Để chấm dứt những loại phí lệ làng

Câu chuyện thu phí (con) vịt ăn mót trên đồng ở Bình Định hay phí trâu bò gặm cỏ ở Thanh Hóa có một chi tiết thế này: Đương kim chủ tịch xã rất thẳng thắn và vô tư cho biết đó là phí "công đồng lạc túc" đã thu từ rất lâu. Có nghĩa là gì? Là dân bị thu không biết đó là sai đã đành, chính quyền không hề biết đang thu sai.

 Khoản phí để vịt nhặt lúa ngoài đồng này đã tồn tại rất lâu. Ảnh: Báo Giao thông

Chỉ ngay sau khi chính quyền xã Thiệu Dương, Thanh Hóa nhận sai, xin hoàn tiền “phí trâu bò” đã thu của dân thì lại đến phí "công đồng lạc túc" áp lên các hộ chăn thả vịt đồng ở Bình Định.

Mà phí này có tên có tuổi - “công đồng lạc túc”. Quỹ này “đã có từ rất lâu” . Quỹ này có hẳn hoi hợp đồng giữa chủ vịt và chính quyền với mục đích thu để xã dễ quản lý. Phí này có điểm đến là ngân sách xã.

Cái đáng để giật mình không phải là bao nhiêu tiền đã thu, không phải sự thu mà ở sự “công khai minh bạch đàng hoàng” có thể dễ dàng nhìn thấy từ những phát ngôn của ông chủ tịch. Và đáng nói hơn là chính quyền xã hoàn toàn không hay biết việc thu phí là trái phép.

Nếu là thu lén, thu giấu, nếu là tư lợi, nếu là bất minh có khi lại còn một nhẽ.

Báo cáo trước Quốc hội 2 năm trước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra một con số cũng giật mình không kém:  Với riêng nông nghiệp, dù đã rà soát, bỏ nhiều loại, song vẫn còn tới 937 khoản phí và 90 loại lệ phí. Và Bộ trưởng nhận xét: “Con số này là quá lớn”.

Chưa có báo cáo nào cho thấy số phí, lệ phí này đã giảm xuống. Và thuế kiểu bò gặm cỏ, phí vịt chạy đồng tất nhiên là những loại phí lệ làng hoàn toàn không nằm trong tính đếm thống kê.

Nhưng chính chi tiết dân không biết, chính việc chính quyền xã vô tư công khai minh bạch với những loại thuế “lạc túc” trái luật cũng lại đang chỉ ra giải pháp để tránh tái diễn những loại phí lệ làng ngày.

Đơn giản chỉ là một bảng kê cho chính quyền cơ sở - dù việc của họ chỉ là thu chứ không được phép “sáng tạo” ra các loại phí, lệ phí. Một bảng kê để hễ dự định thu cái gì, mức bao nhiêu, họ có thể “căng dây vạch thước” để biết mình có được thu hay không.

Và nữa bảng kê, để nếu bị thu, người dân, kể cả ở vùng hẻo lánh nhất, cũng có thể biết đó là loại phí lệ phí gì, có đúng với quy định của pháp luật hay không!

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều