.

Sự vô trách nhiệm và điệp khúc đợi chờ!

Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi 247.972m2 đất tại các xã Mễ Trì, Đại Mỗ, Tây Mỗ thuộc huyện Từ Liêm giao cho Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinaconex) xây dựng các nút giao Seagame, Phú Đô, Đại học Tây Nam, tỉnh lộ 70 thuộc dự án đầu tư mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc.

Khi triển khai dự án, UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) phải có trách nhiệm bố trí địa điểm di dân, tái định cư cho các hộ gia đình và cá nhân vào khu X1 thôn Phú Đô, xã Mễ Trì (nay là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) để ổn định cuộc sống. Nguồn kinh phí, tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân mất đất phục vụ dự án do chủ đầu tư Vinaconex chi trả.

Như vậy, UBND quận Nam Từ Liêm sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bố trí địa điểm di dân, tái định cư cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, mặc dù dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ năm 2010, đến nay vẫn còn 6 hộ gia đình, cá nhân chưa nhân được đất tái định cư do Khu X1 chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Thậm chí theo phản ánh của các hộ dân, từ tháng 1/2017, không hiểu vì lý do gì mà UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị thực hiện dự án không tiến hành chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân dẫn đến tình trạng, 30 nhân khẩu của tất cả các gia đình, trong số đó có gia đình là thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh và một số thuộc diện cận nghèo rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ bố trí tái định cư cho các hộ dân, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm cho biết, một số hộ thuộc diện giao đất theo Nghị định 64 ngày xưa thuộc thôn Phú Đô, xã Mễ Trì (nay là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) là rất phức tạp. Quận đang báo cáo thành phố là mức đền bù cho các hộ dân này tương tự như các hộ dân tại dự án nút giao Seagame để đảm bảo quyền lợi.

Từ nay cho đến cuối năm quận sẽ tăng cường chỉ đạo, nếu thành phố chấp thuận phương án mà quận Nam Từ Liêm trình lên thì quận sẽ giải phóng mặt bằng và giao đất ngay cho người dân để bố trí tái định cư.

Nói về tình trạng trên các lô đất dành cho các hộ dân tái định cư liên tục bị lấn chiếm, phát sinh quán bia, quán nhậu, vật dụng kiến trúc, lều bạt được dựng tràn lan, ông Nguyễn Hồng Sơn thản nhiên cho rằng, đối với hiện trạng lô đất X1, qua quá trình huyện Từ Liêm từ trước khi giải phóng mặt bằng thì đã làm đến bước cưỡng chế. Khi thực hiện thì các hộ dân đã cam kết và xin tự tháo dỡ. Về nguyên tắc bồi thường là lấy từ ngân sách, nếu có thất thoát sẽ bị kỷ luật. Với những tài sản phát sinh sau khi có thông báo sẽ không được đền bù.

“Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân thì quận cũng đã phê duyệt bổ sung tiền thuê nhà tạm cư đến tháng 03/2018. Sau khi có phản ánh của Tạp chí Mặt trận và các hộ dân là chưa nhận được số tiền này, tôi sẽ kiểm tra và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện việc chi trả” - ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin về số tiền tạm cư cho các hộ dân.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Văn bản đôn đốc trả tiền tạm cư cho các hộ dân của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm.

Rõ ràng, những câu trả lời như trên của ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm là mập mờ, đổ lỗi cho khách quan mà né tránh trách nhiệm.

Đáng lẽ, Trung tâm Phát triển quỹ đất là cơ quan Thường trực của Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Nam Từ Liêm sẽ là đơn vị đầu mối để tháo gỡ vướng mắc, giúp cho người dân tiếp cận với các chế độ, chính sách mà hộ được nhận sau khi chấp nhận mất đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Đằng này, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm lại đá trách nhiệm lên trên thành phố. Và dường như sự cực khổ của người dân đang gánh chịu chẳng là gì khiến họ bận tâm, phải đến khi cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, những cán bộ lãnh đạo đơn vị này mới nháo nhác đi xác minh nhiều thông tin trong sự việc.

Đáng nói hơn, quả bóng trách nhiệm không chỉ để đá lên trên mà còn dùng để câu giờ.

Liên quan đến vụ việc này, đích thân Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh, giải quyết theo thẩm quyền, quy định và có văn bản trả lời Tạp chí Mặt trận; báo cáo kết quả về UBND Thành phố trong tháng 9/2018.

Tuy nhiên đã là cuối tháng 10/2018, Tạp chí Mặt trận chưa hề nhận được văn bản trả lời chính thức nào của UBND quận Nam Từ Liêm về sự việc này.

Phải chăng quận Nam Từ Liêm đang cố tình làm trái, không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố? Hay có uẩn khúc gì trong vụ việc này mà UBND quận Nam Từ Liêm khó trả lời đến vậy?

Điều này không chỉ gây mất lòng tin, mà còn cả sự coi khinh của công chúng.

Người dân không cần những lời hứa suông mỗi khi chính quyền chậm trễ giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Thứ người dân cần là mỗi một người làm cán bộ đang hưởng lương, lợi ích từ tiền thuế của dân làm tròn, làm trách nhiệm và bổn phận của mình.

Mong muốn có một chỗ tái định cư ổn định của người dân Tây Mỗ đáng lẽ là trách nhiệm của chính quyền với họ, ấy vậy những con người đầy đau khổ này vẫn phải cạy cục, xin xỏ, gõ cửa từng nơi để được giải quyết; thế nhưng mọi thứ vẫn chìm vào im lặng.

Có thể thấy, quận Nam Từ Liêm đã thiếu sòng phẳng, vô vảm với người trong vụ việc này.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều