Công ty Nhật Hằng “biến” mặt nước hồ Đại Lải thành hồ của riêng mình, sao không đập bỏ?

Theo thông tin Báo điện tử Xây dựng nắm được, từ năm 2014, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng (Công ty Nhật Hằng) đã cho xe chở đất san đổ một con đường, khoanh mặt nước lòng hồ Đại Lải vào dự án, biến diện tích hồ Đại Lải khoảng 4-5ha thành “hồ” của riêng mình. Tháng 2/2020, Tổng cục Thủy Lợi cũng có kết luận chỉ ra việc trên. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, con đường này vẫn tồn tại như thách thức dư luận?
Đường nội bộ của Công ty Nhật Hằng làm diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha.

Như đã phản ánh ở nhiều bài báo trước, ngày 20/2/2020, Tổng cục Thủy Lợi có Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr (kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ rõ sai phạm của hàng loạt Công ty, trong đó có Công ty Nhật Hằng: Dự án Khu biệt thự vui chơi và giải trí Đại Lải – Paradise Đại Lải Resort của Công ty Nhật Hằng. Hạng mục Khu biểu diễn nghệ thuật đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha… Công ty Nhật Hằng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Trong vài tháng trở lại đây, dư luận phản ứng rất mạnh liên quan đến những sai phạm tại hồ Đại Lải. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 5740/VPCP – NN về vụ việc liên quan hồ Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc), Văn bản nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc doanh nghiệp “bức tử” hồ Đại Lải và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật.

Trước áp lực của dư luận, ngày 5/8/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 1959 về việc đính chính Quyết định số 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh về việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải.

Quyết định số 1959 nhằm đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong Quyết định 41. Toàn bộ nội dung chỉ xoay quanh việc điều chỉnh một thông số duy nhất: Thiết kế san nền được đẩy từ 17,65m ở Quyết định 41 lên 21,50m ở Quyết định đính chính số 1959.

Chưa nói đến việc “đính chính” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có “hợp thức” cho việc san lấp của nhiều Công ty hay không? Nhưng việc Công ty Nhật Hằng khoanh lòng hồ Đại Lải vào dự án, biến diện tích hồ Đại Lải khoảng 4-5ha thành “hồ” của riêng mình thì tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có câu trả lời với nhân dân. Nếu việc sai phạm là rõ ràng, thì việc đập bỏ con đường vi phạm là điều không phải bàn cãi.

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp lấn chiếm hồ Đại Lải, Báo điện tử Xây dựng cũng đã có Công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng không hiểu vì lý do gì, đã hơn 3 tháng nay, Báo điện tử Xây dựng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo Nam Nhi/Báo Xây dựng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều