Cầu bộ hành vượt đường sắt tại Thanh Hóa: Bài học cho các công trình bạc tỷ gây lãng phí, phản cảm

(Mặt trận) - Xây dựng cây cầu thép vượt đường sắt dành cho người đi bộ ngay giữa vùng nông nghiệp nghèo tại địa phận xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong điều kiện ngân sách “giật gấu, vá vai” đã nhận được không ít ý kiến bức xúc của dư luận cho rằng, đây là dự án lãng phí, phản cảm và không phù hợp.

Hình ảnh về cây cầu vượt dành cho người đi bộ bên cạnh đường ngang dân sinh sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. (Ảnh: TL)

Cây cầu nêu trên thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao tuyến đường Bỉm Sơn - phố Cát, Thạch Quảng và QL1A, đường sắt Bắc - Nam (Thanh Hóa); sử dụng vốn dư của dự án QL1A.

Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là 226 tỷ đồng (bao gồm cầu vượt đường sắt cho xe cơ giới và cầu thép vượt đường sắt dành cho người đi bộ). Sau khi hoàn thành thiết kế thì dự án này còn dư 40 tỷ đồng. Riêng cây cầu vượt đường sắt cho người đi bộ có kinh phí 2 tỷ đồng.

Cầu được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương từ năm 2017, đến đầu năm 2018, cây cầu được xây dựng và đặt tại vị trí đường ngang hiện hữu (Km143+250 lý trình đường sắt; km293+200 lý trình QL1A) với thiết kế 2 hệ cầu thang từ lối đi dân sinh sang QL1A.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn lại xuất hiện công trình sử dụng nguồn vốn công lên đến hàng tỉ đồng tại đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi, băn khoăn.

Bên cạnh đó, ý kiến người dân cho rằng, việc xây cầu vượt bộ hành để đóng chắn đường ngang QL217 qua xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn gây nên những bất cập cho người dân và cấp quản lý.

Theo người dân địa phương, khi thực hiện xây cầu vượt cho ô tô, xe máy lẽ ra phải làm ở khu vực nút giao chuẩn bị đóng, nhưng không hiểu lý do gì lại chuyển xuống cách cầu vượt dành cho người đi bộ khoảng 500 mét.

Việc xây dựng hai cây cầu vượt cách xa nhau gây bất cập cho người dân vì hai bên đường sắt có nhiều trường học, trạm xá, uỷ ban.

Địa bàn xã Quang Trung có 6 thôn thì mỗi bên đường tàu có 3 thôn, việc đóng nút giao này gây khó khăn cho dân về việc đi lại.

Ban đầu người dân có nguyện vọng khi đóng nút giao này thì làm một cây cầu vượt ngay tại đây để có thể cho xe ô tô nhỏ hoặc xe máy đi qua, nhưng các đơn vị liên quan chỉ làm cây cầu dành cho người đi bộ.

Việc xây dựng cầu vượt đi bộ như hiện tại đã gây bức xúc cho người dân vì việc đưa đón con đi học hoặc đến trụ sở uỷ ban xã phải bằng phương tiện cơ giới chứ không mấy người đi bộ. Bởi lẽ, khi chưa có rào chắn, họ đưa con em đến trường chỉ cách nhà khoảng 1km, tới đây khi rào chắn đóng lại, thì sẽ phải đi đường vòng, quãng đường xa gấp mấy lần hiện tại.

Bên cạnh đó, các hộ làm nông nghiệp tại xã Quang Trung có ruộng phía bên kia đường còn lo lắng khi đường ngang bị đóng chắn, bà con sẽ phải gánh mạ, phân bón đi lên Hà Bắc, vòng qua cánh đồng rồi mới lên cầu vượt bê tông để đến ruộng nhà mình, như vậy xa thêm khoảng 5km; bởi cây cầu vượt cho người đi bộ quá cao, họ không thể gánh nặng leo qua được.

Đặc biệt khó nhất là muốn đưa trâu, bò ra đồng thì họ lại cũng phải đi đường vòng vì trâu bò không thể qua cầu vượt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hán - Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, trong thời gian sắp tới ngành đường sắt sẽ đóng đường ngang dân sinh vào Quốc lộ 217B của địa bàn xã này. Việc xây dựng cầu vượt đường sắt cho người đi bộ gây bức xúc cho nhân dân địa phương, bởi cây cầu quá ngắn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân sinh sống hai bên đường sắt.

“Người dân mong muốn xây dựng một cây cầu mà xe máy có thể lưu thông được hoặc cầu đi bộ thì cũng phải vượt qua lòng đường Quốc lộ 1A.

Chúng tôi lo ngại trong thời gian tới khi nút giao Quốc lộ 217B bị đóng kín sẽ có những vụ tai nạn xảy ra, bởi người dân khi đi bộ qua cầu vượt đường sắt sẽ đi thẳng xuống lòng đường Quốc lộ 1A.

Điều này là rất nguy hiểm bởi lưu lượng phương tiện ở Quốc lộ 1 là rất lớn, các phương tiện lưu thông với tốc độ cao...”, ông Hán bày tỏ. (1)

Trao đổi với báo chí, ông Lê Bá Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giao thông 1 Thanh Hóa (Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa) cho biết: “Dự án của Bộ Giao thông Vận tải sẽ đóng đường ngang, nhằm xóa điểm đen tai nạn giao thông đường sắt và thay vào đó bằng cầu vượt đường sắt.

Vì thế, để giải quyết lối đi bộ cho người dân và học sinh sống ở khu vực này, phải làm cầu vượt đi bộ. Xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn bị chia cắt bởi Quốc lộ 1A, nên nhu cầu của người dân và học sinh đi bộ qua đoạn giao cắt đường sắt này rất lớn. Tất cả xe cơ giới sẽ đi cầu vượt cách vị trí giao cắt đường ngang hiện nay vài trăm mét về phía Nam”. (2)

Thế nhưng, dường như ngành GTVT Thanh Hóa đã quên đi bài học tại một số địa phương khác, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã triển khai xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành, hầm chui, tiêu tốn tiền hàng trăm tỷ đồng, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong việc đi lại tại các giao lộ, cổng trường học, bệnh viện, khu du lịch… Tuy nhiên khi đưa vào khai thác sử dụng, các công trình này không phát huy tác dụng và hiệu quả như mong muốn.

Thậm chí còn xảy ra tình trạng cầu vượt, hầm bộ hành bị bỏ không, vắng khách, dẫn đến nhiều công trình mới xây dựng được vài năm đã xuống cấp, xập xệ, trở thành nơi xảy ra tệ nạn mãi dâm, hút chích ma túy.

Trở lại dự án xây dựng cây cầu thép vượt đường sắt dành cho người đi bộ tại Thanh Hóa, việc xây dựng công trình tiêu tốn hàng tỷ đồng giữa vùng nông nghiệp nghèo lại càng bất hợp lý, gây phản cảm, không phù hợp với nhu cầu sử dụng, đi lại của bà con.

Dẫu biết, việc xây dựng cầu bộ hành vượt đường sắt nhằm có thể xuất phát từ mong muốn xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông, vậy nhưng điều người dân cần, ngoài sự an toàn phải đi liền với tình hình thực tế và đời sống dân sinh.

Rõ ràng, việc xây dựng cầu vượt bộ hành không phải là phong trào mà nên nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhiều năm chưa thoát được gánh nặng nợ công và bội chi ngân sách, việc xây dựng cầu bộ hành vượt đường sắt như thế là có biểu hiện của sự lãng phí.

Ngân sách nhà nước không phải là “cái thùng không đáy”, trong khi có rất nhiều việc thiết thực khác cần đến ngân sách. Nếu chúng ta cắt bớt đi được những khoản chi đầu tư công không cần thiết thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác hữu ích hơn, tập trung vào những vấn đề bức bách hơn trong đời sống xã hội.

(1) http://ttvn.vn/van-hoa-xe/xon-xao-ve-cay-cau-vuot-cho-nguoi-di-bo-qua-duong-sat-o-thanh-hoa-6201820616393639.htm 

(2) http://danviet.vn/tin-tuc/cau-vuot-o-thanh-hoa-gay-xon-xao-duoc-xay-rat-hop-ly-887076.html

Phan Anh Tuấn (t/h)

Bình luận

Dụng Tuấn - 07:45 10/08/2018

Không thể tin nổi vào thực tế này. Quá lãng phí, vô ích còn nguy hiểm cho người đi bộ khi lên cầu vượt để tới đường quốc lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ vụ việc này.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều