Bài học trong công tác thi hành án dân sự tại số 2 Trần Não, TP.HCM: Kỳ lạ cuốn “sổ đỏ” cấp cho SSG Bình An

(Mặt trận) - Liên quan đến vụ việc khiếu kiện tại số 2 Trần Não, Quận 2, TP.HCM, ngày trước thềm phiên xét xử phúc thẩm giữa năm 2017, UBND TP.HCM và Sở TN&MT TP.HCM đã có nhiều động thái tích cực để Giấy chứng quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An. Tuy nhiên, khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật thì giữa người dân và doanh nghiệp tiếp tục mâu thuẫn gay gắt về lợi ích, còn bên thua kiện là UBND TP.HCM đến nay vẫn chưa thi hành đầy đủ bản án theo quy định của pháp luật.
Văn bản số 947/UBND-ĐT ngày 27/2/2017 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa ký ban hành.

Như đã thông tin, đối với vụ việc khiếu kiện tại số 2 Trần Não, Quận 2, TP.HCM, dường như đối lập với những kết quả tích cực mà người dân giành được khi tiến hành khởi kiện Thành phố ra Tòa thì các cấp chính quyền TP.HCM lại có những bước đi “dồn dập” để hợp thức hóa dự án về mặt pháp lý như “sự đã rồi”.

Cụ thể, TAND TP.HCM chính thức thụ lý vụ kiện khoảng giữa năm 2014 thì cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc cho dự án Bình An Pearl. Khoảng đầu năm 2016, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng kiện thì cuối năm 2016, Sở TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án. Đến đầu năm 2017, ngay trước thời điểm TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án xét xử phúc thẩm, Sở TN&MT cấp sổ đỏ cho SSG Bình An. Đến giữa năm 2017, Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng kiện tiếp thì tháng 8/2017, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho dự án. 

Đến nay, nhiều năm sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, UBND TP.HCM vẫn chưa thi hành đầy đủ bản án của tòa. Trong khi đó, việc cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư dự án Bình An Pearl sau khi bản án đã được tuyên khiến người dân và chủ đầu tư mâu thuẫn quyền lợi, xung đột gay gắt về quyền lợi.

Theo người dân, việc UBND TP.HCM và Sở TN&MT TP.HCM cấp sổ đỏ cho SSG Bình An đối với lô đất số 2 Trần Não, phường Bình An, Quận 2 là rất bất thường, thậm chí có nội dung bất nhất với thực tế diễn ra trong quá trình tố tụng của vụ án.

Theo đó, tại văn bản số 947/UBND-ĐT ngày 27/2/2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã cho ý kiến chấp thuận giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất cho Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An đối với khu đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu căn hộ và thượng mại dịch vụ tại phường Bình An, Quận 2 theo Quyết định số 6711/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của UBND Thành phố.

Cũng theo quyết định này, SSG Bình An thực hiện các nội dung yêu cầu (nếu có) theo bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Sở TN&MT giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT60538 của Sở TN&MT TP.HCM cấp cho SSG Bình An.

Ngày 10/3/2017, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng đã ký ban hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT60538 cấp cho SSG Bình An tại thửa đất số 74, tờ bản đồ số 4; Bộ địa chính phường Bình An, Quận 2, TP.HCM với diện tích 8.185,5m2.

Phần ghi chú sổ đỏ có nêu: “Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An phải thực hiện các nội dung yêu cầu theo bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, theo Công văn số 947/UBND-ĐT ngày 27/2/2017 của UBND TP”.

Rõ ràng, đây là thời điểm chưa diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm và do UBND TP.HCM kháng cáo nên bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

Vậy việc các cấp chính quyền TP.HCM cấp sổ đỏ cho SSG Bình An tại lô đất số 2 Trần Não và yêu cầu doanh nghiệp này phải thực hiện yêu cầu bản án có hiệu lực pháp luật của một phiên tòa chưa diễn ra liệu có đúng quy định? Tại sao UBND và Sở TN&MT TP.HCM phải vội vã cấp sổ cho SSG Bình An vào thời điểm “nhạy cảm” như thế?

Dù câu hỏi trên vẫn bị bỏ ngỏ, thế nhưng, sau hơn 3 năm, nhiều hậu quả nhãn tiền phát sinh từ vụ việc trên đã có thể thấy được. Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên có hiệu lực pháp luật vẫn không được thực thi nghiêm minh. 35 năm người dân ròng rã tìm công lý, thậm chí thắng kiện vẫn lâm cảnh túng quẫn, cùng cực. Bên phải thi hành án là UBND TP.HCM vẫn chậm trễ thi hành bản án bất chấp sự quan tâm, vào cuộc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Tổng cục Thi hành án dân sự khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.

Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống các hộ dân hiện đang rất khó khăn. Ảnh: Dân trí

Hiện tại, vụ việc nêu trên vẫn như “hòn đá tảng” thách thức pháp luật, gây bức xúc dư luận xã hội. Con đường đi tìm công lý của người dân vẫn rất gian nan, các hộ gia đình này rất cần lời giải thích công minh và hướng xử lý kịp thời của các cấp có thẩm quyền.

Trước đó, đối với vụ việc trên, trả lời Tạp chí Mặt trận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trước vấn đề dân sinh bức xúc dẫn đến khiếu kiện kéo dài hàng chục năm nhưng cách xử lý của UBND TP.HCM đối với vụ viêc là rất chậm trễ. Đối với nội dung giải quyết lại đơn khiếu nại của người dân, các bản án nêu trên đã tuyên rõ Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật. Đến nay, các bản án đã có hiệu lực pháp luật được gần 3 năm, nhưng UBND thành phố Hồ Chí Minh vẫn loay hoay tìm giải pháp tổng thể đối với khu đất liên quan đến các bản án là lý do bao biện không thể chấp nhận được.

Cũng theo Đại biểu Lê Thanh Vân, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chủ tịch UBND TP.HCM - là người chịu trách nhiệm thi hành các bản án. “Quả thực, tôi rất bất ngờ trước cách xử lý vụ việc có phần chậm trễ, ì ạch của UBND TP.HCM, địa phương được coi là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Tại sao sau nhiều năm, các bản án có hiệu lực pháp luật mà chính quyền các của Thành phố không thể xử lý dứt điểm, có lý, có tình đối với nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân bị mất đất, trong khi cuộc sống của họ rất khó khăn, khốn khổ. Điều nay là rất đau xót!” - ông Lê Thanh Vân nói.

“Một ô đất đang có khiếu kiện về mặt hành chính, thậm chí các cơ quan chức năng đã có ý kiến là đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp mà các cấp chính quyền TP.HCM vẫn chấp nhận cho doanh nghiệp tiến hành chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho phép xây dựng dự án chung cư cao tầng là rất bất thường, có biểu hiện sai phạm. Đặc biệt những quyết định của Thành phố đã có ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân kéo theo hàng chục nhân khẩu trong suốt hàng chục năm.

Tôi cho rằng, những đề xuất, đòi hỏi, kiến nghị của những người dân là rất chính đáng, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm xử lý đến nơi, đến chốn, bù đắp những thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng từ việc mất đất trong suốt nhiều năm chứ không thể cứ họp bàn, “đá bóng trách nhiệm” mãi được.

Với tư cách Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục có ý kiến để cơ quan liên quan vào cuộc, xác minh và làm rõ vấn đề này” - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm.

Văn bản số 2057/TCTHADS-NV3 do bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS ký ban hành gửi Tạp chí Mặt trận.

Ngày 23/6/2020, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa đã ký ban hành văn bản số 2057/TCTHADS-NV3 gửi Tạp chí Mặt trận trả lời một số vấn đề liên quan đến công tác thi hành án đối với Bản án Phúc thẩm số 213/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại TP.HCM (Bản án sơ thẩm số 56/2016/HC-ST ngày 18/01/2016 của TAND TP.HCM). Nội dung văn bản nêu rõ:

“Trước đó, Tổng cục THADS đã nhận được Phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phản ánh nội dung vụ việc này. Ngày 11/3/2020, Bộ Tư pháp đã có công văn số 837/BTP-TCTHADS để trả lời Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân như nội dung Tạp chí Mặt trân đã nêu trong bài viết ngày 25/5/2020.

Đồng thời, Tổng cục THADS đã yêu cầu Cục THADS TP.HCM tiếp tục thực hiện quy trình theo dõi thi hành án hành chính đối với các bản án trong vụ việc nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, yêu cầu Cục THADS TP.HCM phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM làm việc với các Sở được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ để nắm bắt thông tin về quá trình và kết quả thi hành án và báo cáo về Tổng cục THADS để theo dõi, tiếp tục chỉ đạo (Công văn số 1693/TCTHADS-NV3 ngày 22/5/2019).

Ngày 12/6/2019, Cục THADS TP.HCM tiếp tục có văn bản số 8804/CTHADS ngày 12/6/2020 đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trưởng tổ chức thi hành Bản án Phúc thẩm số 213/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại TP.HCM (Bản án sơ thẩm số 56/2016/HC-ST ngày 18/01/2016 của TAND TP.HCM) và thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho TAND TP.HCM, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM và Cục THADS TP.HCM về kết quả thực hiện.

Trong thời gian tới, sau khi nhận được thông tin về kết quả thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục THADS TP.HCM theo dõi sát sao đối vơi vụ việc này”.

Để giải dứt điểm các vấn đề dân sinh gây bức xúc, khiến kiện kéo dài, làm ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, kiến nghị thực hiện những giải pháp sau:

Một là, để đảm bảo tính nghiêm minh, quy định của pháp luật đề nghị Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ TN&MT vào cuộc, kiểm tra, làm rõ tính pháp lý việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng của UBND và Sở TN&MT cho SSG Bình An tại lô đất số 2 Trần Não, phường Bình An, Quận 2, TP.HCM.

Hai là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương mà cụ thể ở đây là trên địa bàn TP.HCM đối với việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết thỏa đáng những bức xúc, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân.

Ba là, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp vào cuộc, kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi xâm hại, cản trợ hoạt động tư pháp trong vụ việc dẫn đến công tác thi hành án bị tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Bốn là, để làm sáng tỏ vấn đề và giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như doanh nghiệp, đã đến lúc Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, … cần khẩn trương vào cuộc, lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ khiếu kiện của người dân tại dự án sử dụng đất tại số 2 đường Trần Não, P.Bình An, Quận 2, TP.HCM.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều