Bài 3 - Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Bài học từ việc buông lỏng quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng

(Mặt trận) - Từ tố cáo liên quan đến bản hợp đồng liên kết kinh doanh sân cỏ nhân tạo tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng đã làm “lộ sáng” thêm nhiều vấn đề “nóng bỏng” khác đó là ô đất dùng để kinh doanh sân bóng thuộc Dự án thành phố giao lưu đã bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng trong rất nhiều năm. Vậy, hàng tỷ đồng từ việc buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã “chảy vào túi ai”?
 

Trong suốt một thời gian dài, tại Dự án thành phố giao lưu những ô đất được quy hoạch làm trường hợp lại bị biến tướng, chiếm dụng thành sân bóng cổ nhân tạo.

Mặc dù được phê duyệt xây dựng một khu đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại, nhưng tại Dự án thành phố Giao Lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã từng diễn ra tình trạng đất quy hoạch xây dựng trường học, công trình công cộng bị “xẻ thịt” trở thành bãi xe trái phép, gara ô tô, sân bóng cho thuê khiến quy hoạch tổng thể, khiến cả khu đô thị biến dạng, méo mó nghiêm trọng.

Trên tấm bản đồ quy hoạch dựng trước cổng Công ty CP Đầu tư & Xây dựng quốc tế Vigeba, chủ đầu tư dự án thể hiện rõ quy hoạch 5 ô đất xây dựng 5 trường học gồm: 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, 3 nhà trẻ, mẫu giáo. 

Tuy nhiên, duy nhất có Trường mầm non Ngôi Sao xanh trên mặt đường nội khu 2 được xây dựng thì cũng đã dừng hoạt động từ lâu. Trong khi đó, các ô đất được quy hoạch xây dựng trường học, công trình công cộng thì bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, “biến tướng” thành sân bóng, gara ô tô, nhà xưởng… trong rất nhiều năm.

Rõ ràng, những hạng mục nêu trên không nằm trong thiết kế dự án, không đơn thuần vì mục đích dân sinh, cộng đồng mà có thu phí, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Vậy, số tiền “khổng lồ” có dấu hiệu trục lợi từ việc sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch đã “chảy vào túi ai”?

Tấm bảng ghi số điện thoại sân bóng cỏ nhân tạo tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng.

Theo một đối tượng kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng (ô đất được quy hoạch làm trường học) từ năm 2016 đến khi bị dừng hoạt động vào tháng 10/2019, riêng tổng số tiền đầu tư làm sân bóng đến cuối năm 2015 đã là hơn 5 tỷ đồng. Toàn bộ tài sản đầu tư bao gồm hệ thống thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng 3 pha, các trang thiết bị kinh doanh…

Có thể thấy, việc đầu tư kinh doanh, xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo không thể diễn ra trong một sớm, một chiều… nhưng không hiểu vì lý do gì khiến hành vi vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch vẫn ngang nhiên diễn ra mà không được các cấp chính quyền quận Bắc Từ Liêm quan tâm, xử lý, ngăn chặn.

Đáng nói hơn, các ô đất xảy ra các sai phạm rất nghiêm trọng nêu trên nằm ngay đối diện trụ sở UBND phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Dư luận cho rằng, nếu không có việc “chống lưng”, “bảo kê” thì việc kinh doanh, trục lợi trên đất được quy hoạch làm dự án trường học, công trình công cộng không thể kéo dài đến vậy. Do đó, phải tìm cho ra bằng được ai là người “đứng sau” giúp sức cho sai phạm không bị xử lý trong suốt nhiều năm. Dù đó là cán bộ đã nghỉ hưu hay đang công tác cũng cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định.

Trụ sở Công ty Điện lực quận Bắc Từ Liêm.

Được biết, việc mua bán, cấp phát điện cho mục đích ngoài sinh hoạt (điện 3 pha dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh) đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ, giấy tờ chứng minh… Thế nhưng, tại ô đất nêu trên, dù sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch nhưng vẫn được Điện lực Bắc Từ Liêm cấp phát điện để kinh doanh sân bóng.

Để rộng đường dư luận, PV đã chủ động liên hệ làm việc với Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm để làm sáng tỏ vấn đề, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được hồi âm từ đơn vị này.

Được biết, ngày 16/10/2019, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 9860/VP-ĐT truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục; Cục Thuế Hà Nội; UBND các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA; Công Cổ phần Giáo dục tiên tiến Toàn cầu; Tập đoàn GELEXIMCO-CTCP.

Nội dung văn bản có đoạn nêu:

“… 1. Yêu cầu các chủ đầu tư:

- Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA và Công Cổ phần Giáo dục tiên tiến Toàn cầu:

+ Dừng mọi hoạt động sử dụng kinh doanh, liên doanh, liên kết cho thuê mặt bằng kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch được duyệt tại ô đất (NT1, TH, THPT);

+ Khẩn trương khắc phục, dỡ bỏ hạng mục vi phạm theo đúng quy hoạch, mục đích sử dụng đất được duyệt, thời gian hoàn thành trong tháng 10/2019.

-Tập đoàn GELEXIMCO-CTCP: Dừng mọi hoạt động sử dụng tại ô đất (VP2), khẩn trương khắc phục những tồn tại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng; đồng thời khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt”...

Trụ sở UBND phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Ngày 03/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, có yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai.

Một là, đối với vấn đề trên, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 qua các thời kỳ phải chịu trách nhiệm gì khi để buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng khiến hàng loạt các ô đất thuộc Dự án thành phố giao lưu bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch trong suốt một thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, phát sinh khiếu kiện phức tạp nhưng không bị xử lý, quan tâm đúng mức.

Do đó, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các Sở, Ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện tại Dự án thành phố giao lưu, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Đồng thời, xử lý có hình thức xử nghiêm các cán bộ buông lỏng quản lý, có dấu hiệu “bảo kê”, “chống lưng” cho sai phạm về đất đai, quy hoạch trong suốt thời gian dài.

Hai là, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an Thành phố Hà Nội; Cục Thuế Hà Nội làm rõ việc ai là người được hưởng các nguồn lợi từ việc kinh doanh trên đất đai bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đối với các cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ các nguồn thu nói trên.

Ba là, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra việc Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm cấp phát, cho phép sử dụng điện kinh doanh (điện 3 pha) đối với các chủ thể, đối tượng kinh doanh, trong đó có việc sử dụng điện 3 pha vào hoạt động kinh doanh của sân bóng cỏ nhân tạo tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng trên ô đất bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.

Bốn là,  đề nghị các cơ quan chức năng có  cơ chế chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.

 

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều