Chậm trễ giải quyết dẫn đến khiếu kiện vượt cấp: Bài học kinh nghiệm tại Hải Dương

(Mặt trận) - Khiếu kiện đòi quyền lợi về đất đai của người dân đi từ tuyến phường lên đến Trung ương mất 10 năm không được giải quyết thỏa đáng, đến nay, dù đã có yêu cầu của một số cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng các cấp chính quyền của tỉnh Hải Dương vẫn quyết tâm “hóa đá” vụ việc.

Bà Trần Thị Thanh, thường trú tại xã Phục Thiện, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngược xuôi gõ cửa các cơ quan chức năm để mong 2 chữ “công bằng”; tuy nhiên kết quả nhận lại, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà bà Thanh nhận được chỉ bằng một phần nhỏ công sức và của cải đã bỏ ra.

 10 năm đội đơn đi khiếu kiện, vụ việc của bà Trần Thị Thanh vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Tít mù lại chạy vòng quanh

Từ năm 2008, bà Trần Thị Thanh nhận được quyết định thu hồi toàn bộ khu đất đang sản xuất gạch của mình ở xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh) để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu công nghiệp phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bà Thanh ngay lập tức dừng sản xuất. Nhưng 4 năm sau dừng sản xuất, khu sản xuất của bà Thanh mới được kiểm đếm.

Những tưởng chậm mà chắc. Nhưng không! Công tác kiểm đếm của Phòng Quản lý đô thị thị xã Chí Linh ghi nhận chưa đầy đủ so với số tài sản thực chất mà bà Thanh có kể từ thời điểm có thông báo thu hồi đất.

Cụ thể, tại Báo cáo kiểm kê tài sản, vật kiến trúc phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa ngày 17/7/2013 của Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) thị xã Chí Linh cho thấy: Toàn bộ khối lượng tài sản vật kiến trúc hiện có trên khu vực sản xuất của bà Thanh nằm trong KCN Cộng Hòa đã được Phòng QLĐT cùng các bên liên quan kiểm kê vào ngày 21/5/2012 và 12/3/2013 bao gồm: 12 vỏ lò gạch kiểu cũ, 12 lò chân móng kiểu mới, nhà trông coi, nhà kho, gạch chỉ rời, các loại tường bao.

Thế nhưng, Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của UBND tỉnh Hải Dương quyết định bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình bà Trần Thị Thanh số lượng chưa bằng một nửa số lượng đã được Phòng QLĐT, thị xã Chí Linh kiểm kê.

Quyết định nêu trên ghi rõ: bồi thường, hỗ trợ 06 lò gạch thủ công (1.747.300.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ 02 móng lò gạch kiểu đứng (6.612.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ nhà trông coi + nhà kho (63.137.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ công bốc xếp và di chuyển gạch ( 278.682.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ công đào đắp 9.694m3 bờ ao (581.640.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ kinh phí tôn nền (1.851.225.000 đồng). Tổng cộng: 4.528.596.000 đồng.

Không đồng ý với số tiền đền bù trong quyết định của tỉnh, bà Thanh tiếp tục hành trình khiếu nại của mình và nhận về không ít văn bản.

Trong số đó, đáng chú ý là Văn bản số 478/UBND-TCKH của UBND thị xã Chí Linh gửi UBND tỉnh về việc đề nghị xem xét giải quyết một số cơ chế chính sách để giải quyết dứt điểm tồn tại vướng mắc trong công tác GPMB KCN Cộng Hòa, ghi rõ: Do dự án KCN có diện tích thu hồi lớn nên mặc dù có thông báo thu hồi từ năm 2008 nhưng đến đầu năm 2012 mới tiến hành kiểm kê nên thực tế có một số tài sản nhà bà Thanh có đầu tư nhưng đến thời điểm kiểm kê đã bị mất mát, hư hỏng.

Trong văn bản này cũng ghi tổng diện tích thu hồi của nhà bà Thanh là hơn 120ha giai đoạn 1 và hơn 22ha giai đoạn 2, đồng thời có 06 lò gạch nằm trên đất thu hồi giai đoạn 2.

Trước thực tế như trên, cũng trong Văn bản số 478, UBND thị xã Chí Linh đã đề nghị UBND tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ khác, cho phép UBND thị xã tính toán hỗ trợ cho hộ bà Thanh đối với phần tài sản nằm trong diện tích đất thu hồi giai đoạn 1 bị mất mát hư hỏng do thời gian từ lúc thu hồi đất đến lúc kiểm đếm quá dài.

UBND thị xã Chí Linh cũng đề nghị, đối với phần đất và tài sản trên đất thuộc giai đoạn 2 của dự án, do gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách thu hồi đất của Nhà nước, đã dừng sản xuất từ khi có thông báo thu hồi đất nên UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND thị xã quản lý, tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất của gia đình hộ bà Thanh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định và có ý kiến chỉ đạo chủ đầu tư dự án KCN ứng trước và sẽ được trừ vào tiền thuê đất phải nộp của Công ty.

Nhận được Văn bản 478 của UBND thị xã Chí Linh, UBND tỉnh Hải Dương lại gửi Văn bản số 1690/ UBND-VP ngày 30/7/2015 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hải Dương xem xét, nghiên cứu, tham mưu về đề nghị của UBND thị xã.

Trên cơ sở này, Sở TN&MT đã ra Văn bản số 814 ngày 13/8/2015 đề nghị UBND tỉnh cho phép Hội đồng GPMB TX Chí Linh căn cứ trên hồ sơ xây dựng tính toán hỗ trợ bổ sung phần tài sản bị mất mát, hư hỏng do thời gian kiểm đếm quá lâu (sau thông báo thu hồi). Giao UBND thị xã Chí Linh chỉ đạo Hội đồng GPMB thị xã có trách nhiệm đối chiếu các quy định hiện hành để kiểm tra, rà soát lập phương án.

Văn bản của Sở TN&MT cũng đề nghị bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà Thanh những mục còn thiếu chưa được tính toán. Đối với diện tích đất thu hồi giai đoạn 2, do hiện nay khu đất không có đường vào, không có hệ thống tưới tiêu nên không sản xuất được, do vậy, đề nghị UBND tỉnh cho phép thu hồi đất giao UBND phường Cộng Hòa quản lý. Nguồn kinh phí để đền bù đề nghị UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư dự án KCN ứng vốn chi trả, cho phép đối trừ vào tiền thuê đất của giai đoạn 1.

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương tiếp tục có Báo cáo số 57/BC-STNMT đề nghị hỗ trợ thỏa đáng đối với một số mất mát, hư hỏng, không còn hiện trạng tại thời điểm kiểm kê do bà Thanh dừng sản xuất từ năm 2008 nhưng đến năm 2012, 2013 mới kiểm kê. Tuy nhiên đến nay bà Thanh vẫn mỏi mòn chờ vì UBND tỉnh Hải Dương vẫn chưa thực hiện đề nghị đó.

Chưa hết, bà Thanh đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ những người dân ở xã Cộng Hòa để tiến hành sản xuất nhưng đến khi đền bù, chính quyền xã lại đền bù cho những người chủ sở hữu cũ. Đến thời điểm này, sau khi đã chi trả đền bù gần 10 năm, bà Thanh vẫn chưa nhận được một đồng đền bù liên quan đến phần đất đã nhận chuyển nhượng này. Cũng trong Báo cáo số 57 này, Sở TN&MT đã xác định rõ ràng việc bồi thường đất nêu trên của chính quyền thị xã Chí Linh là sai đối tượng nhưng khẳng định “bước đầu xác định việc yêu cầu các hộ dân trả lại số tiền đã bồi thường, hỗ trợ này là rất khó khăn”.

Ngoài ra, gia đình bà Thanh còn có hơn 2ha đất (ban đầu nằm trong quy hoạch khu công nghiệp) bị ảnh hưởng bởi KCN Cộng Hòa nên không còn đường đi lại, cũng đã dừng sản xuất từ năm 2008 nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trong khi đó, ở tất cả các văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh, các đơn vị liên quan như UBND thị xã Chí Linh (trước đấy là UBND huyện Chí Linh), Sở TN&MT đều đề nghị UBND tỉnh thu hồi hơn 2ha đất của nhà bà Thanh nhưng UBND tỉnh vẫn thái độ giữ im lặng.

Tỉnh vô cảm, “phớt lờ” yêu cầu của cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Sau hơn 10 năm, bà Thanh mòn mỏi đi khiếu nại, khiếu kiện khắp, thậm chí đã có ít nhất 2 lần các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hải Dương xem xét, xác minh giải quyết, nhưng đến nay, vụ việc đang dang dở, chưa có hồi kết.

Ngày 02/11/2016, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch đã ký ban hành văn bản số 2184/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo kiểm tra, xác minh vụ việc, báo cáo kết quả về Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/11/2016. Những tưởng sau chỉ đạo của Tổng cục Quản lý đất đai vụ việc sẽ sớm được kết thúc hoặc chí ít quyền lợi của bà Thanh cũng được quan tâm, thấu đáo hơn. Vậy nhưng, điều tréo nghoe, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương và chủ đầu tư dự án tại KCN Công Hòa Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam vẫn cứ vòng vo và đưa đẩy trách nhiệm.

Đứng trước nguy cơ vụ việc chìm xuống, cực chẳng đã, bà Thanh tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan Trung ương.

Văn bản của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Hải Dương.

Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng gửi Văn bản số 715-TTr-TDXLĐT ngày 22/9/2017 về UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Hải Dương phải nhanh chóng giải quyết sự việc, tránh để người dân khiếu nại kéo dài và thông báo kết quả giải quyết đến Bộ TN&MT. Trong công văn do Chánh Thanh tra Bộ TN&MT ký có nêu rõ: “Liên quan đến khiếu nại của bà Thanh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 22/3/2017, Sở TN&MT đã kiểm tra và có văn bản báo cáo kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Chí Linh giải quyết theo quy định của pháp luật. Đến nay, do chưa được giải quyết nên bà Thanh khiếu nại đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan Trung ương”.

Thêm một lần nữa, UBND tỉnh Hải Dương lại chọn cách bày tỏ thái độ im lặng đến đáng sợ.

Phải chăng đây là cách chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương trước mỗi khiếu nại, khiếu kiện của người dân? Vì sao lại có tình trạng này và ai phải chịu trách nhiệm?

Có lẽ không ai khác, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cần có câu trả lời trước nhân dân về sự chậm trễ này.

Với sự trì trệ này, là lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Dương Thái cũng cần phải có biện pháp quyết liệt, đặt ra thời hạn cuối cùng và biện pháp xử lý nếu như thuộc cấp vẫn cố tình chây ỳ.

Rõ ràng, cách hành xử của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương là đòn giáng mạnh vào môi trường đầu tư mà tỉnh bấy lâu nay đã dày công xây dựng, khiến cộng đồng doanh nghiệp địa phương hết sức hoang mang, lo lắng.

Cũng cần nói thêm, chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh  do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, Hải Dương được 60.36 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 49/63 tỉnh thành (tụt 13 bậc so với năm 2016). Nếu không giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng điều hành thì việc cải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế địa phương tại Hải Dương chỉ là khẩu hiệu, còn kỳ thực, cách nghĩ, cách làm thì hoàn toàn trái ngược theo kiểu “trên trải thảm, dưới rải đinh”.

Trong không khí của “lò đã nóng” hiện nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và dư luận rõ ràng không chấp nhận cách giải quyết vụ việc công vụ theo kiểu “im lặng là vàng”. Đã đến lúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc, trả lời công dân theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên đến bạn đọc.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Phạm Thị Dung - 18:02 29/03/2018

Đáng lẽ dàn lãnh đạo mới phải làm cho môi trường đầu tư của tỉnh trở nên khởi sắc Ấy vậy càng chỉ đạo điều hành càng bộc lộ sự yếu kém PCI thì giảm, người dân vẫn phải đốt đuốc tìm công lý Đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh Hải Dương hãy nhìn thẳng vào sự thật không sáng sủa này để người dân bớt khổ

Trả lời

Nguyễn Văn Anh - 18:01 29/03/2018

Quá thất vọng với cách điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Trả lời

Hạ Nhật Trà - 18:01 29/03/2018

Đáng lẽ phải chủ động gỡ khó cho dân Đằng này cái khó, cái khổ để hết dân phải gánh chịu

Trả lời

Lê Phương Đông - 17:58 29/03/2018

Một tỉnh đầy tiềm năng, nhưng cách hành xử của mấy đồng chí lãnh đạo như lỗi nhịp với xu thế phát triển

Trả lời

Lê Văn Thái - 17:53 29/03/2018

PCI như vậy là bước thụt lùi của tỉnh Hải Dương Trách nhiệm không thể tách rời với người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương

Trả lời

Nguyễn Văn Vóc - 09:01 28/03/2018

Há phải Hải Dương chưa gặp thời, gặp vận, hay yếu tố con người có nhiều vấn đề nên không đưa Xứ Đông cất cánh được???

Trả lời

Nguyễn Văn Vóc - 08:59 28/03/2018

Sau 20 năm tách tỉnh, Hải Dương đã thua xa Hưng Yên trên mọi tiêu chí! Buồn lắm thay!

Trả lời

Nguyễn Thị Đức - 07:48 28/03/2018

Hải Dương từ một tỉnh có đóng góp vào ngân sách TW, giờ đã phải xin bổ sung ngân sách. UBND Tỉnh cần xem xét lại bộ máy, cơ chế để không xấu hổ với sự tin tưởng của TW và nhân dân

Trả lời

Hồ Quang Chính - 07:20 28/03/2018

Thương cho cô, tội quá cô ơi. 10 năm ròng theo đuổi, công lý đi về đâu

Trả lời

Lâm Minh - 07:18 28/03/2018

Củi lửa lại sắp bùng cháy chăng

Trả lời

Bùi Hồng Cảnh - 07:17 28/03/2018

http://pci.haiduong.gov.vn/ArticleDetail/1/0/0/4088/5900/Lanh-dao-tinh-doi-thoai-voi-doanh-nghiep.aspx vừa họp xong hôm qua, việc nhỏ không làm được, bày đặt đối thoại này nọ làm gì

Trả lời

Le Vy Anh - 07:16 28/03/2018

Lời nói không đi đôi với việc làm, bệnh thành tích, đầu voi, đuôi chuột

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều