Cử tri mong đợi cơ quan Công an quyết liệt đối với các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh

(Mặt trận) - Ngày 05/7, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết nếu lãnh đạo Bộ Công an đồng ý thì Công an Hà Nội sẽ khởi tố vụ án đối với các sai phạm trong 12 dự án của Tập đoàn Mường Thanh trong tuần tới… Tuy nhiên, đến nay, thông tin có hay không khởi tố vụ án để xử lý theo quy định pháp luật vẫn chưa được công bố rộng rãi khiến nhiều cử tri ngóng chờ hành động quyết liệt hơn từ phía Công an Hà Nội.

>> Mường Thanh đứng đầu danh sách các dự án vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy
>> Mường Thanh có bị Hà Nội “cấm cửa” vì vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy?

 

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội trả lời trước Hội đồng nhân dân thành phố và cử tri về việc xử lý các sai phạm của Mường Thanh (Nguồn: Truyền hình Quốc hội).

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV diễn ra sáng ngày 05/7/2017, người đứng đầu ngành Công an Hà Nội cho biết, có thể sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can sai phạm pháp luật của Doanh nghiệp Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty Cổ phần Bemes thuộc Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch.

Theo Tướng Khương, “Đây là đơn vị triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội với khoảng 12 dự án. Các dự án này qua điều tra đều thấy rằng có dấu hiệu tội trốn thuế, thứ hai là vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo Điều 273 của Bộ luật Hình sự”.

Chúng tôi nhận được chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận kết luận của Thanh tra Thành phố, nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy trong quá trình điều tra, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với Cục C46 Bộ Công an làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này trên địa bàn.

Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can chúng tôi đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an. Nếu để cho cơ quan điều tra của Công an thành phố Hà Nội quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến vụ việc vi phạm trên địa bàn thành phố thì sang tuần sau khi có ý kiến của lãnh đạo bộ thì chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các cá nhân liên quan. Nếu Bộ quyết định cho C46 khởi tố chung đối vi phạm ở 21 địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã điều tra xác minh để Bộ giải quyết” - ông Khương cho biết.

Sau phát biểu của Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, nhiều cử tri bày tỏ sự ủng hộ, niềm phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối với quyết tâm, trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố và Công an Hà Nội đã đưa vụ việc nhức nhối nhất trong quan lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô ra ánh sáng.

Ông Nguyễn Anh Dũng (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ, “các sai phạm về trật tự xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh đều là những sai phạm rất lớn, kéo dài qua nhiều năm. Chủ đầu tư ngang nhiên thách thức pháp luật, bỏ ngoài tai mọi bức xúc của dư luận, nên Công an Hà Nội có chủ trương khởi tố vụ án và điều này lại được đồng chí Thiếu tướng Đoàn Duy Khương tuyên bố trước Hội đồng nhân dân, đông đảo cử tri của thành phố cùng theo dõi, giúp tôi an tâm rằng việc này sẽ được các cơ quan chức năng đi đến cùng để điều tra, xử lý, chứ không thể nửa vời theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” như đối với các vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trước đây.

Cử tri Nguyễn Ngọc Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu nổi được sự vui mừng, ở Hà Nội văn minh, hiện đại thì không thể để xuất hiện những khu đô thị như “lò bát quái” hay “chung cư tổ kiến”, không sân chơi, không bể bơi, không công viên, không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy như vậy được... Về lâu dài chất lượng sống của người dân sẽ ở mức thấp, gây ra sự “bất ổn” cho hạ tầng, quá tải về nguồn điện, nước; thiếu thốn trầm trọng các không gian cộng đồng, quy hoạch giao thông dành cho đi lại, giao tiếp và sinh hoạt xã hội. Tôi hy vọng, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đã nói là làm, trừng trị những chủ đầu tư bán nhà thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của người dân.

Bên cạnh những ý kiến trên, một số cử tri bày tỏ băn khoăn vì đã qua 3 tuần mà thông tin có hay không khởi tố vụ án đối với các sai phạm trong 12 dự án của Tập đoàn Mường Thanh vẫn chưa được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Chúng ta đã nhận được lời nói rất cụ thể rồi, điều còn phải làm nữa là một hành động quyết liệt đối việc hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà và dấu hiệu trốn thuế. Theo tôi, ngoài việc xử lý chủ đầu tư thì cũng cần phải làm rõ, trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ở đây là gì? Một gia đình bình thường nếu mang thêm viên gạch, mua bao xi măng về để sửa nhà, xây nhà thì chưa chắc chính quyền địa phương, lực lượng Thanh tra Xây dựng đã không biết. Còn đằng này, sai phạm “khủng” của Mường Thanh không phải ngày một ngày hai mà kéo dài từ năm này qua năm khác. Vậy trách nhiệm để “con voi chui lọt lỗ kim” này thuộc về ai. Tại sao sai phạm của dự án vẫn tiếp tục kéo dài cho đến nay? Ai đã bao che để Tập đoàn Mường Thanh liên tục vi phạm pháp luật về xây dựng? Tại sao không có lãnh đạo sở, ngành nào của Hà Nội bị xử lý?. Nếu không rõ ràng, không quy được trách nhiệm, không trừng trị được “ung nhọt”, không xử lý được cán bộ thì vô lý quá” - một cử tri tại quận Hoàng Mai nêu ra vấn đề.

Trước đó, tại Thông báo số 396/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: UBND thành phố Hà Nội đã để xảy ra những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu, nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất (tính đến ngày 31/12/2014 là 7.166 tỷ đồng). Đặc biệt là Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (do Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư - Tập đoàn Mường Thanh) đến thời điểm thanh tra chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt Dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm…

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc, vì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Để làm rõ vấn đề và giải tỏa nỗi bức xúc của hàng vạn cử tri Thủ đô, cùng dư luận cả nước thì những lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, thành phố Hà Nội cần sớm chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ đầu ngành và những cá nhân, tổ chức có liên quan khi đã để xảy ra vi phạm.

Theo Điều 161 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội trốn thuế được quy định như sau:

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

nguoi dan - 17:56 27/07/2017

Chắc vài năm nữa.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều