Ai mà chịu nổi, thưa Bộ trưởng!

60-70 người một phòng. Cơ sở 200 nhưng phải chứa tới 600 người, gấp 300%. Ngay cả tắm thôi, cũng phải thay nhau tắm trong tới 4 tiếng đồng hồ. Đó là tình trạng của các trại cai nghiện.

 

Trưa 11.8, hơn 100 học viên cai nghiện đã trốn trại tại Trung tâm Cai nghiện ma túy bắt buộc (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) ở huyện Châu Thành, Tiền Giang. Ảnh: Người lao động.

Tiền Giang “vỡ trại”, Vĩnh Long “đục tường”, Tây Ninh bị “tấn công”. Và Đồng Nai thì đã quá nổi tiếng với liên tục các vụ trốn tại tập thể, diễu hành trên QL1A. Có năm, có trại “vỡ” đến 5 lần...

Câu hỏi vì sao đã được đặt ra và bàn đến rất nhiều. Rằng vì họ là đối tượng phức tạp ngoài xã hội, rằng tiền án tiền sự, rằng bệnh trọng  HIV, lao, tâm thần… sinh ra “ngáo” và bất trị. Rằng vì vào trại theo diện bắt buộc nên rối loạn tâm thần, ngáo đá, lúc nào cũng nhăm nhăm bỏ trốn.

Và cả những câu chuyện được kể với thái độ thiếu thân thiện: “Không thể tưởng tượng hết các chiêu trò, mánh khóe trốn trại của người nghiện. Họ sẵn sàng nuốt dị vật, lấy vật sắc nhọn cứa cho cơ thể tóe máu. Đó là cơ hội để họ xuống phòng y tế và thoát ra ngoài”.

Nhưng thực ra, còn có một nguyên nhân khác: Cái trại cai nghiện ấy nó không giống một nơi chữa bệnh mà như một thứ “trại tị nạn” cho dù người nghiện vẫn được coi là một nạn nhân, dù của chính họ.

Còn có nguyên nhân khác là sự thiếu vắng những thông cảm, nhân ái từ những người có trách nhiệm.

Hai năm trước, khi tới thăm một cơ sở cai nghiện ở Xuân Lộc, Đồng Nai, nơi vừa bị đập phá, chính Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phải thốt lên: “Quá tải như vậy ai mà chịu nổi”. Khi ấy, cơ sở Xuân Lộc đang phải “đón nhận” 1.500 học viên, trong khi sức chứa tối đa của nó chỉ là 800.

Hai năm sau, hôm 12.9, trong chuyến thị sát một cơ sở cai nghiện mang tính “mẫu” ở Hà Nội, chính Bộ trưởng cũng thẳng thắn về thực tế “vỡ công suất” với những cơ sở 200 nhưng thực tế phải chứa tới 600 học viên, “vượt” 300%. Với những phòng 60-70 người mà chỉ riêng việc đi tắm, một trong những nhu cầu thiết yếu- cũng phải lần lượt, thay nhau kéo dài trong 4 giờ đồng hồ.

Quá tải, và xuống cấp, và thiếu thốn, và bị đối xử “chưa được tốt”. Trong khi đó, “chính quyền địa phương chưa coi trọng đầu tư cho công tác cai nghiện, chưa nâng cấp phòng ở, phòng học... Thậm chí, có địa phương muốn "làm trong sạch địa bàn" nên đưa hết người nghiện vào các cơ sở tập trung, gây quá tải” - lời Bộ trưởng Dung.

Đang có trong thực tế cái nhìn với những người nghiện như một thứ tệ nạn của xã hội từ cả phía chính quyền lẫn những người thừa hành. Cái nhìn ấy chi phối tới cách đối xử với những người cai nghiện không thân thiện nếu không muốn nói là ghẻ lạnh.

Giải quyết bài toán quá tải, vì thế, rõ ràng là điều cần làm, làm ngay, nhưng điều đó chưa đủ, thưa Bộ trưởng!

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều