Bệnh "lười học lý luận chính trị" và những giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Học tập lý luận chính trị là công việc thường xuyên, lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác.
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Những biểu hiện của bệnh lười học lý luận chính trị

Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện lười học lý luận, nhất là lý luận chính trị. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra những biểu hiện chính của bệnh lười học tập lý luận chính trị là: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh chủ quan của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những hạn chế trong học tập và nghiên cứu lý luận, trong việc gắn lý luận với thực tiễn. Những hạn chế đó được chia làm ba nhóm: kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông. Ba chứng bệnh mà Người nêu ra, cho đến nay vẫn là những căn bệnh đang thực sự tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII gọi chung là bệnh "lười học lý luận chính trị". Việc lười học lý luận chính trị có thể thấy rõ ở một số biểu hiện cụ thể như:

- Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện coi thường học tập lý luận chính trị nói chung, nghị quyết của Đảng nói riêng, cho rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ; xác định động cơ học tập lý luận chính trị không đúng, cho rằng việc học tập này chỉ là để đủ tiêu chuẩn về bằng cấp chứ không phải để nghiên cứu, nắm vững lý luận chính trị phục vụ nhu cầu công tác, không coi học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của cán bộ, đảng viên.

- Nhiều cán bộ, đảng viên có thái độ thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp học nghị quyết, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Biểu hiện rõ nét là khi tham gia học tập, không ít cán bộ, đảng viên xuất hiện tư tưởng “có mặt” để điểm danh mà chưa thực tâm chú ý lắng nghe, trăn trở trước những vấn đề quan trọng, cốt lõi của lý luận chính trị. Đáng buồn hơn, không ít cán bộ, đảng viên mặc nhiên sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, vô tư trò chuyện trong lớp học mà quên đi việc tập trung, chú ý lắng nghe báo cáo viên, giảng viên truyền thụ kiến thức lý luận chính trị. Thậm chí, sau mỗi đợt học tập chính trị tập trung, một số cán bộ, đảng viên còn “bỏ quên” tài liệu, văn kiện tại giảng đường, dưới gầm bàn… Khi làm bài thi, bài thu hoạch, do không nắm được kiến thức nên tình trạng sao chép, quay cóp diễn ra khá phổ biến.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin, hiểu biết mới; không có sự trăn trở và sáng tạo trong quá trình học tập. Học tập lý luận chính trị một cách thụ động nên nghe mà không hiểu, hoặc hiểu không thấu đáo. Sau học tập, một số cán bộ, đảng viên “nói” như thể hiểu thấm thía nội dung nghị quyết, chủ trương của Đảng, nhưng khi tuyên truyền lại thể hiện một cách chủ quan, chung chung, thậm chí làm sai lệch nội dung nghị quyết. Nhiều vấn đề mới, hệ trọng trong nghị quyết vừa được ban hành không được họ chú trọng, lưu tâm nghiên cứu, cập nhật.

- Tình trạng lý luận xa rời thực tiễn đang diễn ra khá phổ biến ở không ít cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay có người am hiểu lý luận, nhưng ít hiểu biết thực tiễn; số khác có hiểu biết thực tiễn, nhưng yếu về lý luận; hoặc là, vừa không am hiểu lý luận, vừa xa rời thực tiễn. Số cán bộ, đảng viên vừa am hiểu lý luận, vừa sâu sát thực tiễn không nhiều. Điều đó dẫn đến một số chủ trương, nghị quyết của Đảng được xây dựng chưa phù hợp với thực tiễn, hoặc phù hợp nhưng triển khai vào thực tế chậm và kém hiệu quả, thậm chí xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Tình trạng này gây những hệ lụy không nhỏ cho Đảng, cho Nhà nước và xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Tại Hải Dương, những biểu hiện của bệnh "lười học lý luận chính trị" đang thể hiện tương đối rõ nét trong không ít cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh nói riêng. Tình trạng "nợ bằng", trốn tránh việc học tập lý luận, học chỉ để hoàn thiện bằng cấp; thiếu nghiêm túc trong học tập và thi cử; lười suy nghĩ, nghiên cứu và vận dụng kiến thức đã học; thiếu quan tâm, cập nhật thường xuyên các nghị quyết của Đảng, hiểu mơ hồ về nội dung các nghị quyết; lý luận xa rời thực tiễn... đang là căn bệnh nguy hiểm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Năm 2017, nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn về lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh, qua rà soát có gần 300 trường hợp cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện hiện đang nợ bằng trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Trường chính trị tỉnh đã phải mở bổ sung 04 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính để đáp ứng nhu cầu học tập, bảo đảm tiêu chuẩn bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cho nhóm đối tượng này.

Nguyên nhân của bệnh lười học lý luận chính trị

Bệnh lười học lý luận chính trị bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu là từ chính cá nhân người học, như:

- Người học không xác định được mục đích đúng đắn của việc học tập lý luận chính trị, học không vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến; học để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn.

- Trong thời đại công nghệ số, truyền thông, in-tơ-nét phát triển nhanh, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngại đọc, ngại cầm những cuốn sách, tập giáo trình, nhất là giáo trình lý luận chính trị thường trừu tượng, khô khan. Họ thích học, thi, viết luận văn theo kiểu “ăn xổi”, “mì ăn liền”…

- Với nhiều học viên, trong thời gian đi học lý luận chính trị còn chịu sức ép bởi vấn đề tuổi tác, công việc, cuộc sống gia đình, không thể toàn tâm, toàn ý cho việc học. Bởi thế, niềm say mê, hứng thú nghiên cứu lý luận chính trị cũng giảm sút.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía người học, một nguyên nhân quan trọng khác là do những hạn chế trong công tác giáo dục lý luận. Đúng như Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014, của Bộ Chính trị, về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã chỉ ra: Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên... Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: "Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra".

Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, khắc phục căn bệnh lười học lý luận chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp kiên quyết và đồng bộ, cả từ phía người học và từ công tác giáo dục lý luận chính trị. Trong đó, tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, phải xác định đúng vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị

Hiện nay, nhận thức của không ít cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về giáo dục lý luận chính trị chưa đúng nên nhiều cơ quan, đơn vị không cử cán bộ đi học lý luận chính trị; khi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ chưa đề cao tiêu chí về trình độ lý luận chính trị, dẫn đến tình trạng "cho nợ bằng", bổ nhiệm trước, cử đi học lý luận chính trị sau. Bản thân cán bộ, đảng viên cũng ngại học lý luận chính trị nên chỉ khi nào bắt buộc mới đi học để được quy hoạch, bổ nhiệm, để “trả nợ”.

Xác định đúng vai trò, mục đích của việc học tập lý luận chính trị đòi hỏi phải tập trung vào mấy việc sau:

Đối với Đảng, Nhà nước: Xác định rõ vai trò của học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, trong quy định pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư hợp lý cho giáo dục lý luận chính trị. Hiện nay, các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Với mô hình đơn vị sự nghiệp có thu nhưng lại bị kiểm soát chặt chẽ về việc liên kết, mở rộng loại hình đào tạo, nhiều trường và đa số các trung tâm bồi dưỡng chính trị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên cơ sở vật chất nghèo nàn, đời sống cán bộ, giảng viên còn nhiều khó khăn. Điều đó cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị tại các địa phương.

Đối với các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ: Coi trọng đúng mức việc học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Trong quy hoạch, bổ nhiệm phải quy định rõ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, không bổ nhiệm cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, kiên quyết không để tình trạng "nợ bằng". Cần coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong việc bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, chứ không chỉ phục vụ cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Khi cán bộ đã được cử đi học lý luận chính trị, cần phối hợp với đơn vị đào tạo để quản lý cán bộ, đồng thời coi trọng kết quả, ý thức học tập và lấy đó là một tiêu chí đánh giá cán bộ.

Đối với các học viện, trường chính trị và đơn vị đào tạo: Xác định đúng vai trò cơ quan đào tạo cán bộ của Đảng; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên sâu về lý luận và am hiểu thực tiễn, có kỹ năng sư phạm tốt; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quản lý học viên, tránh tình trạng lỏng lẻo về kỷ luật và không để tình trạng học viên học theo kiểu "đánh trống ghi tên" mà vẫn được thi, được lấy bằng.

Đối với bản thân cán bộ, đảng viên: Xác định đúng động cơ và mục đích của học tập lý luận chính trị, coi học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của người cán bộ, đảng viên. Có thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị; phát huy tính sáng tạo, chủ động trong học tập; tích cực mang kiến thức lý luận vận dụng vào thực tiễn.

Hai là, đổi mới nội dung giáo dục lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Đánh giá về những hạn chế của công tác giáo dục lý luận, Người nêu rõ: "Dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được,... lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau"(1). Trong phần cuối của tác phẩm, khi nói về việc chữa chứng bệnh ba hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán bệnh "nói mênh mông": "Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến"(2).

Đây cũng là hạn chế rất lớn trong giáo dục lý luận hiện nay. Nội dung chương trình cũng như các giáo trình giáo dục lý luận chính trị thường nặng về lý luận và những kiến thức tổng quát, vĩ mô; phần nói về tình hình địa phương, các kỹ năng giải quyết công việc thực tế thường chiếm dung lượng nhỏ, nội dung sơ sài, thậm chí cách giải quyết vấn đề còn giáo điều, cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn. Thêm vào đó, giảng viên vì hạn chế về kiến thức thực tiễn nên cũng chỉ giảng sâu phần lý luận (giảng cái mình có) mà không đi sâu phần áp dụng thực tiễn (cái học viên cần).

Để khắc phục hạn chế trong giáo dục lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay"(3).

Trên cơ sở quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã nêu và xuất phát từ thực tiễn hiện nay, công tác giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới về nội dung theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với trình độ và nhu cầu của người học. Cụ thể:

- Trong xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cần tăng cường phần nội dung về tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương; tăng phần kiến thức về kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế trong các lĩnh vực công tác; giảm những nội dung lý luận chung, trừu tượng, trùng lặp trong nhiều chương trình đào tạo.

- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải thiết kế phù hợp với đặc điểm, vị trí công tác, trình độ người học để học viên học xong rồi có thể hiểu và vận dụng được ngay. Tránh tình trạng người học ở trình độ thấp mà giáo trình lại có nội dung quá cao siêu, khó hiểu, hoặc người học công tác ở lĩnh vực này nhưng nội dung học lại đề cập đến lĩnh vực khác. Để khắc phục vấn đề này, giáo trình chung trên toàn quốc nên thiết kế theo khung nội dung hướng đến các vấn đề lý luận và kỹ năng cơ bản; phần các kiến thức, kỹ năng cụ thể theo từng ngành, từng địa phương, từng đối tượng nên giao cho các trường cấp tỉnh xây dựng. Như vậy, nội dung chương trình sẽ sát thực và phù hợp hơn.

Ba là, đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát huy tính độc lập, tích cực của người học, "học đi đôi với hành"

Trong giáo dục lý luận chính trị, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên là phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của người học, lấy người học làm trung tâm. Trong đó, cần áp dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực, như xử lý tình huống, thảo luận nhóm, hỏi - đáp, phỏng vấn chuyên gia,... để khơi gợi sự độc lập và sáng tạo về tư duy của người học.

Để thực hiện hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực, đòi hỏi phải có những thay đổi nhất định trên nhiều phương diện. Trước hết, nội dung giáo trình phải được kết cấu lại cho phù hợp, đồng thời tăng thời lượng các giờ thảo luận, các giờ tự học, tự nghiên cứu thực tế. Người giảng viên phải có sự đầu tư và chuẩn bị thật chu đáo từ khâu soạn bài giảng, thực hiện bài giảng, thảo luận,... Phương pháp thi, kiểm tra cũng phải đổi mới theo hướng đánh giá khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn cũng như khả năng xử lý tình huống của học viên, thay vì đòi hỏi học viên phải học thuộc lòng lý luận như hiện nay.

Bốn là, đa dạng hóa các phương thức giáo dục lý luận chính trị, nhất là phương thức kết hợp giữa học ở trường, lớp với quá trình tự học

Đối với học tập lý luận chính trị, việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng là hình thức cơ bản. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, các lớp giáo dục lý luận chính trị phải được tổ chức thường xuyên; chương trình, giáo trình phải có tính hệ thống và theo từng mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao quá trình tự học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu: "Ở các cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ... Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định"(4).

Trong công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay, chúng ta mới chỉ coi trọng việc tổ chức các lớp học, khóa học mà chưa quan tâm đến việc tự học của cán bộ, đảng viên. Trừ những cơ quan đặc thù, như cơ quan nghiên cứu, giảng dạy,... hiếm thấy cơ quan nào có quy định về việc tự học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Việc tự học tập lý luận chính trị có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức: đọc báo, trao đổi, thảo luận về tình hình thời sự, về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, các vấn đề của địa phương. Trên cơ sở ghi chép và báo cáo kết quả tự học tập, cơ quan có sự ghi nhận, đánh giá, coi đó như một phần kết quả công tác của cán bộ. Có như vậy, việc học lý luận chính trị mới thực sự trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là nhu cầu thường trực của mỗi cán bộ, đảng viên./.

-----------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 343
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 313

ThS. Đỗ Thị Phương - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

Tạp chí Cộng sản

Bình luận

haiz.......... - 17:35 27/06/2018

Hay

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều