Dâng sao giải hạn, đốt vàng mã ở chùa: Minh triết hay mù quáng?

Luôn có những kiến giải khác nhau về niềm tin. Tôi tự chia thành niềm tin minh triết và niềm tin mù quáng từ những câu chuyện tâm linh của người Việt.

Người Việt có tục đi lễ đầu năm, từ lâu đã trở thành văn hóa. Nhưng kèm theo đó là những câu chuyện muôn hình vạn trạng, đi đâu cầu gì, dâng cúng ra sao, tỏ tâm lòng thành thế nào?

Những khung cảnh mù mịt của khói hương, vàng mã. Những lời cầu khấn sụt sùi, những cái vái "như bổ củi". Những dòng người đông đúc dâng sao giải hạn. Tất cả đã thành câu chuyện... muôn năm cũ. Năm nào cũng thấy, năm nào cũng có. Trên báo chí, cũng là một đề tài cũ.

 Người dân đốt vàng mã. Ảnh: Thanh Bình

Không mới, nhưng năm nay người Việt nói nhiều đến việc đốt vàng mã, dâng sao giải hạn, bỏ hay không? Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản đề nghị các Phật tử bỏ tục đốt vàng mã là điều hoàn toàn đúng, chẳng phải bàn cãi (Tất nhiên, chỉ trong phạm vi cơ sở thờ tự Phật giáo của Giáo hội. Hôm bữa có người bạn cùng nghề có ý về đền bà Chúa Kho xem ở đó có còn đốt vàng mã không. Tôi can ngay vì đó là đền, không phải chùa, tịnh xá hay niệm Phật đường, không thể so sánh được).

Cùng với đốt vàng mã là dâng sao giải hạn. Cũng một câu chuyện khác về niềm tin. Tôi không nghĩ tất cả người đi dâng sao giải hạn đều là mê tín vì trong những dòng người như vậy, thực sẽ có những người hiểu đạo và trí tuệ hơn tôi gấp nhiều lần.

Ở góc nhìn cá nhân, tôi chỉ cho rằng nếu làm như vậy mà tâm tưởng, suy nghĩ của con người lạc quan hơn, an lành thì cũng chẳng có gì đáng trách. Chỉ có điều, việc quá đông, đứng tràn ra đường (nghĩa là chưa bước qua cổng Tam Quan của chùa) có là thực tâm với chính họ không? Và cũng đáng nói là việc này có nên diễn ra trên chùa hay không khi Đức Phật đã dạy về luật Nhân quả và nói không với việc xem sao xấu tốt.

 

Hàng nghìn người dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Quang Trung

Nhưng có một ý cũng đáng bàn. Đó là khi người dân có nhu cầu, nhà chùa có nên khước từ không? Sẽ mất bao lâu giảng giải cho người dân hiểu đúng chánh pháp? Liệu có ai bỏ chùa khi chùa không còn cầu cúng?

Phật giáo Đại thừa vốn dung nạp nhiều truyền thống văn hóa và tín ngưỡng. Thế nên, mới có "tiền Phật hậu Mẫu" hay Phật giáo Tứ pháp mà khởi thủy ở Bắc Ninh.

Tới đây, câu chuyện về niềm tin thời hiện đại nên được chuyển sang hướng mà cách đây 2 năm tôi từng đặt vấn đề với giáo sư Vũ Thế Ngọc - tác giả "Trà Kinh" về việc người Việt nhìn chung nhiều đời nay, tiếp cận đạo Phật ở bề rộng mà chưa thực chú trọng bề sâu.

Vì không chú trọng bề sâu nên dù những ngôi chùa khang trang được xây dựng ở nhiều nơi, tâm thế của một bộ phận người dân đi chùa vẫn giữ nguyên như cũ. Tôi lại nhớ đến lời dạy minh triết của Đệ tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ "Chùa to, cảnh lớn...dù sao cũng chỉ là phương tiện".

Nhưng có thể, nhiều người lại không nhận biết được giá trị phương tiện ấy. Chùa này thiêng, chùa kia không thiêng? Đi chùa nào được nhỉ? Một tâm lý không khó bắt gặp.

Qua cổng Tam Quan cửa thiền, sự cầu khấn vẫn là phổ biến. Nguyện cầu, tôi nghĩ là một nét đẹp, nhưng cầu gì lại là một nét nghĩa khác. Cầu đủ thứ trên đời, buôn may bán đắt, tình duyên, quan lộ. Không biết Phật là ai, chẳng hay tướng tốt, vẻ đẹp của ngài, coi Phật như thánh, như thần. Cài tiền vào tay tượng, uống rượu, ăn thịt ngay trước cổng chùa. Cãi vã, lời qua tiếng lại, bớt một thêm hai, mua bán ngã giá thịt chúng sinh ngay trên đất Phật. Đó lại là vô minh, tức u mê, không hiểu Tứ Diệu Đế, Tam Bảo, không hiểu nguyên lý của Nghiệp.

Như tôi, bằng hiểu biết hạn hẹp của mình, không thể lý giải được tất cả những điều như vậy, rằng tại sao người ta vừa lễ Phật vẻ như đầy tôn kính sau đó lại có thể cài tiền lẻ vào tay, chân tượng như một sự dấm dúi, một sự hối lộ.

Tôi không sính ngoại, nhưng như lẽ tự nhiên, tôi từng có thắc mắc với giáo sư Vũ Thế Ngọc về việc tại sao một bộ phận người phương Tây khi tiếp cận với đạo Phật, họ lại thiên về việc tìm hiểu, nghiên cứu và hành trì. Giáo sư có nói với tôi về sự hiểu biết, tri thức, sự thực hành.

Tôi đồ, đó có thể (chăng) sẽ là chìa khóa để thay đổi với hàm nghĩa khi hiểu biết tăng lên, sự mê tín sẽ giảm đi. Khi sự thực hành tăng lên, niềm tin minh triết sẽ lan tỏa. Đạo Phật, khi đó sẽ được người Việt tiếp cận đúng nghĩa nhất như một môn khoa học, tư tưởng, và Đức Phật, đấng giấc ngộ cũng có thể trở nên gần gũi như... một người bạn. Ngày ấy có xa không nhỉ (!?).

Theo Quang Đức/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều