Bài 4 - Bài học quản lý đất đai, quy hoạch tại quận Bắc Từ Liêm: “Lộ sáng” nhiều sai phạm của Công ty Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu

(Mặt trận) - Mặc dù được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai một số dự án tại Khu đô thị Thành phố Giao lưu với vai trò là nhà đầu tư thứ cấp, tuy nhiên những gì Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu trong suốt 6 năm qua là nỗi thất vọng lớn khi các ô đất doanh nghiệp này được nhận chuyển nhượng không để hoang hóa thì bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.

Bản đồ quy hoạch giao thông Dự án Thành phố Giao lưu.

Ngày 20/3/2014, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA (Công ty VIGEBA) và Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu (Công ty GAVEDU) đã ký kết với nhau Hợp đồng nguyên tắc số 01/2014/VIGEBA-GAV về việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật ô đất mang ký hiệu NT1, TH, THPT - dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu.

Tại thời điểm ký kết, các ô đất NT1, TH, THPT đã giải phóng mặt bằng, được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật xung quanh theo đúng thiết kế đã được duyệt.

Diện tích các ô đất NT1, TH, THPT lần lượt là: 5.620m2, 19.991m2 và 12.086m2 với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng dự án nói trên là hơn 139,478 tỷ đồng, tương ứng với đơn giá 3,7 triệu đồng/m2.

Trong đó, giá trị chuyển nhượng ô đất NT1: 20,794 tỷ đồng, ô đất TH: 73,966 tỷ đồng và ô đất THPT là 44,718 tỷ đồng.

Văn bản số 2157/UBND-QHXDGT do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký ban hành.

Sau đó, ngày 27/3/2014, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký ban hành văn bản số 2157/UBND-QHXDGT đồng ý về chủ trương để Công ty VIGEBA chuyển nhượng đất có hạ tầng kỹ thuật (các lô đất NT1, TH, THPT) tại Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu cho Công ty GAVEDU để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường tiểu học, trường trung học phổ thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.

 

 

Trong suốt một thời gian dài, tại Dự án thành phố giao lưu những ô đất được quy hoạch làm trường hợp lại bị biến tướng, chiếm dụng thành sân bóng cỏ nhân tạo.

Suốt 6 năm qua, không có một cơ sở giáo dục nào được xây dựng trên các ô đất mà Công ty GAVEDU nhận chuyển nhượng. Trái lại, doanh nghiệp này để đất đai bị “biến tướng”, “xẻ thịt” thành các sân bóng cỏ nhân tạo khiến quy hoạch tổng thể của cả khu đô thị biến dạng, méo mó nghiêm trọng.

Văn bản số 08 ngày 20/8/2018 do ông Nguyễn Quang Thuật - Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu ký ban hành.

Để biện minh cho hành vi sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, trong văn bản gửi các cấp của quận Bắc Từ Liêm ngày 20/8/2018, ông Nguyễn Quang Thuật - Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu đã lấy lý do, trong thời gian chờ hoàn thành xong các thủ tục pháp lý, các ô đất thường xuyên bị các cá nhân tập thể bên ngoài lấn chiếm và đổ rác bừa bãi gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Do đó, để đảm bảo an ninh trật tự, chống lấn chiếm, đổ phế thải cũng như nhằm mục đích tạo sân chơi thể thao lành mạnh cho cán bộ chiến sỹ, công an viên, cư dân địa bàn. Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu đồng ý cho Cục Quản trị, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) phối hợp với Công ty TNHH Vận tải Vương Gia sử dụng lại để làm các hoạt động thể thao, chỗ đỗ xe cho cán bộ chiến sỹ và các vận động viên.

Thế nhưng, văn bản của Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu chẳng khác nào sử dụng hình ảnh của lực lượng vũ trang để “dọn đường” cho các sai phạm đã tồn tại trước đó từ rất lâu.

 

Tấm bảng ghi số điện thoại sân bóng cỏ nhân tạo tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng.

Theo một số thông tin PV thu thập được, tại thời điểm cuối năm 2015, một số đối tượng đã “đổ” một lượng tiền rất lớn lên tới hàng đồng tỷ để xây dựng các sân bóng cỏ nhân tạo trên các ô đất do Công ty GAVEDU làm chủ đầu tư.

Các đối tượng này cho thuê sân bóng cỏ nhân tạo để thu lợi từ những người dân sử dụng dịch vụ. Mỗi tháng, trừ đi các khoản chi phí, các đối tượng cho thuê sân bóng dễ dàng “đút túi” một khoản lợi nhuận lên tới cả trăm triệu đồng/ô đất bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.

Đáng nói hơn, trên đất được quy hoạch làm dự án trường học, các đối tượng trên còn sử dụng danh nghĩa cá nhân để mời gọi cùng đầu tư bằng hình thức lập, kí kết hợp đồng liên kết kinh doanh, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, tố cáo.

Bên cạnh đó, đối với các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng của Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu, chính quyền sở tại nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng các văn bản của các cấp có thẩm quyền ban hành và tự dỡ phần công trình vi phạm theo quy định, nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp pháp luật, “coi trời bằng vung”, không tự giác chấp hành, cố tình vi phạm như thể có thế lực “chống lưng”, “bảo kê” cho các sai phạm.

 

Trụ sở Công ty Điện lực quận Bắc Từ Liêm.

Được biết, việc mua bán, cấp phát điện cho mục đích ngoài sinh hoạt (điện 3 pha dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh) đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ, giấy tờ chứng minh… Thế nhưng, tại ô đất nêu trên, dù sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch nhưng vẫn được Điện lực Bắc Từ Liêm cấp phát điện để kinh doanh sân bóng.

Để rộng đường dư luận, PV đã chủ động liên hệ làm việc với Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm để làm sáng tỏ vấn đề, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được hồi âm từ đơn vị này.

 

Văn bản số 9860/VP-ĐT ngày 16/10/2019 của Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội.

Các sai phạm về đất đai, quy hoạch tại các ô đất dự án do Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu làm chủ đầu tư chỉ được xử quyết liệt khi Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 9860/VP-ĐT ngày 16/10/2019 truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục; Cục Thuế Hà Nội; UBND các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA; Công Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn cầu; Tập đoàn GELEXIMCO-CTCP.

Nội dung văn bản có đoạn nêu:

“… 1. Yêu cầu các chủ đầu tư:

- Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA và Công Cổ phần Giáo dục tiên tiến Toàn cầu:

+ Dừng mọi hoạt động sử dụng kinh doanh, liên doanh, liên kết cho thuê mặt bằng kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch được duyệt tại ô đất (NT1, TH, THPT);

+ Khẩn trương khắc phục, dỡ bỏ hạng mục vi phạm theo đúng quy hoạch, mục đích sử dụng đất được duyệt, thời gian hoàn thành trong tháng 10/2019.

- Tập đoàn GELEXIMCO-CTCP: Dừng mọi hoạt động sử dụng tại ô đất (VP2), khẩn trương khắc phục những tồn tại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng; đồng thời khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt”...

Việc UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo nói trên đã giúp vãn hồi trật tự trên các ô đất do Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu làm chủ đầu tư. Nhưng có thể thấy, từng đấy thời gian “lộng hành” là quá đủ để các “nhóm lợi ích” trục lợi được các khoản thu rất lớn từ việc cho thuê sân bóng cỏ nhân tạo đem lại.

Vậy, các khoản thu từ việc cho thuê sân bóng cỏ nhân tạo được chủ đầu tư Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu hạch toán như thế nào? Các cá nhân, tổ chức có liên quan có thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ với các khoản lợi nhuận từ hoạt động động kinh doanh sân bóng không?

Việc sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm có thể bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật, việc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu để hoang hóa hoặc sử dụng các ô đất sai mục đích sử dụng, sai quy hoạch như ở trên có nằm trong diện bị thu hồi?

Việc “ôm” đất “vàng” rồi “bánh vẽ” dự án nhưng thực chất là không triển khai hoặc không có nguồn lực để triển khai rồi sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Điều này, không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, lãng phí hạ tầng xã hội, quy hoạch đô thị mà dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật, khi các doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn cố tình làm vì việc xử lý “nằm trên giấy”.

Để thực sự “chặn đứng” triệt để tình trạng các sai phạm về đất đai do Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu làm chủ đầu tư tại dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường… cần có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý, sử dụng đất mang ký hiệu NT1, TH, THPT.

Hai là, tiếp tục đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an Thành phố Hà Nội; Cục Thuế Hà Nội làm rõ việc ai là người được hưởng các nguồn lợi từ việc kinh doanh trên đất đai bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đối với các cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ các nguồn thu nói trên. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự xã hội, về quản lý đất đai để làm gương, răn đe các vi phạm sau này.

Ba là, các khu đất khi được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại bị lợi dụng để sử dụng sai mục đích, trục lợi cá nhân đang khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Nhất là việc giao, chuyển nhượng đất nhưng không thể hiện được giá trị của đất gây thất thoát, lãng phí để lại hậu quả nặng nề mà nhà nước, người dân phải gánh chịu, Vì vậy, đất đai cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sớm có phương án thu hồi những khu đất sử dụng sai mục đích.

Bốn là, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra việc Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm cấp phát, cho phép sử dụng điện kinh doanh (điện 3 pha) đối với các chủ thể, đối tượng kinh doanh, trong đó có việc sử dụng điện 3 pha vào hoạt động kinh doanh của sân bóng cỏ nhân tạo tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng trên ô đất bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.


Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều