Bài 2: Đi tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng “bức tử” biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội

(Mặt trận) - Sau khi Tạp chí Mặt trận số 164 (tháng 4/2017) đăng tải bài viết “Thực trạng biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội: “Lỗ hổng” lớn trong quản lý, sử dụng và giải pháp khắc phục”, phản ánh những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng và tôn tạo nhà biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến phản hồi đã được bạn đọc gửi về, mong muốn Tạp chí tiếp tục khai thác thêm chủ đề gây bức xúc trong dư luận bấy lâu này.

>> Thực trạng biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội: “Lỗ hổng” lớn trong quản lý, sử dụng và giải pháp khắc phục
>> Hàng loạt sai phạm trong hoạt động xây dựng: Bài học rút ra từ công tác thanh tra, giám sát tại cơ sở
>> Mường Thanh đứng đầu danh sách các dự án vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy

Qua tìm hiểu, hiện với khoảng trên 1.200 nhà biệt thự có giá trị đặc biệt và mang vẻ đẹp trường tồn với thời gian, các công trình kiến trúc kiểu Pháp đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong di sản kiến trúc của Hà Nội. Tuy nhiên, trải qua thời gian và do tác động của con người, nhiều công trình Pháp cổ đã bị xóa sổ hoàn toàn, nhường chỗ cho các tòa cao ốc. Nhiều nhà biệt thự Pháp cổ còn lại đang xuống cấp, và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bất cứ lúc nào, nếu Nhà nước không có biện pháp bảo tồn kịp thời.

 Viện vào cớ “đúng quy trình”, rất nhiều căn biệt thự Pháp cổ có giá trị văn hóa, kiến trúc tại Hà Nội đã bị phá dỡ, nhường chỗ cho những tòa cao ốc hiện đại. Ảnh: PV

Chạy đua phá dỡ từ tự phát đến “đúng quy trình”

Kiến trúc Pháp bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế XX. Phong cách kiến trúc mới đã nhanh chóng được khẳng định và tạo lập những giá trị bởi sự thích ứng với môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa, để lại một di sản đồ sộ trên các mặt văn hoá, kiến trúc và công năng. Các công trình do người Pháp xây dựng đã tạo ra một xu hướng kiến trúc mới, có bản sắc riêng, kết hợp khéo léo các giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Nhưng, những gì con người đang ứng xử với các công trình Pháp cổ, lại thể hiện một sự thiếu trân trọng với các giá trị đã đươc khẳng định trong lịch sử.

Mới đây nhất, sự kiện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua ý chí của tập thể lãnh đạo Thành phố, đã cho phép phá dỡ, xây dựng lại nhà biệt thự tại số 59B phố Hai Bà Trưng và số 65B phố Trần Quốc Toản - đây là những công trình mang đậm nét kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Sự việc đáng tiếc đã để lại sự tiếc nuối, trăn trở trong lòng rất nhiều người yêu Thủ đô, yêu kiến trúc Pháp cổ.

Cụ thể, đối với nhà biệt thự số 59B phố Hai Bà Trưng (biệt thự nhóm 2), tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của Hội đồng nhân dân Thành phố, công trình trên thuộc Danh mục 46 biệt thự thành phố quản lý: doanh nghiệp thuê - không bán. Vì vậy, tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất giao Sở Xây dựng tổng hợp toàn bộ hồ sơ về nguồn gốc, chủ trương, quá trình cho chuyển đổi nhà biệt thự số 59 phố Hai Bà Trưng sang làm nhà ở và việc cho phép gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hồng thực hiện tháo dỡ các bộ phận, hạng mục nguy hiểm của ngôi nhà.

Đối với nhà biệt thự số 65B phố Trần Quốc Toản (biệt thự nhóm 3), tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố đồng ý với đề nghị của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tại văn bản số 924/UBND-QLĐT ngày 16/8/2016 về việc phá dỡ nhà biệt thự đã xuống cấp, hư hỏng tại số 65B phố Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Giao Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ, xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất đúng quy định, đảm bảo phù hợp về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng được phê duyệt.

Như thế, một lần nữa, các cụm từ “đúng quy trình”, “ý chí tập thể” được lặp lại để làm “bùa hộ mệnh” trong việc phá dỡ biệt thự cổ - một nét đẹp văn hóa khó có thể thay thế của Thủ đô, khiến dư luận dù còn rất nhiều băn khăn, nhưng không thể tìm được một lời lý giải hợp lí.

Công trình biệt thự 158 Quán Thánh đã bị cố ý tháo dỡ mà không có giấy phép của cơ quan chức năng.  Ảnh: PV

Cùng chung “số phận” nhưng khác về “quy trình”, biệt thự số 158 Quán Thánh được chủ thầu “vô tư” phá dỡ, vượt mặt chính quyền phường Quán Thánh và quận Ba Đình. Đây là căn biệt thự thuộc nhóm 3 do bà Trần Thị Hoài, có hộ khẩu thường trú tại số nhà 8, dãy B, tập thể Bộ Tư lệnh Thông tin, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội mua gom từ nhiều nguồn khác nhau. Trong các năm gần đây, bà Hoài dễ dàng thâu tóm ô “đất vàng” bằng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang số CH 168078, CH 168079 do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội cấp ngày 3/1/2017; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BK 808198 do Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cấp ngày 7/8/2012, đăng ký sang tên bà Trần Thị Hoài tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa ngày 6/6/2015 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10101055567 do Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cấp ngày 21/12/2016, đăng ký sang tên bà Trần Thị Hoài tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa ngày 11/5/2015.

Đến thời điểm các cơ quan chức năng kiểm tra và lập biên bản xử lý, chủ thầu xây dựng đã tháo dỡ mái nhà biệt thự, hạ độ cao tường nhà xuống 0,6m và tháo dỡ sàn tầng 2 có diện tích 23,9m2 (5,41m x  4,42m) + 26,6m2 (5,41m x 4,84m). Nhưng để xử lý vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng này, thay vì yêu cầu chủ thầu khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng như ban đầu, Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh lại tính đường cho “hươu chạy” khi chỉ yêu cầu chủ đầu tư là bà Trần Thị Hoài dừng tháo dỡ, lập hồ sơ xin phép tháo dỡ, cải tạo sửa chữa nhà biệt thự 158 Quán Thánh theo quy định. Rõ ràng, với cách làm và các quy định hiện hành thì việc “khai tử” thêm nhiều căn biệt thự Pháp cổ sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Cơ chế có nhưng vẫn khó làm

Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội) thì biệt thự thuộc đối tượng quản lý của Quy chế này được phân loại thành 3 nhóm, bao gồm:

1. Biệt thự nhóm 1 (được đánh giá từ 70 đến 100 điểm); gồm những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự gắn liền với cách mạng - kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 điểm đến 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật).

2. Biệt thự nhóm 2 (được đánh giá từ 50 đến 69 điểm); gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1.

3. Biệt thự nhóm 3 (được đánh giá dưới 50 điểm): gồm những biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và biệt thự nhóm 2.

4. Các tiêu chí ưu tiên khi phân nhóm:

- Biệt thự sử dụng làm trụ sở cơ quan, kinh doanh dịch vụ có điểm cao hơn biệt thự tương đương làm nhà ở;

- Biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước có số điểm cao hơn biệt thự thuộc sở hữu tư nhân tương đương;

- Biệt thự một chủ sở hữu, sử dụng có giá trị hơn biệt thự tương đương có nhiều chủ sở hữu, sử dụng.

Trong đó, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Đối với các trường hợp được phá dỡ, xây dựng lại nhà biệt thự thuộc biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân Thành phố (đối với biệt thự nhóm 1) và Ủy ban nhân dân Thành phố (đối với biệt thự nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại.

Các biệt thự thuộc nhóm 1, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự theo kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao) trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.

Đối với biệt thự thuộc nhóm 2, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao) trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.

Trường hợp biệt thự do cơ quan Trung ương quản lý, Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận trước khi báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét.

Các trường hợp đặc biệt phải phá dỡ để xây dựng công trình khác theo văn bản chấp thuận Thủ tướng Chính phủ thì Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định cho phép phá dỡ.

Trong trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng (đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và biệt thự do các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng hoặc biệt thự đan xen sử dụng giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân), Ủy ban nhân dân cấp quận (nếu biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, sau khi đã có ý kiến của Sở Xây dựng) kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép mới được phá dỡ.

Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, các chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm hại biệt thự cổ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến chủ đầu tư chây ỳ, nhờn luật, thậm chí, sẵn sàng vi phạm pháp luật để phá dỡ, chuyển đổi mục đích sử dụng, đến khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì “sự đã rồi”.

Quay trở lại vụ việc phá dỡ biệt thự 158 Quán Thánh, qua công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn, Tổ Thanh tra Xây dựng phường Quán Thánh phát hiện tại số nhà 158 Quán Thánh có hoạt động tháo dỡ ngôi biệt thự chính của biển số nhà. Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh và Đội Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vụ việc (ngày 28/3/2017) đối với nhà thầu thi công, do không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc cho phép tháo dỡ của cơ quan có thẩm quyền; Tổ công tác đã tạm giữ phương tiện phá dỡ (máy khoan cắt bê tông).

Quyết định số 78 ngày 26/5/2017 của Ủy ban nhân phường Quán Thánh về việc đình chỉ thi công việc tháo dỡ biệt thự 158 Quán Thánh.

Ngày 29/3/2017, Ủy ban nhân dân phường đã có Thông báo số 14/UBND gửi chủ thầu thi công yêu cầu ngừng thi công phá dỡ và thực hiện thủ tục xin phép tháo dỡ theo quy định. Để ngăn chặn việc phá dỡ nhà biệt thự (nhóm 3) khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, Ủy ban nhân dân phường tiếp tục có văn bản số 17/TB-UBND ngày 12/4/2017 chỉ đạo Tổ Thanh tra Xây dựng phường, Công an phường thực hiện việc giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp để ngăn chặn. Sau khi xác định được chủ sử dụng nhà đất tại 158 Quán Thánh, ngày 25/5/2017 Tổ Thanh tra Xây dựng phường phối hợp cùng Đội lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật, việc phá dỡ nhà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền tại 158 Quán Thánh vi phạm Điều 5 Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Hành vi vi phạm của chủ đầu tư được quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và Khoản 6 Điều 5 Nghị quyết 07/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2015 của HĐND Thành phố Hà Nội với mức phạt tiền là 10.000.000 - 15.000.000 đồng.

Theo quy định Điểm b, Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền cao nhất theo thẩm quyền của UBND phường không quá 5.000.000 đồng. Như vậy, đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư tương ứng với mức phạt từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường.

Phải qua nhiều thủ tục, văn bản hành chính rườm rà, Ủy ban nhân dân cấp phường mới ban hành được Quyết định đình chỉ thi công công trình và đưa ra khung xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng lại vượt quá thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp phường, từ đây trách nhiệm được “đá lên” Ủy ban nhân dân cấp quận, còn công trình sai phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Những tồn tại, vướng mắc trong quản lý biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội không chỉ xảy ra ở đơn vị hành chính cấp phường, quận. Ngay cả cơ quan quản lý chuyên ngành đứng đầu thành phố là Sở Xây dựng cũng đã mắc hàng loạt sai lầm khi tham mưu cho Thành phố loại bỏ 312 biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Sở Xây dựng, Hội đồng thẩm định Thành phố (do Giám đốc Sở Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng) chỉ căn cứ vào báo cáo kết quả kiểm tra rà soát của Sở Quy hoạch Kiến trúc và Biên bản kiểm tra hiện trạng nhà biệt thự của 3 tổ công tác liên ngành; hồ sơ không có các tài liệu về niên hạn sử dụng, chất lượng, kết cấu của biệt thự; hồ sơ quản lý nhà biệt thự, không có hồ sơ về cải tạo sửa chữa, cấp phép xây dựng; không có phiếu điều tra hiện trạng sử dụng nhà biệt thự, ý kiến của chủ sử dụng và chủ sở hữu nhà biệt thự; từng tổ công tác không tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra; Hội đồng thẩm định họp một buổi thống nhất biên bản của 3 tổ công tác, xác định 312 biệt thự chưa thuộc đối tượng quản lý để báo cáo, trình Ủy ban nhân dân Thành phố… dẫn đến việc thực hiện không đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và Quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định Thành phố và Tổ công tác do Sở Xây dựng ban hành.

Ngoài ra, việc Sở Xây dựng Hà Nội tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố xác định 312 nhà biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố Hà Nội là chưa đảm bảo quy định, chưa đầy đủ cơ sở.

Bên cạnh đó, do Sở Xây dựng buông lỏng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, không tổng hợp theo dõi tình trạng cấp phép, xây dựng không phép và xử lý xây dựng đối với nhà biệt thự, trong đó có 11 trường hợp nằm trong Danh mục 105 biệt thự Thành phố quản lý đan xen trụ sở cơ quan (trên 50%) không được bán; 7 trường hợp nằm trong Danh mục 46 biệt thự Thành phố quản lý cho doanh nghiệp thuê không được bán đã bị phá dỡ xây mới, không xác định được thời điểm…

Đi tìm giải pháp ngăn chặn sự “xâm hại” đối với biệt thự Pháp cổ

Theo Quyết định 7177/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 thì Hà Nội có 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954. Những nhà biệt thự này được xác định vị trí, địa điểm và phân loại thành các nhóm 1, 2, 3 trên địa bàn các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Đây đều là những công trình có tuổi đời ngót nghét 100 năm nên tình trạng bị cơi nới, chiếm dụng, xây thêm không phải quá hiếm, khiến di sản này biến dạng, giá trị lịch sử văn hóa xuống cấp trầm trọng. Ở nhiều ngôi biệt thự cổ, người dân vì nhu cầu sinh hoạt đã sửa chữa, phá dỡ một phần hoặc phá đi xây lại khiến những công trình đã xuống cấp ngày càng xuống cấp hơn, các đường nét kiến trúc cũ bị phá hủy. Thêm vào đó, mô hình quản lý đô thị Hà Nội còn nhiều bất cập, dẫn đến các biệt thự khu phố Pháp đan xen nhiều loại hình sở hữu từ tư nhân cho đến tập thể, khiến một số căn biệt thự cổ rơi vào cảnh cha chung không ai khóc. Vấn đề bảo tồn biệt thự, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, trở thành thách thức rất lớn và đòi hỏi một chiến lược dài hơi từ các cấp quản lý. Một số giải pháp được đề xuất như sau:

Một là, thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn bộ các nhà biệt thự cổ trên địa bàn.

Theo đó, Sở Xây dựng sẽ là đơn vị đầu mối để thành lập Tổ công tác liên ngành để giúp việc cho Hội đồng thẩm định Thành phố đánh giá, phân loại, lập và đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục biệt thự. Chủ trì, phối hợp với các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Thành phố, các sở, ngành có liên quan rà soát, tổng hợp kết quả rà soát biệt thự. Nội dung rà soát, đề xuất điều chỉnh Danh mục biệt thự bao gồm: rà soát lại các biệt thự trong Danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 để xác định đúng nhóm biệt thự (nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3) theo tiêu chí đã xác định; tổng hợp các biệt thự xây dựng sau năm 1954, các biệt thự đã giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, dự án mở đường, các biệt thự đã biến dạng, không có giá trị về kiến trúc, đã xây dựng lại, đã bị phá dỡ hiện là đất trống và các nhà không phải là biệt thự mà thuộc dạng công trình kiến trúc khác có giá trị xây dựng trước năm 1954, thuộc nhà mặt phố để đề xuất điều chỉnh đưa ra khỏi Danh mục nhà biệt thự.

Hai là, áp dụng các chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi “xâm hại” biệt thự Pháp cổ.

Đối với nhiều tổ chức, cá nhân, họ đầu tư một dự án hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì việc nộp phạt vài chục triệu là quá nhỏ, từ đó dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. Mức xử phạt hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe để các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Bởi vậy, để tăng tính răn đe cần có chế tài mạnh hơn nữa để lập lại trật tự xây dựng đối với các trường hợp này. Ví dụ như phải kịp thời thực hiện đình chỉ, cử lực lượng Công an, Thanh tra Xây dựng giám sát nghiêm ngặt, ngăn cản các đối tượng chở vật liệu xây dựng vào ra công trình, kiên quyết không cấp điện, cấp nước sinh hoạt. Đối với chủ công trình vi phạm các quy định của pháp luật khi phá dỡ công trình, cần yêu cầu khắc phục ngay hậu quả và khôi phục lại nguyên hiện trạng. Nếu làm được điều này sẽ ngăn ngừa được tình trạng chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật khi cố ý phá dỡ công trình.

Ba là, nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát tại địa bàn khu dân cư.

Ủy ban nhân dân phường cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp tự phá dỡ, làm biến dạng, xây dựng mới nhà biệt thự không đúng quy định. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở liên quan đến công tác quản lý quỹ nhà biệt thự cổ. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị.

Bảo Tường - Phan Anh Tuấn

Bình luận

TranTong - 14:42 30/06/2017

Hoan nghênh tạp chí MTTQ đã phản ảnh kịp thời bức xúc của nhân dân về vấn đề biệt thự cổ bị "Xẻ Thịt" ở Hà Nội.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều