“Đại gia làm hư hỏng cán bộ!“

"Đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, làm méo mó quan hệ đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật còn khá phổ biến, nhưng vẫn đứng ngoài vòng pháp luật".

Kéo giảm tội phạm, củng cố niềm tin

Thảo luận về báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng, thi hành án chiều 19/9, ông Đỗ Văn Đương - Phó Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá cao sự nỗ lực và đóng góp của ngành công an. Án về trật tự trị an, như vụ hai tử tù vượt ngục bỏ trốn vừa qua, các trọng án giết người phá án và bắt được ngay. Điều này khiến người dân khâm phục, nhiều người nói đất nước yên bình, không có khủng bố vì công an rất giỏi. Nhưng tiến độ xử lý, giải quyết án tham nhũng còn chậm, kéo dài. Tỷ lệ trả lại hồ sơ là 37%, đáng ngại là chủ yếu do toà trả, có vụ toà trả 3 lần kéo dài 6 năm

 Ông Đỗ Văn Đương - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

“Công lý chậm trễ là dẫn đến bất công. UBTVQH cần có ý kiến sâu để bàn giải pháp chứ năm nào cũng thấy tình hình nghiêm trọng này. Đơn cử như vụ chìm xuồng ở Cần Giờ chỉ vướng kết luận giám định mà đến nay chưa giải quyết xong, trong khi doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân.

“Với vụ việc lớn qua thanh tra phải công khai rộng rãi cho đúng thời gian quy định, bởi nhiều việc thanh tra xong cứ để đấy. Trong khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện đúng thời hạn, chỉ rõ đâu ra đấy, xử lý từng người, tạo sự quan tâm" - Ông Đỗ Văn Đương

Ở góc độ thi hành án, năm nào cũng nói khoảng 300-400 án tuyên khó thi hành. Có vụ vụ 20 năm không thi hành được như nhà 3m mà tuyên án chia đôi; hay 200ha rừng cao su ở Tây Ninh, toà yêu cầu 7 hộ dân trả đất cho UBND nhưng không nói xử lý tài sản trên đất như thế nào, dẫn đến kéo dài 7 năm không thi hành được.

“Bây giờ phải tổng kết còn bao nhiêu vụ án tuyên một đằng mà thực tế một nẻo? Thu hồi đất không rõ vị trí, ranh giới thì làm sao làm được nên thi hành án cũng có nỗi khổ của mình. Cần có giải pháp tháo gỡ, nhận định xong mà không có giải pháp thì không được” – ông Đỗ Văn Đương nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, sự vào cuộc của quần chúng nhân dân và lực lượng chức năng trong khối thi hành pháp luật đã đem lại kết quả tích cực. Có vụ việc chỉ mấy ngày là bắt được đối tượng phạm tội nguy hiểm, củng cố niềm tin nhân dân. Tuy vậy, kỷ cương phép nước còn có vẫn đề khi đối tượng đe doạ cả lãnh đạo tỉnh, vào bệnh viện hành hung y bác sĩ, ngang nhiên phá rừng.

“Đại gia làm hư hỏng cán bộ”

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt thì ghi nhận, thời gian qua, nhiều vụ đại án được khởi tố, điều tra, xét xử cả ở hình sự, kinh tế, đã củng cố lòng tin cho nhân dân. Tuy nhiên, theo ông, đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều, "mà đơn thư vòng vo thì khổ dân, lên trên này thì đẩy xuống, dưới thì không giải quyết được, dừng ở đấy nên dân bức xúc".

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt

"Đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, làm méo mó quan hệ đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật còn khá phổ biến, nhưng vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Đây là những đối tượng ít người nhắc đến, ít báo cáo nói đến. Nhưng theo quan điểm của tôi trong dư luận xã hội còn nặng nề", ông Võ Trọng Việt nói.

“63 tỉnh, thành thì nơi nào làm không tốt công tác phòng chống tham nhũng? Cần làm rõ địa chỉ, báo cáo công khai để nhắc nhở, phê bình" - Chủ tịch Quốc hội

Ông Võ Trọng Việt cũng đề nghị lưu ý đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức ở khối này cần phải củng cố thêm. Bởi nhân dân thấy 9 - 10 việc tốt, nhưng chỉ một vài việc không tốt thì nhân dân mất niềm tin.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dẫn số liệu tội phạm trật tự xã hội giảm, tội phạm có tổ chức giảm đến 38% cho thấy sự chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi những năm trước đều được nhận định loại tội phạm này diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Do đó cần phân tích làm rõ nguyên nhân do đâu, từ đó có giải pháp duy trì đà này để tiếp tục giảm.

Theo báo cáo, trong các loại tội phạm tăng thì số bị can lợi dụng chức vụ và số phạm tội tham nhũng tăng, và tăng cao nhất. Nếu đúng thì điều này làm tăng niềm tin của cử tri và nhân dân đối với cơ quan công quyền. Tuy vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị làm rõ bao nhiêu vụ xảy ra ở những năm trước đến bây giờ mới xử lý, bao nhiêu vụ xảy ra trong năm 2017 được phát hiện xử lý kịp thời?

Nếu đa số hành vi đều xảy ra trước đây và năm 2017 mới xử lý thì chưa phản ánh đúng tình hình tội phạm tham nhũng và lợi dụng chức vụ trong từng giai đoạn. Làm rõ điều này để từ đó để đánh giá tội phạm tham nhũng tăng hay giảm.

Dẫn con số hiện còn trên 11.000 đối tượng truy nã đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng cần làm rõ số trốn trại, số trốn tránh điều tra truy tố xét xử là bao nhiêu, rồi hằng năm tăng bao nhiêu? “Nếu được thì cho biết số trốn trong nước bao nhiêu, trốn ở nước ngoài là bao nhiêu” – ông Hà Ngọc Chiến đề nghị.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều