Chậm trễ cấp sổ đỏ tại Hải Dương: Thực trạng và những giải pháp

(Mặt trận) - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là giấy tờ pháp lý đặc biệt quan trọng trong thế chấp, chuyển nhượng, thậm chí, Quốc hội đã từng có Nghị quyết, phải căn bản hoàn thành việc cấp sổ đỏ lần đầu trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với các lý do cả chủ quan lẫn khách quan, công tác cấp sổ đỏ tại nhiều địa phương vẫn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, theo ghi nhận thực tế tại tỉnh Hải Dương, vẫn còn nhiều hồ sơ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; trong số đó có trường hợp tồn đọng nhiều năm liền nhưng chưa tìm ra được giải pháp để cấp sổ.

Thực tế hiện nay hầu hết báo cáo của các địa phương về cải cách thủ tục hành chính mới chỉ đề cập đến số lượng thủ tục hành chính đã được tiếp nhận và giải quyết còn việc giải quyết được bao nhiêu hồ sơ đúng thời gian quy định thì không được nhắc đến.

Lô đất số 0.28 trong khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương.

Tại Hải Dương, các hộ dân nhận quyền chuyển nhượng các ô đất (mỗi ô hơn 1.000m2, đất sản xuất, kinh doanh, thời hạn sử dụng: lâu dài) thuộc lô đất ô 0.28 trong khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã có quy hoạch chung được Chính phủ chấp thuận và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được hoàn tất qua các cơ quan công chứng, nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng và gửi hồ sơ hoàn chỉnh tới Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Dương từ cuối năm 2009, đầu năm 2010. Nhưng đến nay, chính quyền vẫn chưa cấp sổ đỏ cho các hộ dân và cũng không trả lời lý do vì sao.

Các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần tới các cơ quan và cấp có thẩm quyền. Một số cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đã vào cuộc tìm hiểu, phản ánh thông tin, nhưng tình hình vẫn chậm chuyển biến, dẫn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân chưa được đảm bảo, gánh chịu phần thua thiệt.

Đây có thể là một minh chứng khá rõ ràng cho thấy, một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ bắt nguồn ngay từ ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.

Đối với 8 hộ dân mua 8 ô đất thuộc lô đất số 0.28 khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương, sau khi các bộ hồ sơ mua bán được chuyển tới Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Dương, vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010 đã có 02 hộ được UBND thành phố cấp sổ đỏ. Tưởng rằng sau đó 06 hộ còn lại đương nhiên sẽ được cấp sổ đỏ bởi điều kiện và hồ sơ pháp lý mua bán đất của 8 hộ là như nhau.

Thế nhưng, xuất phát từ nguyên nhân được cho là được sự chỉ đạo một lãnh đạo của tỉnh yêu cầu xem xét lại việc bán lô đất số 0.28 khu đô thị phía Đông thành phố Hải Dương. Lý do bởi có một số hộ dân ở khu vực lân cận có ý kiến cho rằng, nếu để các hộ dân xây dựng công trình trên lô đất 0.28 sẽ làm mất cảnh quan đô thị tại khu vực này. Dẫn đến việc cấp sổ đỏ cho 6 hộ dân nêu trên bị “đóng băng”.

Đối với vấn đề này, ngày 16/3/2012, UBND thành phố Hải Dương đã có văn bản số 185/BC-UBND và ngày 19/3/2012 Sở Xây dựng có công văn số 78/ SXD-QHKT gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Theo đó cả UBND thành phố và Sở Xây dựng đều báo cáo việc chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở lô đất số 0.28 là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh cho ý kiến để người dân được cấp sổ đỏ, nhưng rất tiếc sau đó, sự việc tiếp tục bị trì hoãn kéo dài.

Tiếp đó, không rõ lý do gì, ngày 04/7/2013, Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương (thời kỳ Giám đốc Sở mới) ban hành Tờ trình số 64/TTr-SXD gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh: “Xin chủ trương điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại lô đất số 0.28 từ đất sản xuất - kinh doanh sang đất công cộng và công viên cây xanh”. Lý do Sở Xây dựng có tờ trình trên cũng bởi nhiều ý kiến chưa đồng tình của người dân về việc bố trí các ô đất sản xuất kinh doanh ở vị trí trên.

Lúc này, ngay tại các văn bản của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã tồn tại mâu thuẫn. Và cũng chính từ Tờ trình số 64/TTr-SXD ngày 04/7/2013 của Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương là nguyên nhân dẫn đến việc vòng vo trách nhiệm  giữa các cấp, các ngành sau đó.

Cụ thể, ngày 7/8/2013, UBND tỉnh có công văn số 1407/UBND-VP giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 8/2013, nhưng đến nay Sở Xây dựng vẫn chưa có báo cáo theo ý kiến chỉ đạo trên của UBND tỉnh.

Trước sự chậm trễ của Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, ngày 21/10/2014, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản số 2126/UBND-VP giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh về việc giải quyết vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho 06 hộ dân ở lô đất số 0.28. Ngày 03/11/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo gửi UBND tỉnh nêu rõ việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân là thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hải Dương; còn về quy hoạch lô đất 0.28 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải có sự tham mưu từ Sở Xây dựng.

Từ sự bế tắc trong chỉ đạo điều hành, ngày 14/11/2014, UBND tỉnh lại có văn bản số 2381/UBND-VP giao ngược lại cho Thành phố Hải Dương phối hợp với các ngành hữu quan rà soát lại về cơ cấu sử dụng đất khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương (tổng  diện tích hơn 70ha)... báo cáo UBND tỉnh. Trong thời gian rà soát, để xuất phương án điều chỉnh quy quy hoạch lô đất số 0.28, tạm thời chưa thực hiện việc chuyển nhượng, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các ô đất thuộc lô số 0.28.

Không hiểu vì lý do gì, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có công văn số 2464/UBND-VP ngày 20/10/2015 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan xem xét phương án bồi thường giải phóng mặt bằng lô đất số 0.28. Đây là chuyện lạ, khi mà chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch lô đất 0.28, chưa có quyết định thu hồi đất mà lại đi chỉ đạo xem xét phương án bồi  thường giải phóng mặt bằng...

Đó là câu chuyện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương với các ngành và địa phương, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Còn với các hộ dân, họ mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm vào cuộc, giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, tỉnh Hải Dương cần có các giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các tồn tại, bất cập trong công tác cấp sổ đỏ cho người dân:

Một là, chính quyền tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổng rà soát, kiểm tra, thống kê đầy đủ hồ sơ pháp lý, xem xét các vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chồng, lấn quy hoạch trên địa bàn để có phương án xử lý, điều chỉnh, làm căn cứ cấp sổ đỏ của các thửa đất cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.        

Hai là, cần có cơ chế hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng từ việc chậm trễ cấp sổ đỏ như: giảm bớt các khoản thu, có chính sách miễn giảm lệ phí, thuế; bổ sung kiến thức cho cán bộ giải quyết; giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà…

Ba là, tập trung rà soát và chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp sổ đỏ theo tinh thần cắt giảm thủ tục và thành phần hồ sơ không cần thiết.

Bốn là, công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người dân. Việc công khai các thông tin cần được xử lý nhanh chóng, kịp thời nhằm đảm bảo hạn chế những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân khi đi làm sổ đỏ.

Năm là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện giám sát công tác cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Xuân Sơn - Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều