Chậm trễ giải quyết khiếu kiện tố cáo: Bài học kinh nghiệm rút ra tại Thái Bình

(Mặt trận) - Một vụ việc người dân “đội đơn” khiếu kiện ròng rã gần 9 năm, đồng thời Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, thậm chí Đoàn Giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đưa ra nhiều nhận định khẳng định các nội dung tố cáo của công dân là có căn cứ, thế nhưng, dường như “bỏ ngoài tai”, “phớt lờ” tất cả, UBND tỉnh Thái Bình vẫn chậm trễ giải quyết dứt điểm vụ việc, có biểu hiện bao che cho sai  phạm của Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh này, còn người dân đứng trước nguy cơ trắng tay, mất hoàn toàn cơ nghiệp.

 

 

 

 

 

 

 

 Văn bản số 4610/MTTW-BTT của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị sau giám sát gửi Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND tỉnh Thái Bình.

Giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam. Từ trước đến nay, Đảng luôn đề cao và quan tâm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội và vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân.

Trên cơ sở những quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giám sát của MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai và phối hợp triển khai các hoạt động giám sát; việc triển khai các hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định trên các mặt công tác.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ động tham gia các chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cử đại diện phối hợp, tham gia các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại các Bộ, ngành, đơn vị và địa phương. Hằng năm, thực hiện Quy chế phối hợp công tác với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia các đoàn giám sát, kiểm sát liên ngành về công tác kiểm sát thi hành án hình sự, công tác thi hành án dân sự, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các địa phương trên cả nước.

Thực hiện theo quy định của pháp luật và Chương trình phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, từ ngày 11/9/2017 - 15/10/2017, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thành lập Đoàn giám sát vụ việc bà Trần Thị Kim Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gami Gas tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan, Nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Gami Gas và Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình. Qua giám sát, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND tỉnh Thái Bình xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân, không để tố cáo kéo dài, tạo ổn định tình hình địa phương.

Trụ sở Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Pháp luật plus

Gần 9 năm khiếu kiện vẫn “trắng tay”

Theo phản ánh của bà Trần Thị Kim Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH GaMi Gas, sự việc này bắt đầu xảy ra từ tháng 9/2009, khi đó bà Trần Thị Kim Tân đang là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Quảng Thành chuyên kinh doanh mặt hàng Gas đã bàn bạc, thống nhất với bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan đi tìm mua Công ty TNHH GaMi Gas của Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS) tại Hà Nội, có nhà máy chiết nạp gas đặt tại Khu công nghiệp thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Bà Tân đã cùng với đại diện FBS thống nhất “hợp đồng” mua lại Công ty. Về sau, có thêm ông Ngô Thế Văn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Quảng Thành cùng tham gia góp vốn mua chung công ty.

Thời điểm đó, bà Trần Thị Kim, bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan và ông Ngô Thế Văn thống nhất để bà Ngoan đứng tên pháp lý trong các giao dịch mua Công ty TNHH GaMi Gas với giá 7,85 tỉ đồng.

Sau khi tiếp nhận điều hành hoạt động Công ty TNHH GaMi Gas, bà Ngoan đã đại diện đứng tên trong các giao dịch liên quan để xin Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mã số thuế cho công ty này với tên chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan, vốn điều lệ 7,85 tỉ đồng. Tiếp đến, bà Ngoan ký các quyết định bổ nhiệm chính bà Ngoan làm Giám đốc; bà Tân làm Phó Giám đốc; bà Đinh Thị Hương làm Kế toán trưởng công ty nhưng cả bà Ngoan và bà Tân đều là đồng chủ tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank Thái Bình.

Đến tháng 7/2010, do không thể tiếp tục tham gia kinh doanh và điều hành công ty, bà Ngoan muốn rút ra khỏi Công ty nên đã được bà Tân, ông Văn đồng ý để bà Ngoan rút tên và tiền liên quan được thể hiện tại giấy chuyển nhượng cổ phần ngày 21/7/2010 do bà Ngoan ký ghi rõ việc 3 người cùng góp vốn để mua GaMi Gas và nay bà Ngoan nhượng lại cổ phần cho bà Tân và ông Văn.

Giấy ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan cho bà Trần Thị Kim Tân.

Giấy chuyển nhượng cổ phần của bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan cho bà Trần Thị Kim Tân và ông Ngô Thế Văn.

Phần của bà Ngoan được xác định để rút ra gồm hơn 1,98 tỉ đồng và khoản tiền chênh lệch là 2 tỉ đồng. Sau đó, bà Ngoan đã nhận tiền chuyển nhượng cổ phần nhiều lần từ bà Tân và Công ty TNHH GaMi Gas với tổng số tiền 2,5 tỉ đồng. Bà Ngoan cũng ký giấy ủy quyền cho bà Tân được toàn quyền quyết định các hoạt động, ký kết các hợp đồng với đối tác, phụ trách tình hình tài chính và ngân hàng, chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với mọi hoạt động của GaMi Gas từ ngày 20/7/2010.

Trong khoảng thời gian này, vào ngày 01/11/2010 và ngày 17/11/2010 đã diễn ra cuộc họp giữa bà Ngoan, bà Tân và ông Văn; bà Ngô Thị Tuyết (chị gái ông Văn) tham gia chứng kiến và làm thư ký. Tại các cuộc họp, giữa bà Ngoan, bà Tân và ông Tân phát sinh mâu thuẫn vì không thống nhất được nhau tỷ lệ chuyển nhượng sở hữu vốn trong Công ty.

Mặc dù trong thời gian ủy quyền cho bà Tân quản lý, điều hành mọi hoạt động của GaMi Gas, tuy nhiên, đến ngày 21/11/2010, bà Ngoan lại ký vào giấy chuyển nhượng Công ty GaMi Gas cho bà Ngô Thị Tuyết với giá như trong đăng ký kinh doanh mà không hề có sự thỏa thuận hay bàn bạc với bà Tân. Phải nói thêm, lúc này bà Tân đang nắm giữ bản chính bản chính Giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 7.

Thực hiện kế hoạch như đã định sẵn và bất chấp mọi thủ đoạn nào, bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan tiếp tục hành vi man trá khi lặng lẽ làm đơn gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình xin cấp lại Giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 7 của Công ty GaMi Gas với lý do đưa ra là bị mất.

Lạ kỳ thay, trong cùng một ngày 23/11/2010, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình lại sốt sắng cấp lại Giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 7 của Công ty TNHH GaMi Gas, rồi “thần tốc” cấp luôn Giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8 với tên Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An, chủ sở hữu là bà Ngô Thị Tuyết.

Liên tiếp trong các ngày 23, 24, 25/11/2010, bà Tân đã có đơn gửi Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình đề nghị tạm dừng hoạt động Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An vì bà Ngoan đã thực hiện hành vi gian dối báo mất Giấy đăng ký kinh doanh để được cấp lại rồi bán Công ty của bà nhưng không được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình trả lời, giải quyết.

Những việc làm trên của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình đã bị dư luận đặt nhiều dấu hỏi, liệu đây có phải là sự tiếp tay cho bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan chiếm đoạt Công ty TNHH GaMi Gas hay không? Động cơ nào khiến Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình “nhanh tay”, “sốt sắng” đến như vậy? Có hay không sự đồng lõa của các cán bộ, công chức Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình nhằm hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục để giúp đối tượng có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân?

Đến nay, vụ việc không được các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình giải quyết, để lại hệ lụy nặng nề, không những ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của cả tỉnh mà còn dẫn đến mất trật tự trị an trên địa bàn.

Sở Kế hoạch & Đầu tư bao che sai phạm, Cơ quan Công an có bỏ lọt tội phạm?

Rõ ràng, những sai phạm trong khai báo xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7, xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN) lần 8 và những sai phạm trong cấp lại GCN ĐKKD lần 7, cấp GCN ĐKDN lần 8 đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Thanh tra tỉnh chỉ ra nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình chưa thực hiện, xử lý triệt để.

Văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình.

Đáng chú ý, tại văn bản số 315/CV-PC46 về việc thông báo vi phạm trong khai báo đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Bình nêu rõ: “Việc bà Ngoan chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của Công ty cho bà Tuyết, khi trước đó bà Ngoan đã chuyển nhượng “cổ phần” của bà Ngoan cho bà Tân, ông Văn; việc bà Ngoan làm đơn xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 7, lý do bị mất để hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8, trong khi bà Tân đang giữ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7 (bản gốc) là bà Ngoan đã thực hiện các hành vi gian dối, vi phạm khoản 3, Điều 11, Luật Doanh nghiệp quy định về các hành vi bị cấm”.

Nhận định về Quyết định số 01 ngày 20/12/2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đó là điều chưa thuyết phục, bởi vì:

Bà Ngoan đã gian dối trong lời khai ban đầu không biết bà Tân là ai và không thừa nhận việc tham gia góp vốn của bà Trần Thị Kim Tân. Vì bà Ngoan lợi dụng trong việc góp vốn giữa ông Văn, bà Tân và bà Ngoan không được lập thành văn bản, giấy tờ nên sau khi bà Tân tố cáo thì ngay từ những lời khai, biên bản làm việc ban đầu bà Ngoan đã phủ nhận toàn bộ việc góp vốn của bà Tân vào công ty.

Bên cạnh đó, bà Ngoan gian dối khi cam kết chuyển nhượng vốn góp của mình cho ông Văn, bà Tân theo Giấy chuyển nhượng cổ phần ngày 21/7/2010 và đang thực hiện cam kết này (đã nhận 2,5 tỷ đồng), lẽ ra sau đó phải tiếp tục thực hiện cam kết nhưng bà Ngoan lại chuyển nhượng toàn bộ Công ty TNHH Gamigas cho bà Ngô Thị Tuyết.

Ngoài ra, sự dối trá của bà Ngoan còn thể hiện khi lập Phụ lục Hợp đồng đối trừ nợ với Công ty Liên Quảng Thành, tự ý quy trách nhiệm cho bà Tân. Ngày 21/11/2010, bà Ngoan ký hợp đồng và chuyển nhượng toàn bộ Công ty TNHH Gamigas cho bà Ngô Thị Tuyết với số tiền 7,850 tỷ; trong hợp đồng không thể hiện có phụ lục kèm theo…

Sự việc trên đã có dấu hiệu của hành vi cấu thành tội phạm, do đó, Quyết định số 01 ngày 20/11/2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự là chưa thuyết phục” - Văn bản số 4610/MTTW-BTT về việc kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 16/1/2018 gửi Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Cũng tại văn bản nêu trên, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ cho rằng, sau khi nhận được đơn đề nghị của bà Tân đề ngày 18/11/2010 phản ánh về việc tranh chấp Công ty TNHH Gamigas, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình thấy việc khai báo xin cấp lại GCN ĐKKD lần 7 và xin cấp GCN ĐKDN lần 8 của Công ty Gamigas có dấu hiệu vi phạm nhưng đã không kịp thời xem xét, giải quyết đơn của bà Tân, mà vẫn làm thủ tục cấp lại GCN ĐKKD lần 7 và GCN ĐKDN lần 8 cho Công ty Gamigas chỉ trong cùng một ngày 23/11/2010 là đã thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật.

9 năm sống mòn chờ công lý trong bế tắc

9 năm ròng rã đi khiếu kiện, thì cũng chừng ấy năm hàng trăm lá đơn bà Trần Thị Kim Tân, nhiều phiếu chuyển đơn của các cơ quan Trung ương và hàng loạt bài báo đăng tải vụ việc của các cơ quan báo chí đã bị các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình xem nhẹ, không thực thi triệt để, dẫn đến bên đi tố cáo ngày đêm kêu oan thảm thiết nhưng không thấu, còn đối tượng có dấu hiệu phạm tội, tổ chức, đơn vị sai phạm trong cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tỏ ra “nhờn” luật, coi thường kỷ cương, phép nước.

Trong khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang “rất nóng”, quyết liệt, nỗ lực tìm mọi cách tháo gỡ, cởi trói và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thì tại địa phương Thái Bình vẫn đủng đỉnh, lạnh nhạt để xử lý một vụ việc nóng bỏng.

Sự thờ ơ, vô cảm kéo dài suốt 9 năm qua không chỉ gây bức xúc, khó hiểu trong dư luận và cử tri địa phương vì cách hành xử của tỉnh Thái Bình, mà sự việc đã tạo ra rào cản, tâm lý hoang mang cho không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào địa phương này.

Trớ trêu hơn, trước diễn biến của vụ việc, sau kiến nghị của Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vẫn “đá quả bóng” trách nhiệm theo “lối mòn” tư duy vốn có, khi giao cho Thanh tra, Công an, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo, thực hiện kiến nghị để gửi về UBND tỉnh.

Phải chăng Thái Bình vẫn chưa tìm được hành lang pháp ý để giải quyết dứt điểm vụ việc hay có sự “khúc mắc” nào ở đây khiến cả bộ máy công quyền của tỉnh Thái Bình dường như tê liệt, loay hoay không thể tìm ra phương án xử lý.

Với cách giải quyết vấn đề như hiện nay, thật khó có thể tránh khỏi việc người dân suy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền của tỉnh Thái Bình; từ đó, người dân sẽ đánh giá thấp sự chỉ đạo, cách điều hành của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, cũng như của các Sở, ban, ngành.

Năm 2017 đã chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của ngành kiểm tra của Đảng. Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hàng loạt cán bộ các cấp đã bị kỷ luật, đề nghị kỷ luật vì những sai phạm.

Để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra cách cấp, xuống cả huyện. Đây là nét mới trong hoạt động kiểm tra năm 2018.

Hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta có những bước đột phá, đã đưa ra ánh sáng những vụ việc. Rõ ràng quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh phí của Đảng, Nhà nước rất quyết liệt. Để tiếp tục giữ “lò lửa”, để “đốt cháy” đẩy lùi nạn tham nhũng trong nước, không chỉ xử lý các vụ việc ở cấp Trung ương, mà còn phải xử lý các trường hợp nhiễu nhương ở địa phương là điều mà cử tri và nhân dân ủng hộ và hoan nghênh.

Trên cơ sở đơn tố cáo của bà Trần Thị Kim Tân và kết quả làm việc của Đoàn giám sát với các cơ quan hữu quan và các cá nhân có liên quan, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị tới các cơ quan một số nội dung sau:

“1. Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình xem xét xử lý việc vi phạm của Sở KHĐT tỉnh vi phạm quy định về giải quyết tố cáo đối với đơn của bà Trần Thị Kim Tân; tập trung chỉ đạo giải quyết vụ việc khiếu tố của bà Trần Thị Kim Tân; tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho bà Tân (nếu có nhu cầu) và khắc phục ngay việc làm chưa đúng trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7 (cấp lại), lần 8 và lần 9 cho Công ty TNHH Gami gas (Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An), thuyết phục bà Trần Thị Kim Tân chấm dứt khiếu tố.

Đồng thời, kiên quyết khắc phục và xử lý những vi phạm của các tổ chức, các nhân có liên quan, trong đó, cần chỉ đạo Sở KHĐT tỉnh Thái Bình thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7 (cấp lại), lần 8 và lần 9 của Công ty TNHH Gami gas (Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An) và hướng dẫn DN làm thủ tục đăng ký cấp lại GCN ĐKDN theo quy định.

2. Như nhận xét trong báo cáo, tại vụ việc này, các khoản tiền của bà Trần Thị Kim Tân có dấu hiệu bị chiếm đoạt (2.663.000.000đ), bị chiếm giữ trái phép (4 tỷ đồng) và khoản tiền chênh lệch (2 tỷ đồng) chưa được xác minh, làm rõ. Vì vậy, để có căn cứ đầy đủ, khách quan làm cơ sở giải quyết những khiếu tố của bà Trần Thị Kim Tân, đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét lại vụ việc này, cần khởi tố vụ án, tiến hành điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, tránh tình trạng khiếu tố kéo dài”.

Bên cạnh các ý kiến khách quan của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với vụ việc làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng, bà Trần Thị Kim Tân còn đề nghị các Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ,  UBND tỉnh Thái Bình cần khẩn trương vào cuộc, sớm có kết luận cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân và doanh nghiệp; làm rõ các dấu hiệu phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhân dân như đúng lời của Thủ tướng Chính phủ khi gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp.

Phan Anh Tuấn

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

Trần Thị Kim Tân - 04:58 07/04/2018

Một tình tiết mới: bản Đưng ký kinh doanh lần 7 cấp lại lần 1 là bản cấp chui Giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình và bà Ngoan; Vì Bản cấp lại lần 1 không có trong sổ mục lục cấp ra ngày 23/11/2010; không có hoá đơn thu phí 20.000đ trên hoa sđơn tài chính theo quy định của Bộ Quy tắc theo QĐ số 1853/UBND ngày 17/08/2009 của UBND tỉnh Thái bÌnh; Như vậy bản ĐKKD lần 8 manh tên ông ty TNHH GAMI GAS phải thu hồi là lẽ đương nhiên; Những kiến nghị đề nghị của TWMTTQVN cần phải được thực thi

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều