Dựa vào ai để đấu tranh phòng chống tham nhũng?

Nhiều ý kiến cho rằng, “bệnh” tham nhũng thường bắt nguồn chủ yếu từ cơ quan quyền lực nhà nước. Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào hệ thống quyền lực nhà nước để giải quyết căn bệnh “quyền lực” phát sinh trong bộ máy nhà nước thì sẽ khó phát huy hiệu quả.

Hình minh họa

Xuất phát từ ý nghĩa trên, đồng thời với trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, hôm qua (18/12), tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN)”. 

Nhân dân là người tích cực nhất trong phát hiện hành vi tham nhũng

Theo Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN được Đảng, Nhà nước, MTTQ triển khai mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước…

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh PCTN vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến công tác PCTN nói chung và công tác PCTN của MTTQ Việt Nam nói riêng chưa đầy đủ, hoàn thiện. Những quy định về giám sát của Mặt trận mới chủ yếu là những quy định có tính chất chung và chủ yếu quy định quyền năng giám sát, chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm. “Vì vậy, PCTN là nhiệm vụ sống còn không riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của toàn xã hội, trong đó có MTTQ Việt Nam”-  ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

 “MTTQ đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân nên với trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, MTTQ Việt Nam phải tham gia quyết liệt vào công cuộc PCTN”- ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTU MTTQ Việt Nam nhận định, đồng thời cho biết, trong công tác PCTN của Mặt trận, vai trò và sự tham gia của quần chúng nhân dân chiếm một vị trí rất quan trọng. Thực tiễn cũng đã khẳng định, chính nhân dân mới là những người tích cực nhất trong việc phát hiện những hành vi tham nhũng. 

Che giấu thông tin về tham nhũng vì… nhạy cảm?

Thừa nhận “công tác PCTN của Mặt trận chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh PCTN, lãng phí trong nhân dân và từng cơ quan, đơn vị…”, ông Thực đã nêu một loạt nguyên nhân của những tồn tại trên. Trong đó đáng chú ý là hiện nay chưa có cơ chế hữu hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cũng như các cơ quan báo chí tố giác, phát hiện các hành vi tham nhũng và giám sát hoạt động với cơ quan công quyền. Có nơi vẫn còn tình trạng che giấu thông tin về tham nhũng vì cho rằng đó là vấn đề nhạy cảm. 

Do vậy, để đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN của Mặt trận, theo ông Ngô Sách Thực, cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức, lối sống, cũng như các dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh…

Cho ý kiến tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, nếu chỉ dựa vào quyền lực và hệ thống quyền lực nhà nước để loại trừ “căn bệnh quyền lực” trong bộ máy nhà nước sẽ khó đạt hiệu quả. Vì thế, dựa vào quần chúng nhân dân, huy động nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN là biện pháp quan trọng và sẽ là có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là “Nhân dân tố cáo thì tố cáo hành vi, thấy hành vi là tham nhũng, còn trách nhiệm điều tra, xử lý, kết luận là cơ quan thẩm quyền làm. Thế nhưng, có những vụ việc các cơ quan thẩm quyền làm không đến cùng, thành thử rất nhiều người dân ngại tố cáo”- ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam phản ánh.

Khẳng định vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh PCTN thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Tuyên giáo (UBTW MTTQ Việt Nam) cho biết, ở đâu có tham nhũng, tiêu cực ở đó có sự kịch liệt lên án, đấu tranh không khoan nhượng của đội ngũ nhà báo... “Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số ít vụ việc nhân dân, dư luận xã hội và báo chí phát hiện nhưng cơ quan chức năng chậm kiểm tra, thanh tra; xử lý không kịp thời hoặc kiểm tra, thanh tra nhưng không làm đến cùng, bỏ lọt những cán bộ có sai phạm không bị xử lý; hình thức kỷ luật đối với một số trường hợp không thỏa đáng, không có tác dụng giáo dục, răn đe. Vì vậy, tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cần hợp tác chặt chẽ với báo chí, tạo thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp, cung cấp thông tin trung thực, có biện pháp bảo vệ nhà báo… Không để những thông tin phản ánh trung thực của báo chí, của nhân dân phát hiện rơi vào quên lãng”- ông Tuấn Anh đề nghị.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, kết luận Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến này để đưa vào chương trình hành động của Mặt trận nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, từ đó phát huy cao nhất vai trò, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác PCTN. Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cũng đề nghị trong thời gian tới, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương, nhất là hệ thống Mặt trận các cấp phải gương mẫu để không xảy ra các vụ việc tham nhũng lãng phí. “Mặt trận phải đấu tranh mạnh mẽ với công tác này, thấy cái đúng thì phải bảo vệ, thấy cái sai thì phải đấu tranh”- ông Mẫn nhấn mạnh.

Ông Đỗ Duy Thường – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật (UBTW MTTQ Việt Nam): Vẫn có hiện tượng “trù úm” người tố cáo

Việc phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên để động viên nhân dân tham gia cung cấp thông tin, tố cáo hành vi tham nhũng còn yếu. Thực tế cơ chế để đoàn viên, hội viên phản ánh, tố cáo tham nhũng còn thiếu nhiều, cơ chế trả lời tố cáo còn chưa đầy đủ, nhất là các sự việc đòi hỏi phải rõ sự việc, địa chỉ, đối tượng. 

Không chỉ vậy, hiện nay các cơ quan thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo của nhân dân vẫn chưa xử lý đến cùng, và có hiện tượng “trù úm” đối với những đối tượng đứng ra tố cáo tại địa bàn sinh sống. Do đó, phải có cơ chế để vận động nhân dân PCTN, nếu không có cơ chế thì không thể làm được. Phải làm thế nào để phát động được nhân dân phản ánh, tố cáo tham nhũng.

Ông Ngô Đức Hòa, Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác PCTN (Ban Nội chính Trung ương):

Mặt trận tham gia với báo chí, thanh tra… để giám sát lực lượng PCTN

Mặt trận cần có tiếng nói độc lập của mình trong công tác PCTN và tập trung giám sát có hiệu quả vào những vấn đề lớn, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng; giám sát các dự án thua lỗ, những lĩnh vực cán bộ có biểu hiện bất minh... Chỉ khi giám sát được những vấn đề lớn như vậy thì Mặt trận mới có tiếng nói độc lập của mình trong công tác PCTN.

Với các đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, Mặt trận nên nắm chắc tình hình, chủ trì, phối hợp với chính quyền đối thoại với người dân; giám sát cuộc đối thoại đó. Mặt trận cũng có thể tham gia với báo chí, thanh tra, kiểm toán luật sư... để giám sát lực lượng PCTN- vừa để bảo vệ họ, vừa để ngăn ngừa tham nhũng.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Phải truy đến cùng những vấn đề bị né tránh

MTTQ làm gì trong cuộc đấu tranh PCTN? Mặt trận cần yêu cầu các vụ kết luận thanh tra lớn phải gửi đến cho mình để có thể giám sát tất cả các kết luận thanh tra, vì quy trình ra kết luận thanh tra có vấn đề và rất dễ phát sinh tiêu cực. Với kết luận điều tra trong quá trình tố tụng thì không được công khai nhưng khi có kết quả rồi thì Mặt trận phải giám sát các kết luận thanh tra và điều tra. Đối với những vụ việc, những vấn đề bức xúc mà cơ quan thẩm quyền còn né tránh thì Mặt trận phải truy đến cùng và có địa chỉ trách nhiệm cụ thể, không được nói chung chung.

MTTQ cùng với báo chí tạo ra công luận và dư luận, tạo ra sức ép với cơ quan nhà nước để vào cuộc. Nếu Mặt trận thấy có dấu hiệu sai phạm mà các cơ quan nhà nước không vào cuộc thì phải cùng với báo chí tạo sức ép cho các cơ quan vào cuộc.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Tuyên giáo (UBTW MTTQ Việt Nam): Có chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định                                                           

Để phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của báo chí trong PCTN, lãng phí, cần có những giải pháp kịp thời và thiết thực. Đó là phải thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lý cho các cơ quan báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát. Chú trọng đào tạo chuyên môn, chuyên sâu cho các nhà báo; cần có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân. 

Ngoài ra, cần tạo hành lang pháp lý an toàn cho nhà báo viết về lĩnh vực PCTN, lãng phí; tạo điều kiện cho báo chí hành nghề một cách thuận lợi, hiệu quả và an toàn. Có chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định. Đương nhiên, cơ quan báo chí và phóng viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đưa tin không trung thực, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Vân Thanh/Báo Pháp luật

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều