Công tác phòng chống tham nhũng: Khi bảo kiếm đã rút ra khỏi vỏ!

Có thể thấy rằng, những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, qua đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới trong việc chống “giặc nội xâm”, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước. 

Trong 2 ngày 25-26/6/2018, Hội nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị đã đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ tồn tại, hạn chế và xác định phương hướng, nhiệm vụ, trọng tâm trong thời gian tới. Trước đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, đấu tranh PCTN, không ai có thể đứng ngoài được, thế mới là thành công. Nhưng có thể thấy rằng, những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, qua đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới trong việc chống “giặc nội xâm”, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước.  

Không ai có thể đứng ngoài cuộc

 Có thể nói, hiếm có thời điểm nào mà công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực lại có kết quả rõ rệt, tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và “đã trở thành phong trào, xu thế, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao” như thời gian qua. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có đặc quyền - bất kể người đó là ai. 

Coi tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của Chính phủ…, bởi vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng rất kiên quyết với vấn nạn này, Người căn dặn: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”. Bác cũng yêu cầu Chính phủ phải làm gương, “nếu làm gương không xong thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. 

Thực hiện lời căn dặn của Người, thời gian qua, Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong công cuộc PCTN. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nêu quan điểm: “Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”.

Minh chứng cụ thể nhất cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước là việc đưa một loạt “đại án” ra xử lý và xét xử nghiêm khắc, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; các vụ việc liên quan đến các cựu quan chức như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa...

Qua những vụ xử lý này, tư duy xã hội cũng đã thay đổi khi trước đây có quan niệm quan chức nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn” thì đến nay, quan điểm này đã không còn tồn tại; thậm chí, chết cũng chưa hẳn đã hết trách nhiệm: “trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật” (Văn bản số 04 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm).

Nói về khí thế của công cuộc PCTN, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như: Vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, vụ đánh bạc trên internet liên quan đến không ít quan chức cấp cao trong ngành công an…

Những kết quả đạt được thời gian qua chính là những nỗ lực, quyết tâm đấu tranh đến cùng với “giặc nội xâm” - một vấn nạn tham nhũng đang làm cho Đảng ta mất đi rất nhiều cán bộ được đào tạo, rèn giũa bài bản; làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để làm được những việc trên là “có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, của nhân dân thường xuyên khích lệ, những thành quả làm nức lòng nhân dân tạo thêm niềm tin, củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này”.

 

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả nhất định; làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng.

Những vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua đã cho thấy rõ Đảng không hề khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng, không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng.

Nhấn mạnh “phòng hơn chống,” PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, phòng tham nhũng có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó cần xây dựng các thiết chế để các cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhau và người dân cũng có thể giám sát.

Dẫn vụ án Trịnh Xuân Thanh, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, cần đình chỉ công tác những người có dấu hiệu tham nhũng để những người này không kịp che giấu, tẩu tán tài sản và phải có đơn vị có đủ quyền lực để làm việc này.

Bên cạnh đó, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, cán bộ, công chức khi được bổ nhiệm lần đầu phải kê khai tài sản và công khai tại đơn vị của mình. Mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức đều phải minh bạch để người dân biết.

Đặc biệt, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, giao quyền gắn với trách nhiệm; phổ cập hệ thống thanh toán qua thẻ…

Bên cạnh những quy định và chế tài xử phạt nghiêm khắc để “không thể, không dám” tham nhũng, cũng cần có đãi ngộ xứng đáng đối với mỗi vị trí công tác để cán bộ “không muốn” tham nhũng nữa; có biện pháp tận thu hết nguồn lực của kẻ tham nhũng, không để xảy ra tình trạng “hy sinh đời bố củng cố đời con.”

Hoàn thiện về pháp luật, kiện toàn đội ngũ cán bộ thực thi PCTN

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đánh giá cao kết quả và quyết tâm phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Có thể nói, chưa khi nào công cuộc phòng, chống tham nhũng lại được thực hiện trên nền của một triết lý rõ ràng, đồng thời trở thành một “cao trào” trong xã hội như thời gian qua.

Công cuộc này đã thu hút sự vào cuộc của người dân, báo chí, các cơ quan, tổ chức. Một loạt vụ việc lớn được phơi bày; nhiều “quan chức hạng nặng” tham nhũng bị “nốc ao;” nhiều tài sản tham nhũng bị phát hiện, thu hồi.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, càng ngày thể chế, những giải pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng càng được hoàn thiện… Nhân dân và cử tri cả nước đã có chỗ dựa, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phòng, chống “quốc nạn” lớn này.

Ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở nghiên cứu, nhận thức, đánh giá đúng tính chất, mục tiêu, phương châm, giải pháp; tổng kết khách quan, toàn diện và sâu sắc những vấn đề lý luận, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng để xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5.”

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; TAND và các cơ quan tư pháp; tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cơ quan dân cư địa phương; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên; sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân và lực lượng báo chí.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức tham nhũng, thực hiện không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng; kiên quyết không để tình trạng xử lý kiểu nương nhẹ, bao che, bảo kê cho hành vi tham nhũng.

Đồng thời, cần công khai các kết quả xử lý tham nhũng, lấy đó làm gương cảnh tỉnh sự vi phạm để người dân biết; đấu tranh với hành vi, hiện tượng tham nhũng, trong đó nên nghiên cứu thiết lập hẳn một chuyên mục về phòng, chống tham nhũng trên một số tờ báo.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm. Trong đó, hơn 2.700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 trường hợp là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật, khai trừ đảng một Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Cũng thời gian này, qua thanh tra, kiểm toán, cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay kiến nghị thu hồi trên 165.000 tỷ đồng và 12.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế...

Theo Khánh An/Công luận

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều