Cậy tiền ỷ thế: Giấy không gói được lửa

Để loại bỏ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, coi thường pháp luật, cậy quyền cậy thế của một bộ phận người có tiền, có quyền thì luật pháp phải thực sự nghiêm minh.
Hình ảnh được cho là cây gậy chơi golf bị gãy sau khi ông D. dùng đánh nhân viên lan truyền trong các hội nhóm golf (Ảnh: M.X.H) 
Thời gian qua, sự việc gây bức xúc trong dư luận là việc một người chơi golf đã dùng gậy đánh vào một nữ nhân viên phục vụ tại sân golf tại Đà Nẵng. Theo báo cáo từ Ban chấp hành Câu lạc bộ golf Bách Khoa, Đà Nẵng, sự việc xảy ra vào ngày 6/12, trong quá trình chơi, do bất đồng với một nữ nhân viên vì tính số gậy trong một hố, người chơi đã dùng gậy golf đánh vào người cô gái. Những người chơi golf chuyên nghiệp cho biết, chiếc gậy này chuyên dùng cho những cú đánh bóng xa nhất có lực mạnh nhất và là chiếc gậy nặng nhất trong số các gậy chơi golf. Người nữ nhân viên phục vụ đã bất tỉnh ngay sau cú đánh và phải nhập viện. Theo Ban lãnh đạo Câu lạc bộ này, sau khi sự việc xảy ra thì người đàn ông này đã yêu cầu nhân viên của sân golf không được lan truyền sự việc ra với công chúng.

Thế nhưng, giấy không giữ được lửa, sau khi sự việc được phản ánh, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự phản đối trước hành vi được cho là thiếu văn hóa của người chơi golf. Người đàn ông có hành vi côn đồ, thiếu văn hóa trong sự việc là một Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn lớn tại Quảng Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng nhân dân của tỉnh này.

"Để tiếp cận được với bộ môn này thì người chơi chắc hẳn phải là người có tiền. Theo như thông tin tôi đọc được thì người hành hung còn là người có địa vị xã hội cao. Nếu xã hội tồn tại những người có tiền, có quyền cư xử kém văn hóa như vậy thì những người dân thường như chúng tôi phải sống như thế nào", anh Trọng Hiếu (Hà Nội) chia sẻ.

"Một người đàn ông mà đánh một người phụ nữ, đánh trẻ con là không thể chấp nhận được rồi. Trường hợp này là đánh một người phụ nữ đi làm chỉ vì cuộc sống, cá nhân tôi và nhiều người thấy phẫn nộ và rất mong luật pháp sẽ vào cuộc", diễn viên Minh Tiệp cho biết.

Trong thông cáo báo chí vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đưa ra, quan điểm của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quang Nam là trong trường hợp ông Nguyễn Viết Dũng hay bất kỳ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có khuyết điểm, vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Từng có những vụ việc hành vi cậy tiền, ỷ thế ứng xử vô văn hóa, coi thường pháp luật gây xôn xao dư luận, như nữ cựu công an gây rối ở sân bay, một cán bộ văn hóa ném tiền tát nhân viên quán, doanh nhân lớn tiếng quát nạt nhân viên hàng không… Điểm chung của những người này là có địa vị xã hội nhất định, có học thức nhưng lại cậy quyền, ỷ thế bắt nạt những người mà họ cho là thấp cổ bé họng. Tuy nhiên, khi những vụ việc cậy tiền, ỷ thế bị phanh phui, dù là ai, quyền thế cỡ nào cũng đều phải chịu sự xử lý nghiêm minh của Đảng và pháp luật.

"Chúng ta từng có những phóng sự lên án câu chuyện đó. Có hiện tượng có những người thấy vầng hào quang từ quyền lực và tiền tài của mình đã che lấp giá trị, đạo đức của con người. Hành động xấu tạo ra bầu không khí ô nhiễm về văn hóa, khiến chúng ta thấy nhiều hành động như vậy xảy ra trong xã hội. Chúng ta cần lên án điều này để tạo sức đề kháng về mặt văn hóa, đạo đức, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực như vậy", ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

"Chúng ta thấy đó là dấu hiệu tích cực khi có dư luận lên án, phản đối hành vi lệch chuẩn, phản cảm và bạo lực trong xã hội. Điều đó cũng cho thấy những nỗ lực của chúng ta trong việc nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Những quy định được ban hành đã đi vào thực tiễn cuộc sống, từ đó tạo ra dư luận ủng hộ cái tốt đẹp, phản đối cái xấu là tín hiệu tích cực và chúng ta mong muốn những dư luận này mạnh mẽ hơn nữa, để tạo ra sự điều tiết hành vi cho mỗi cá nhân. Khi chúng ta thấy những người xung quanh không đánh giá cao những việc làm phản cảm, lệch chuẩn, thậm chí là phản ứng gay gắt thì chính chúng ta cũng có ý thức nhiều hơn với hành động của mình. Điều đó là tín hiệu tích cực để xây dựng văn hóa, đạo đức con người", ông Bùi Hoài Sơn nói tiếp.

Việc dùng vị thế xã hội hay mối quan hệ thân quen để gây áp lực cho thấy trong thực tế xử lý từng có sự nể nang, nương nhẹ, bỏ qua. Việc thực thi pháp luật không nghiêm dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý. Để loại bỏ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, coi thường pháp luật, cậy quyền cậy thế của một bộ phận người có tiền, có quyền thì luật pháp phải thực sự nghiêm minh, thông nhất với cách áp dùng cho bất kỳ ai. Như vậy, tâm lý cậy quyền ỷ thế không còn đất để dung dưỡng.

Theo VTV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều