Báo động tình trạng 'xâm hại' di tích lịch sử

Nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị “xâm hại” trong thời gian qua không chỉ do người dân thiếu ý thức mà còn cả nguyên nhân từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Một hộ dân tự ý san gạt đất, khoét sâu vào chân núi Mâm Xôi để xây dựng nhà ở. 
Hàng loạt di tích bị “xâm hại”

Núi Mâm Xôi nằm ở thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (Hải Dương) thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, là 1 trong 9 ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng nằm phía sau đền Kiếp Bạc. Hàng năm, núi Mâm Xôi được người dân chọn làm nơi tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Trần.

Tuy vậy, những năm gần đây khu vực này xuất hiện tình trạng một số hộ dân tiến hành san gạt, lấn chiếm khu vực đất ở chân núi để xây dựng các công trình. Những hành động này đã phá vỡ cảnh quan của khu vực linh thiêng, “xâm hại” nghiêm trọng quần thể Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khu vực chân núi Mâm Xôi đã bị đào khoét nham nhở…

Gần đây, dư luận trên địa bàn tỉnh Hải Dương thêm một lần “dậy sóng” khi Đoàn Thanh niên phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho vẽ bích họa lên phía đầu hồi bên trái đình Tự Đông. Đây là ngôi đình được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII thờ Cửu Ngõ Đại Vương có tài chữa bệnh cứu dân và đã được phong Thành hoàng. Đình có kiến trúc chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Đình Tự Đông được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1997. Hiện di tích còn giữ lại được kiến trúc cơ bản của thời Hậu Lê.

Gần đây nhất là sự việc lan truyền trên mạng xã hội về những hình ảnh cổng đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà (Hải Dương) bị dỡ bỏ hoàn toàn trong quá trình trùng tu, sửa chữa. Đây là ngôi đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995. Qua thời gian, đền xuống cấp nên người dân địa phương, chính quyền xã Thanh Hải đã đề xuất trùng tu, tôn tạo di tích và đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Khi di tích được trùng tu, cổng đền cũ bị tháo dỡ, thay vào đó, cổng chính và 2 cổng phụ được làm bằng trụ xi măng, cánh cửa làm bằng sắt thép theo phong cách khác so với trước khiến dư luận nhân dân rất băn khoăn. Nhiều người còn cho rằng cổng đền này có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử nên “việc phá bỏ hoàn toàn là điều đáng tiếc và chưa đúng với Luật Di sản”?.

Phải chặn ngay những vi phạm tương tự

Ngay sau khi có thông tin phản ánh việc một số di tích lịch sử được xếp hạng bị xâm hại, chính quyền địa phương có di tích liên quan đã có văn bản báo cáo lãnh đạo cấp trên cùng cơ quan chức năng quản lý để nắm rõ và có phương án chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương xác nhận đã nắm được nội dung người dân phản ánh tại khu vực núi Mâm Xôi. Sở cũng đã phối hợp với UBND TP Chí Linh có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên.

Đối với sự việc tại đình Tự Đông thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), Sở đã yêu cầu UBND phường Cẩm Thượng phải khắc phục tình trạng nêu trên. Đến nay, các hình ảnh đã được xóa bỏ để trả lại không gian vốn có của di tích.

Riêng đối với phản ánh về cổng đền An Liệt, xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà), lãnh đạo địa phương cho biết do thiếu kinh phí nên chưa làm lại được cổng đền chỉ xây dựng tạm. Điều này dẫn đến việc không đúng theo báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã trình với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và khiến dư luận hiểu lầm là đập bỏ cổng di tích để xây mới. Hiện, Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương đã đề nghị UBND huyện Thanh Hà phối hợp chỉ đạo giao UBND xã Thanh Hải huy động mọi nguồn lực để thi công hoàn thiện hạng mục nghi môn theo đúng hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo đền An Liệt.

Ông Tăng Bá Hoành - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương cho biết, tình trạng một số di tích lịch sử, trong đó có di tích đã được xếp hạng Quốc gia ở tỉnh Hải Dương bị xâm hại trong thời gian qua là một điều vô cùng đáng tiếc. Việc này có nguyên nhân chính là do ý thức của một số người dân còn hạn chế; cán bộ quản lý còn yếu về chuyên môn, chính quyền cơ sở còn chủ quan, chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích... Những việc làm này cần được chấn chỉnh ngay nhằm tránh các trường hợp tương tự có thể tiếp tục xảy ra.

Theo Điểm a khoản 1 và khoản 2, Điều 34 Luật Di sản văn hóa quy định: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo”.

Theo Đại đoàn kết

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều