Bài học kinh nghiệm khi chậm trễ thi hành án dân sự tại Triệu Sơn, Thanh Hóa: Doanh nghiệp lao đao vì “virus trì trệ”

(Mặt trận) - Mặc dù xác định Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV là người phải thi hành án có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành án nhưng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa lại thiếu quyết liệt, không xử lý dứt điểm, triệt để trong công tác thi hành án đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Nam Việt  - người được thi hành án.

Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa có trụ sở tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tên người đại diện pháp luật là Lê Hùng Cường.

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Nam Việt (Công ty Nam Việt, trụ sở tại số 56 phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là người được thi hành án theo Quyết định thi hành án dân sự số 09,10/QĐ-THA ngày 11/10/2019 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa để thi hành Bản án số 01,02/2018/KDTM-ST ngày 26/11/2018 và Bản án số 16/2018 ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 07/2019/QĐ-PT và Quyết định số 04/2019/QĐPT-DS ngày 15/5/2019 của TAND tỉnh Thanh Hóa.

Trong quá trình thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đã có buổi làm việc ngày 05, 13, 19 tháng 11 và ngày 19, 20 tháng 12 năm 2019 với các bên đương sự. Theo đó, quá trình thi hành án được chia làm 4 lần vào trước ngày 25/11; 25/12/2019 và trước ngày 25/01/2020, lần cuối là trong tháng 5/2020.

Cũng trong quá trình tổ chức thi hành án, người phải thi hành án là Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa -TKV có điều kiện thi hành án nhưng hết thời hạn tự nguyện thi hành án đã không tự nguyện thi hành án trả nợ cho Công ty Nam Việt. Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV trả 2 lần bằng hàng hóa sau đó dừng lại cho tới nay.

Các quyết định của Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Triệu Sơn trong vụ việc.

Trong quá trình triển khai thi hành án, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Triệu Sơn đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 07/QĐ-CCTHADS ngày 12/2/2020 kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là quặng kim loại đang nằm trong kho của người phải thi hành án, đồng thời thông báo thời gian cưỡng chế thi hành án ngày vào ngày 19/02/2020.

Tuy nhiên, trước ngày dự kiến cưỡng chế 2 ngày thì Công ty Nam Việt bất ngờ nhận được thông tin từ phía Chi cục THADS huyện Triệu Sơn với nội dung: Việc cưỡng chế kê biên tài sản theo quyết định cưỡng chế nêu trên phải tạm dừng 15 ngày làm việc để Công ty Cổ phần Cromit Thanh Hóa -TKV tự nguyện thi hành án.

Văn bản trả lời số 215/CV-CCTHADS ngày 31/3/2020 do Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Triệu Sơn Lê Xuân Đồng ký ban hành.

Sau nhiều lần gửi văn bản đề nghị được thi hành án theo luât định, Công ty Nam Việt nhận được văn bản trả lời số 215/CV-CCTHADS ngày 31/3/2020 do Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Triệu Sơn Lê Xuân Đồng ký.

Lý do được Lê Xuân Đồng đưa ra để giải thích cho việc chưa thi hành án theo tiến độ như đã công bố là vì căn cứ vào tình hình thực tế chưa bố trí được đầy đủ thành phần lực lượng tham gia cưỡng chế kê biên vào mong muốn tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV tự nguyện thi hành án theo cam kết, Chi cục trưởng đã có Thông báo việc việc tạm dừng cưỡng chế trong thời gian 15 ngày làm việc.

Thêm lý do nữa được Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Triệu Sơn Lê Xuân Đồng vin vào là do trở khách quan như cả nước đang phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tiến tới Đại hội Đảng các cấp tại địa phương nêm việc bố trị các thành phần tham gia phục vụ cho công tác cưỡng chế gặp nhiều khó khăn. Dự tính trong tháng 5/2020, Chi cục sẽ tiếp tục tiến hành giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, sau đó, Công ty Nam Việt nhiều lần gửi văn bản đề nghị cơ quan THADS xử lý kê biên tài sản tạm giữ cũng như nhiều lần cử người có trách nhiệm của Công ty Nam Việt tới Chi cục THADS huyện Triệu Sơn Thanh Hóa để làm việc trực tiếp nhưng cũng không có kết quả.

Đến nay, Công ty Nam Việt chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào của cơ quan THADS về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án bản án theo quy định của pháp luật. Về phía Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV cũng không hề có động thái tự nguyện thi hành án như thông báo của Chi cục THA huyện Triệu Sơn.

Theo bà Cáp Thị Phương Mai - Giám đốc Công ty Nam Việt cho biết, lường trước được những khó khăn do việc kéo dài thời gian thi hành án như, giá cả của lô hàng đang bị niêm phong sẽ giảm giá trị, chất lượng hàng hóa để lâu cũng bị ảnh hưởng và thị trường bị đóng băng do dịch bệnh Covid-19, cho nên công ty Nam Việt nhiều lần tới Chi cục THADS huyện Triệu Sơn xin được đề nghị thi hành án. Bên cạnh đó, Công ty Nam Việt đã 6 lần gửi văn bản đề nghị Chi cục THADS kê biên nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

“Đúng như dự đoán của chúng tôi, tới thời điểm này giá trị hàng hóa giảm sâu tới hơn 30%, thị trường ảm đạm khó giao dịch. Việc chậm trễ này gây thiệt hại rất to lớn về kinh tế, rủi ro, mất mát khiến Công ty kiệt quệ về tài chính, người lao động phải nghỉ việc đồng loạt, khiến nợ lần của chúng tôi thêm chồng chât. Văn bản gửi đi đến Chi cục THADS huyện Triệu Sơn nhưng chúng tôi phải chờ đợi chưa biết đến bao lâu mới giải quyết. Việc thi hành án chậm trễ, kéo dài đã đẩy công ty chúng tôi lún sâu vào khủng hoảng, khó khăn về kinh tế” - bà Cáp Thị Phương Mai bày tỏ bức xúc.

Chỉ rõ những bất thường của Chi cục THADS huyện Triệu Sơn, bà Cáp Thị Phương Mai cho rằng, “trong suốt trong quá trình làm việc chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và không đồng tình với Chi cục THADS huyện Triệu Sơn. Chúng tôi cũng nhận thấy sự bất nhất trong việc Quyết định thời gian kê biên tài sản. Công ty chúng tôi đến nay đã kiệt quệ về kinh tế sẽ dẫn tới phá sản nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm theo luật định bởi sự làm việc tắc trách, vô cảm thiếu tinh thần trách nhiệm và có dấu hiệu không minh bạch, với động cơ thiếu trong sáng”.

Chiều ngày 12/2/2020, tại phiên họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu, không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai biện pháp, không chịu tái cơ cấu ngành, do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. “Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng nêu rõ.

Vụ việc chậm trễ thi hành án tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thành Hóa là một ví dụ điển hình cho loại “virus trì trệ”, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và hệ quả đến hôm nay Công ty Nam Việt vẫn phải chật vật đi tìm công lý sau bản án của các cấp Tòa.

Từ vụ việc trên cho thấy, phải chăng Chi cục THADS huyện Triệu Sơn đang làm điều ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Có hay không hành vi “chống lưng”, “bảo kê” cho doanh nghiệp chậm trễ phải thi hành án, dẫn đến coi thường kỷ cương, phép nước trong vụ việc này? Động cơ nào đã ngăn cản Chi cục THADS huyện Triệu Sơn thực thi pháp luật theo tiến độ thi hành án đã đề ra?

Loại “virus trì trệ” này vốn tồn tại từ lâu và xuất hiện ở không ít địa phương. Biểu hiện của vấn đề là tình trạng chậm chuyển biến ở các cấp cơ sở. “Virus trì trệ” đã và đang gây nhiều tác hại, là rào cản cho sự phát triển của xã hội, thậm chí có thể vô hiệu hóa mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nếu như không được chú ý quan tâm đúng mức, không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Do đó, để trị “căn bệnh” này có hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để chỉ ra đích danh, đúng địa chỉ, nhất là bộ phận “dưới lạnh”.

Do đó, để loại bỏ “con virus trì trệ”, giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đối với vụ việc nêu trên, đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công vụ để làm rõ toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc nêu trên theo quy định, cũng như làm rõ động cơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm trong việc chây ỳ, chậm trễ thi hành án dẫn đến người được thi hành án là Công ty Nam Việt lâm cảnh lao đao, kiệt quệ.

Hai là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương mà cụ thể ở đây là trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đối với việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết thỏa đáng những bức xúc, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân.

Ba là, đề nghị Bộ Tư pháp có chỉ đạo đối với các đơn vị thi hành án có biện pháp giải quyết dứt điểm những khiếu kiện liên quan đến công tác thi hành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân và doanh nghiệp.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều