Cty Trung Đô lại lén san rừng về đêm:Thách thức, liều lĩnh, dối trá

Công ty cổ phần Trung Đô mới chỉ có chấp thuận chủ trương đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường ký, ngoài ra không có bất kỳ giấy phép xây dựng nào nhưng đã cho máy móc, thiết bị vào xây dựng rầm rộ 2 nhà máy nghìn tỷ tại xóm 1, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc trong sự im lặng tới khó hiểu và đáng sợ của chính UBND tỉnh này.

Sau đình chỉ, lén lút chuyển sang xây dựng về đêm

Sau khi Dân Việt khởi đăng loạt bài “Công ty cổ phần Trung Đô san bằng 32ha rừng, xây nhà máy nghìn tỷ không phép”, cơ quan chức năng tại huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) cho biết đã vào cuộc, đình chỉ hoạt động xây dựng không phép của công ty này.

Lãnh đạo phía công ty là ông Trần Văn Hoàn - Phó Tổng Giám đốc thừa nhận toàn bộ sai phạm của Công ty cổ phần Trung Đô khi chưa hề có bất kỳ giấy phép nào đã san lấp, xây dựng nhà máy.

“Chúng tôi lấy danh dự khẳng định sẽ dừng toàn bộ hoạt động san lấp, xây dựng tại khu vực”, ông Hoàn nói.

 Phải chăng “danh dự” của Công ty cổ phần Trung Đô là chuyển sang lén lút đào bới, san lấp, xây dựng vào ban đêm? Ảnh: Dân Việt

Tuy nhiên, thực tế, những ngày qua, từ nguồn tin của người dân, phóng viên Dân Việt đã “phục kích” cả ngày lẫn đêm và một sự thật động trời, dối trá của Công ty cổ phần Trung Đô đã bị phơi bày.

Công ty cổ phần Trung Đô chỉ giả vờ “án binh bất động” vào ban ngày để đánh lừa dư luận. Khi trời tối, tầm 19h, họ lại kéo điện thắp sáng cả khu vực, huy động máy đào, máy xúc, thiết bị công suất lớn đào bới, xây dựng rầm rộ cho tới sáng.

Toàn bộ khu vực hơn 32ha rừng đã bị công ty này san phẳng thành đại công trường nham nhở vào đêm dù không hề có giấy phép.

 

Quá trình san rừng diễn ra từ đêm cho tới rạng sáng. Ảnh: Dân Việt

Cụ thể, trong đêm 2.6, hàng chục xe xúc, xe đào, xe tải... quần thảo khu vực này cho tới sáng.

Thậm chí đến rạng sáng, một công nhân sau “ca” làm việc tại đây còn tự tin cho biết: “Công ty bảo cứ kệ cho báo chí viết, cứ  xây dựng xem nó (báo chí) làm được gì”.

Sự im lặng quá đáng sợ của UBND tỉnh Nghệ An

Công ty cổ phần Trung Đô mới chỉ có chấp thuận chủ trương đầu tư do ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký bằng quyết định số 656/UBND cho phép thực hiện dự án “Khu liên hiệp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) với quy mô 2 hệ thống dây chuyền sản xuất gạch tuynel đất đồi công suất 110 triệu viên/năm, 4 triệu m³ vật liệu tấm lớn, 4 triệu m² ngói gốm sứ/năm.

Công ty chưa hề được bàn giao đất, cấp phép xây dựng nhưng đã san bằng hơn 32ha rừng. Khi bị Dân Việt phanh phui, công ty đã giả vờ dừng thi công nhưng ngay sau đó lén lút chuyển sang xây dựng vào ban đêm cho thấy sự bất chấp, liều lĩnh và dối trá của công ty này.

Đằng sau câu chuyện này còn là sự tắc trách đến đáng sợ của UBND tỉnh Nghệ An.

 

Công ty cổ phần Trung Đô không có gì ngoài chấp thuận đầu tư này. Ảnh: Dân Việt

Kể từ ngày đầu tiên Dân Việt khởi đăng loạt bài “Công ty cổ phần Trung Đô san bằng 32ha rừng, xây nhà máy nghìn tỷ không phép” (19.5), tới hôm nay (3.6) đã vừa tròn 15 ngày.

Suốt 15 ngày qua, với hàng loạt các bài báo phanh phui sai phạm nghiêm trọng của công ty này, dư luận sục sôi với hàng nghìn ý kiến, bình luận gửi về tòa soạn yêu cầu phải làm sáng tỏ trách nhiệm, xử lý tới cùng hành vi của Công ty cổ phần Trung Đô. Nhưng đổi lại là sự im lặng tới mức khó hiểu và cực kỳ đáng sợ của UBND tỉnh Nghệ An.

Không một lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An nào đứng ra phát ngôn về sự việc.

Không một chỉ đạo nào được phát ra.

Không một công văn nào được phản hồi cho độc giả.

Sự im lặng này có thể lý giải phần nào cho lời nhắn mà phóng viên nhận được khi phanh phui những sai phạm của Công ty cổ phần Trung Đô: “Cứ để nó viết, xem làm được gì không”.

 Sau khi đăng tải loạt bài “Công ty cổ phần Trung Đô san bằng 32ha rừng, xây nhà máy nghìn tỷ không phép”, trong số những ý kiến của độc giả gửi về, nhóm phóng viên bất ngờ khi nhận được thông tin từ một số người tự nhận là “người trong cuộc” khẳng định, Công ty cổ phần Trung Đô vội vã đào bới, san lấp khu rừng rộng hơn 32ha vì lý do “đang rất cần lấy một lượng lớn đất sét và đất sét trắng lớn là loại đất rất quý hiếm, có giá trị kinh tế cực kỳ cao ở ngay dưới lớp đất rừng này”.

Theo Nhóm PVĐT/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều