“Cả đời làm công tác tổ chức, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm”

Có thể nói, dấu ấn lớn nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua đó chính là quyết tâm chính trị của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư với tuyên bố: đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, không “tắm từ vai xuống”, bất cứ cán bộ dù ở cấp nào có hành vi tham nhũng đều phải xử lý”. Cách làm này đã tạo được lòng tin trong nhân dân, tin là Đảng đã phát động được phong trào chống tham nhũng, người dân đã vào cuộc và cung cấp nhiều thông tin có giá trị.

“Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi cũng chưa thấy ai từ chức”.

Cuộc đấu tranh giữa đồng chí, cán bộ mình

Theo dõi tình hình Đảng ta chống tham nhũng thời gian qua, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhận định, những thắng lợi sau 2 năm đẩy mạnh chống tham nhũng mới chỉ là những kết quả bước đầu. Chúng ta tuyệt đối không thể thỏa mãn với những thành quả vừa qua. Xem cuộc đấu tranh chống tham nhũng như một trận đánh với giặc nội xâm, giữa đồng chí mình với cán bộ mình, thì đây là cuộc đấu tranh vô cùng gay gắt. Ai đó cảm thấy thỏa mãn thì thực sự là sai lầm.

“Đánh rắn phải đánh cho dập đầu”, củi khô đã đưa vào lò cháy rồi, nhưng củi tươi chỉ mới bén cháy. Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vừa diễn ra đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công cuộc đấu tranh này”, ông Hương nêu quan điểm.

Từng gắn bó nhiều năm với công tác cán bộ, từng chứng kiến có những lúc Đảng phải đình chỉ sinh hoạt Đảng, ngưng kết nạp Đảng để thanh lọc, đấu tranh với nạn tham nhũng, dù khi đó mới chỉ là tham nhũng vặt, ông Hương không khỏi day dứt khi chứng kiến tình trạng tham nhũng hiện nay đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, con số mất mát lên tới hàng nghìn tỷ đồng và điều đau xót hơn cả, theo ông Hương chính là chúng ta đều biết đồng chí mình, cán bộ mình bắt tay nhau để ăn cắp của đất nước.

Đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng vừa qua, cho rằng, đó là những ý kiến rất đúng, rất tâm huyết nhưng theo ông Nguyễn Đình Hương, đó vẫn chỉ là lời nói. Với tư cách một người dân, ông đang trông chờ những hành động của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc xử lý những vụ đại án thời gian qua, liệu có được xử lý đến nơi đến chốn hay không?

“Vụ việc AVG nếu không phát hiện kịp thời, thiệt hại có thể lên tới 7.000 tỷ đồng, không thể không có ai phải chịu trách nhiệm; trong vụ việc của Đinh La Thăng, còn những ai liên quan nữa chứ không chỉ có mỗi ông này; rồi vụ việc liên quan đến Vũ nhôm, Út trọc, đất Thủ Thiêm… thất thoát hàng nghìn tỷ, số tiền đó vào túi ai cần phải làm cho rõ”, ông Hương nhấn mạnh.

 Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng qua tuyên bố không có vùng cấm, "không tắm từ vai xuống", cán bộ dù ở cấp nào mắc sai phạm đều bị xử lý đã tạo lòng tin trong nhân dân

Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, những phát ngôn, tuyên bố của Đảng đã thuyết phục được người dân, giờ là lúc cần đẩy mạnh việc thực hiện theo đúng tinh thần đó. Người dân muốn được xem Đảng làm, chứ không phải chỉ nghe Đảng nói. Đảng đã nói rất đúng, quyết tâm cũng đã rõ, dân nghe đều thấy thỏa mãn và cũng đã chứng kiến những thắng lợi bước đầu, tuy nhiên, điều mà người dân trông chờ nhất là sắp tới, Đảng sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào, nếu thực hiện đúng như lời của Tổng Bí thư mới là thắng lợi.

60 năm làm công tác cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm

Ông Hương cũng nhấn mạnh rằng, công cuộc chống giặc nội xâm, mọi nút thắt đều xoay quanh công tác cán bộ. Người đứng đầu mà trong sạch, liêm khiết mới chống được tham nhũng. Nhưng nếu chỉ một người thôi không đủ, “thần thiêng nhờ bộ hạ”, người đứng đầu trong sạch, liêm khiết, dám làm, còn cần cả bộ hạ phía dưới, nếu họ không tốt thì người đứng đầu sao có thể làm được; thế mới phải cần đến những người giúp việc, tham mưu, các cơ quan ban ngành liên quan cùng thực hiện.

“Ngày xưa chúng tôi đi đánh giặc, đối tượng đã rõ cứ thế là bắn. Còn trong cuộc chiến với giặc nội xâm ngày nay, là tình đồng chí, tình bạn, bắn làm sao được. Tôi đã đi nhiều nơi và chứng kiến rất nhiều câu chuyện vì nể nang, thương nhau mà tránh né cho nhau. Do vậy mới nói khâu cán bộ là quyết định, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Không chỉ “rọi đèn” để soi tìm tham nhũng mà phải lựa chọn, cắt cử, bố trí cán bộ để ngăn chặn tham nhũng. Chúng ta đã chọn cán bộ sai, chọn người tham nhũng thì làm sao chống được tham nhũng. Nếu không làm tốt công tác này, không loại trừ được đối tượng tham nhũng thì chống tham nhũng vẫn chỉ là khẩu hiệu”, ông Hương phân tích thêm.

 

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương

Ông Hương cũng nhấn mạnh: “Đi liền với công tác cán bộ là kiểm soát quyền lực. Đây không phải là vấn đề mới, Bác Hồ đã từng nói đến từ năm 1947. Sau 2 năm cầm quyền 1945, 1946, Bác đã nhìn thấy quyền lực bị lạm dụng quá nhiều, và sau đó vụ việc của Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã khiến Bác mất ngủ cả đêm để đi tới quyết định xử tử với lập luận “con sâu mọt” đã làm cho cây bị thối thì phải chặt bỏ để làm sạch vườn cây”. Liên hệ đến những vụ đại án gần đây thiệt hại hàng nghìn tỷ, ông Hương trầm ngâm “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức”.

Để có được cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, theo ông Hương, điều này phụ thuộc vào người đứng đầu không tham nhũng và bộ sậu cấp dưới cũng phải trong sạch. Đánh giá cao những “cánh tay” đắc lực của Đảng, trong đó không thể không nhắc tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Hương cho rằng, hoạt động của cơ quan này như vừa rồi là tốt, cần tiếp tục duy trì tinh thần làm việc này, thậm chí có thể trao cho họ có thêm thẩm quyền.

Cụ thể, theo cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải do Đại hội bầu mới có đủ thẩm quyền xử lý cả ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng; có quyền đình chỉ, niêm phong, quyền đề nghị khởi tố. Với thẩm quyền như hiện nay, cơ quan này không có khả năng “đụng” đến những cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chỉ có quyền đề nghị xử lý chứ không thể quyết định việc xử lý.

Kết luận Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt hơn nữa công cuộc đấu tranh này, tuy nhiên, ông Hương cho rằng chỉ cần 3 giải pháp, đó là công tác cán bộ, người đứng đầu; cơ chế kiểm soát quyền lực và người dân.

“Bác Hồ đã nói đại ý, muôn việc muốn thành công đều phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lấy dân làm gốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định lại tinh thần này. Nhưng phải dựa vào dân như thế nào, theo tôi phải có cơ chế để phát huy sức mạnh trong nhân dân, chứ không phải chỉ hô hào nghe theo dân, dựa vào dân. Cơ chế đấy chính là để người dân được bầu, được tự quyết định, không để tổ chức thích ai đề bạt người ấy. Đây cũng chính là nguồn cơn của nạn chạy chức, chạy quyền”, ông Hương bày tỏ.

Nội dung: Hà Thanh | Ảnh:Bình Tạ/Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều