Cần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo đảm bảo thông suốt trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh đối với công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
 Huyện Đắk Song (Đắk Nông) hiện có 3 dự án điện gió, dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành ngày 1/11/2021. Tuy nhiên, người dân hiện đang khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ đối với nhà cửa, đất đai nên rất cần giải quyết sớm. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
Số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%

Năm 2021 tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020; trong đó số lượt người giảm 21,6%, số lượt đoàn đông người giảm 9,0%. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 22,1%.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, số vụ khiếu nại, tố cáo giảm là do có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong công tác tiếp công dân, giải quyết kiếu nại, tố cáo. Trong đó, có những giải pháp căn cơ, được thực hiện thường xuyên, liên tục từ nhiều năm nay, nhất là trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trong kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Bà Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực MTTQ tỉnh Hòa Bình cho rằng, nếu nắm bắt tốt về tình hình nhân dân thì sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo. “Tỉnh Hòa Bình đã ban hành quy định tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, qua đó đã giảm bớt được tình hình khiếu nại, tố cáo. Ở các huyện trong tỉnh Hòa Bình làm rất tốt công tác tiếp dân. Lãnh đạo các huyện coi việc tiếp công dân là việc làm thường xuyên”, bà Đặng Bích Ngọc cho biết.  

Cũng theo bà Đặng Bích Ngọc, số vụ việc khiếu tại, tố cáo giảm một phần là do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo ít hơn. Mặt khác, do hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến khiếu nại, tố cáo của người dân cũng giảm so với năm 2020. Trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai cá dự án ít hơn so với năm trước nên số vụ khiếu nại, tố cáo cũng giảm.

Mặc dù vậy, các cấp, các ngành và địa phương cũng không nên coi nhẹ công tác này bởi sang năm 2022 khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các dự án đầu tư tiếp tục khởi công mở rộng đầu tư chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Từ đó cũng sẽ dẫn đến việc người dân lại tìm đến các cơ quan chức năng để gửi đơn khiếu nại, tố cáo do việc đền bù giải phóng mặt bằng, khiếu nại về đất đai, đơn tố cáo sẽ lại tiếp tục gửi đến cơ quan chức năng tăng lên.

Việc giải quyết của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Dù số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng lĩnh vực đất đai vẫn là vấn đề nóng mà người dân khiếu kiện kéo dài. Trước đó, người dân đã khiếu nại rồi nhưng do cơ quan chức năng giải quyết chưa dứt điểm, thấu đáo nên người dân tiếp tục khiếu nại chưa có hồi kết. Có tình trạng người dân chưa hài lòng với cách giải quyết của chính quyền khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài”.  

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cũng cho rằng, các vụ việc đông người, phức tạp, phần lớn là các vụ khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, phát sinh từ nhiều năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, hoặc là những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, thậm chí có vụ việc đã được kiểm tra, rà soát, giải quyết theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu nại, tố cáo với thái độ bức xúc, gay gắt.

Tại một số tỉnh Tây Nguyên, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các dự án nông lâm nghiệp, đất nông lâm trường cũ, đất rừng sản xuất, tranh chấp đất đai giữa người dân với các doanh nghiệp, tranh chấp giữa người dân địa phương với người dân di cư tự do, giữa người dân với các cơ quan nhà nước cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp…

Thẳng thắn nhìn nhận dù số vụ khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Có nơi còn tình trạng mất đoàn kết, thiếu dân chủ, mâu thuẫn trong nội bộ hoặc bao che, không kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. 

Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phực tạp kéo dài.

Một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiến, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là quy định về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo ở một số lĩnh vực như quy hoạch đô thị (nhất là liên quan đến dự án bất động sản), môi trường, giáo dục… cũng phát sinh nhiều vụ việc và có diễn biến phức tạp. Một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại còn có những bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở một số địa phương còn hạn chế, bất cập, nhất là ở những lĩnh vực hay phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng có lúc chưa tốt, thiếu thống nhất trong việc chỉ đạo xem xét, giải quyết vụ việc; công tác vận động tuyên truyền, phát huy vai trò của tổ chức, đoàn thể trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết những bức xúc trong nội bộ ở một số địa phương chưa thực sự được coi trọng.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng: “Chúng ta chưa thực hiện hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Có những vụ việc cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân chưa thỏa đáng khiến họ không hài lòng nên đã xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp”.

Để giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo kéo dài, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành cần tăng cường công tác tiếp dân và nên có trụ sở tiếp dân tại khu vực miền Trung, tránh hiện tượng người dân ra trung ương khiếu nại đông người. “Các địa biểu Quốc hội cần có thống kê kết quả tiếp dân trong nhiệm kỳ tham gia Quốc hội của mình”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở. Thông tin công khai, minh bạch, kịp thời kết quả giải quyết và tổ chức thực hiện có hiệu quả kết luận, quyết định giải quyết; có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; coi trọng, thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở; đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy vai trò của tổ chức, đoàn thể trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết những bức xúc trong nội bộ quần chúng nhân dân. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021 việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thấp (76,3%, giảm 7,2% so với năm 2020), chưa đạt mục tiêu đề ra (85%), nhất là giải quyết khiếu nại (71,3%); tỷ lệ thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại (85,9%), kết luận nội dung tố cáo (82,5%) thấp hơn so với năm 2020 (khiếu nại 99,2%, tố cáo 97,5%) và thấp hơn mục tiêu đề ra (90%); một số cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo giảm 17% so với năm 2020.

Theo Viết Tôn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều