Dẹp nạn “lấy miền xuôi nuôi miền ngược”

Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp tết, lễ hội…, đó là chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2018.

Tết là dịp để con người bày tỏ tình cảm, ân nghĩa, lễ nghĩa, lòng biết ơn, đó là một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam.

Nhưng chuyện bà con, bạn bè lễ nghĩa nhau khác với việc quà cáp của quan chức. Quan dưới biếu quan trên, quan trên “lấy miền xuôi nuôi miền ngược”, cứ thế trở thành nạn biếu xén, nói thẳng cho nhanh là hối lộ, đút lót. Nếu quà chia chác từ một dự án nào đó thì đích thị là tham nhũng.

Dịp tết dễ có cớ để đưa và dễ có lý để nhận, quà biếu tết nghe rất tình cảm.

Cho nên cấm là phải, và tất nhiên, kiểm soát được hay không lại là chuyện khác. Người ta có nhiều cách để đưa quà, và cũng không cần xe pháo ồn ào, vấn đề là chất lượng. Thời buổi này ai cần vài ký thịt hay chục cân nếp, có những thứ trọng lượng không đáng là bao nhưng giá trị rất lớn, lại kín đáo không dễ gì bị phát hiện.

Nhưng chỉ thị của Ban Bí thư nghiêm cấm sử dụng ngân sách để quà cáp, việc này thì kiểm soát được. Không lợi dụng tiền công để mưu việc riêng theo kiểu “mượn hoa cúng Phật”. Các anh muốn hối lộ, tranh thủ thì cứ xài tiền riêng, pháp luật sẽ sờ gáy sau, nhưng trước mắt, ngăn ngay không để mất tiền nhà nước.

Phương tiện, tài sản công đương nhiên chỉ sử dụng cho việc công. Quý quan muốn đi chúc tết, lễ chùa, đi cúng vái van xin thần thánh thì cứ xe nhà, Uber, Grab, taxi, chớ có đụng vào xe cơ quan. Vợ cũng vậy, đi mua sắm, đi coi bói, cứ xe riêng mà dùng.

Ban Bí thư cũng dứt khoát về việc bắn pháo hoa. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tiết kiệm và tuyệt đối an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước.

Thế thì đã rõ, xã hội hoá được thì bắn pháo hoa cho dân xem vui mắt, không thì thôi, một đồng ngân sách cũng không được đụng vào.

Tiết kiệm là chung cho toàn xã hội, đối với ngân sách cũng như tiền bạc của tư nhân. Vì thế không nên huy động tiền của doanh nghiệp quá nhiều cho hoạt động vui chơi, gọi là “xã hội hoá”. Đôi lúc doanh nghiệp ngoài mặt tươi cười nhưng trong bụng đau thắt.

Tết nào cũng có quá nhiều cơ quan, tổ chức đến vận động “xã hội hoá” trong lúc doanh nghiệp thì không đủ tiền lo lương thưởng cho người lao động. 

Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều