Bao trùm lên chỉ là một chữ “Dân”

“Báo chí cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hôm qua, 20/6.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bao trùm của ý kiến chỉ đạo này chính là dân, doanh nghiệp cũng là dân.

Còn nhiều tồn tại như tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, báo chí điều tra, phát hiện, đấu tranh để loại bỏ các quan tham. Đó chính là góp phần xây dựng kỷ cương, góp phần nuôi dưỡng sự liêm chính.

Báo chí có “trọng dân và có trách nhiệm với dân” hay không được thể hiện qua việc gần dân, lắng nghe dân, nói lên tiếng nói của dân và nguyện vọng chính đáng của dân. Dân có những nỗi bức xúc, nỗi oan khiên, báo chí phải ghi nhận, phản ánh, để chính quyền giải quyết, đem lại sự công bằng cho dân. Đó chính là cùng với Chính phủ hành động vì dân.

Doanh nghiệp làm ăn gặp khó khăn, trong đó có nhiều cản ngại từ chính sách chưa phù hợp hoặc đã bị lạc hậu. Báo chí nghiên cứu, tìm hiểu, lấy ý kiến từ người dân, doanh nhân, chuyên gia, cùng phản biện, đóng góp để Chính phủ hoàn thiện chính sách, thể chế, đó chính là khai thác trí tuệ từ cộng đồng nhằm tăng sức mạnh cho một Chính phủ sáng tạo.

Trên thực tế, có không ít trường hợp báo chí đã chưa làm tốt mục tiêu trên. Không nói đúng sự thật, chỉ vì một bài báo không chính xác, một doanh nghiệp bị thiệt hại vô cùng lớn, có thể bị sập tiệm. Thậm chí, có cái sai không phải vì vô tình, mà cố ý xuất phát từ mục đích cá nhân. Báo chí đến lúc phải tự soi gương để xem xã hội đang nhìn gương mặt mình như thế nào.

Và cuối cùng những đóng góp của người cầm bút phải trên tinh thần xây dựng, vì cái chung, vì lẽ công bằng và vì sự phát triển. Đấu tranh trước tham nhũng, lãng phí và với sự phản tiến bộ thì kiên quyết không khoan nhượng, nhưng không thể nói bừa, nói càn, nói sai bản chất sự việc.

Ngoài góp ý xây dựng với chính quyền, báo chí kêu gọi cải tạo xã hội theo hướng tích cực, nâng cao dân trí. Một quốc gia cường thịnh phải bắt đầu từ một cộng đồng có nền tảng dân trí cao.

Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều