Bị nợ lương nhiều tháng, một số nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường kêu cứu

Bị nợ lương nhiều tháng nay, một số nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải xuống đường kêu cứu.
 Các nhân viên y tế tập trung trước cổng Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam để kêu cứu vì bị nợ lương.
Cuối giờ chiều ngày 12/1, tại cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), hàng chục cán bộ nhân viên của Bệnh viện đã xuống đường, căng băng-rôn, giơ khẩu hiệu để kêu cứu vì tình trạng nợ lương, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận nhân viên.

Theo các nhân viên y tế này, trên 40 người trong tổng số 160 y, bác sỹ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã bị thiếu lương, nợ lương từ tháng 5/2021 đến nay. Có người chỉ nhận được 2- 3 triệu đồng/tháng trong khi công việc vẫn như vậy.

Bức xúc chia sẻ về tình trạng hiện tại, điều dưỡng Đ.T.T.H, Khoa Nội 2, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết: “Từ tháng 5/2021 đến nay, chúng tôi chỉ nhận được 50% lương, phần còn lại Bệnh viện vẫn đang nợ. Mức lương của tôi là 6,6 triệu, nhưng chỉ được trả 3,3 triệu đồng; tôi không thể có đủ tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học…  Cuộc sống của chúng tôi bây giờ rất khó khăn. Chúng tôi phải mang băng-rôn ra trước cổng bệnh viện vì chúng tôi đã hết kiên nhẫn với “những lời hứa suông”. Đến nay, vấn đề vẫn chưa thể giải quyết và đến bước đường cùng chúng tôi phải làm như vậy”.

Người lao động mong có câu trả lời thỏa đáng. 
Theo chị H, vấn đề nợ lương đã được đưa ra họp rất nhiều lần, những người lao động ở đây cũng đã từng nộp đơn lên Công đoàn, có phản ánh lên lãnh đạo Bệnh viện nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các nhân viên lại tiếp tục “kêu cứu” lên cấp cao hơn, nhưng Ban Giám đốc bệnh viện vẫn không trả lời thỏa đáng, lương vẫn nợ, thậm chí là không trả được.

Theo các nhân viên này, nguyên nhân của tình trạng nợ lương này bắt đầu từ thời gian Bệnh viện tiến hành tự chủ. Quy trình tự chủ cũng không công khai, khi các khoa phòng và nhân viên đều không được thông báo rõ ràng, không thông qua các nhân viên, người lao động. Người lao động không hề biết bệnh viện tự chủ từ khi nào, có Quyết định tự chủ từ khi nào.

 Những lời khẩn cầu thống thiết.
“Việc Bệnh viện tự chủ để phát triển, các nhân viên y tế đều đồng ý; tuy nhiên khi không phát triển được theo hướng này thì phải có phương án giải quyết. Đặc biệt phải đảm bảo tiền lương, đời sống cơ bản của nhân viên chứ không thể để tình trạng “đem con bỏ chợ” như thế này”, chị H. bức xúc.

Điều dưỡng Trần Hồng Minh, khoa Nội nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng cho biết: “Hàng ngày tôi phải đi từ Chương Mỹ lên Bệnh viện làm việc; bị nợ lương, không có tiền thuê nhà, tôi phải đi ở nhờ nhà em tôi. Hoàn cảnh gia đình càng chồng chất khó khăn, tiền học của con tôi, tôi cũng phải cắt giảm bớt”.

Cũng theo điều dưỡng Minh, dù khó khăn nhưng hầu hết nhân viên ở đây vẫn cố gắng bám trụ với nghề, một phần vì yêu nghề, một phần cũng không biết chuyển đi làm ở đâu trong giai đoạn dịch bệnh.

Về việc các nhân viên lên tiếng kêu cứu, đại diện Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết.

Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019-2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu nhưng bệnh viện đã không đạt được kế hoạch như dự kiến.

Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều