Để cô giáo “tự nguyện” quỳ gối, văn hóa phụ huynh còn thấp hơn cả cái quỳ đó!

Vụ cô giáo Nh. ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối xin lỗi trước mặt bà Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh cùng với một số phụ huynh thêm một lần cho thấy vị đắng của nghề giáo: Nhiều khi bị không ít người ra oai “dạy” mình.

Khu nhà làm việc có văn phòng BGH, nơi xảy ra vụ việc.

Ở đời, không phải chỉ người ở tuổi học sinh sinh viên mà cả người lớn, được ai đó có trình độ, có văn hóa, dạy hay dạy giỏi chỉ bảo cho mình, là một hạnh phúc. Sự học hỏi là vô tận cho dù là nhà giáo. Nhưng sự học đó, không có nghĩa là dùng từ “học”, hay sự “tự nguyện” như các vị phụ huynh học sinh trong vụ việc trên, để “chuyên chở” sự “dằn mặt” hay làm “bẻ mặt”, trả đũa người khác, cho họ “chừa thói” chỉ vì một lỗi nhỏ nào đó, hay một việc gì đó mà mình không hài lòng.

Thưa các ông bà phụ huynh có mặt chứng kiến cô giáo Nh. quỳ gối, có thể cô giáo có lỗi, có hình phạt không phù hợp với học sinh, nhưng không có nghĩa các vị có quyền “áp dụng” hình phạt tương tự lại đối với cô giáo.

Bởi khi cô giáo quỳ xuống, thấp xuống trong mắt các vị, thì nhân cách, văn hóa của các vị cũng chẳng cao lên được, để mà có thể lên mặt với ai!

Nhiều người ắt hẳn thỉnh thoảng có xem các phim cổ trang nói về thời phong kiến. Khi một ai đó quỳ xuống hành lễ, thì đối phương - hầu hết trong các tình huống – luôn cúi xuống để đỡ người kia lên cùng với những lời nói làm nhẹ cái nghi thức ấy đi. Đó là phép tắc, lễ nghĩa, nhưng cũng hàm chứa cả văn hóa và nhân cách của những người thuộc bậc Nhân, Nghĩa, Trí trong hành xử và ứng xử ở đời.

Cứ như các vị cho rằng cô giáo “tự nguyện” hay “làm thử” trong việc quỳ xin lỗi đi, thì nếu các vị là những người có văn hóa và nhân cách, sẽ chẳng bao giờ để một cô giáo “tự nguyện” trong tủi nhục như vậy, chứ đừng nói là chứng kiến trong hả hê/hả giận.  

Tôi không nghĩ rằng vấn đề có thể tới mức hình sự hóa. Bởi ngay cả nếu tới mức hình sự đi nữa, và dư luận càng ầm ĩ dai dẳng, thì chỉ càng làm cho “cô giáo quỳ gối”  thêm bị xát muối nỗi đau và sự tủi nhục mà thôi.

Ngày nay, nhiều Ban đại diện phụ huynh/cha mẹ học sinh đã bị méo mó. Thậm chí, còn là nơi tập trung một thứ quyền lực đen đến ban giám hiệu nhà trường còn phải e sợ.

Nếu vụ việc “cô giáo quỳ gối” dừng lại ở mức độ một vấn đề xã hội dân sự, xử lí hành chính, thì có rất nhiều lời xin lỗi cần được nói ra ở đây: Cô giáo xin lỗi đã đành; nhưng vị hiệu trưởng, ông đã không bảo vệ được giáo viên của mình và nghề của mình, không lẽ không có lời xin lỗi cô Nh; còn các vị phụ huynh, các vị không chỉ xin lỗi “cô giáo quỳ gối”, xin lỗi nhà trường mà phải xin lỗi cả nghề giáo nữa.

Theo Thế Lâm/Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều