Ép chủ đầu tư “chung thuyền” không được, Công ty Tân Hồng Hà giở trò khởi kiện?

Là Chủ đầu tư, nhưng ICC không được Công ty Tân Hồng Hà báo cáo, không những thế phía Tân Hồng Hà còn tự ý mở bán căn hộ cho khách hàng.
Ngày 22/11/2018, Tòa án nhân dân quận Ba Đình - TP Hà Nội đã tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng nguyên tắc” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần thương mại và đầu tư xây dựng Tân Hồng Hà (Công ty Tân Hồng Hà) và bị đơn là Công ty cổ phần tư vấn dự án đầu tư Quốc tế (Công ty ICC).

Văn bản số 125 của Công ty ICC đã bị Công ty Tân Hồng Hà "nhào nặn" ra thành 2 văn bản giả mạo gửi đến Sở KH&ĐT Hà Nội và Tòa án nhân dân quận Ba Đình - Hà Nội

Tân Hồng Hà "vừa đá bóng vừa thổi còi"?

Ngày 22/11/2017, TAND quận Ba Đình đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 52/2017/TLST-KDTM về việc “Tranh chấp hợp đồng nguyên tắc” do Công ty Tân Hồng Hà khởi kiện Công ty ICC.

Theo đó, Tân Hồng Hà có ý định ép Công ty ICC thực hiện Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2015-HĐHTĐT ngày 20/7/2015 và Phụ lục Hợp đồng kèm theo: tiếp tục để Công ty Tân Hồng Hà đầu tư thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành và khai thác kinh doanh sau khi hoàn thành.

Với ý đồ trên, Tân Hồng Hà "kêu than" lên Tòa để nại lý do đề nghị Công ty ICC phải hoàn tất thủ tục với Ủy ban nhân dân TP Hà Nội về việc cho Công ty Tân Hồng Hà là đồng chủ đầu tư tại Dự án 317 Trường Chinh.

 

Ông Vũ Xuân Lai, Nguyên Trưởng BQL Dự án Công ty ICC đã bị HĐQT Công ty ICC phế truất năm 2017 có mặt tham dự phiên tòa ngày 22/11 với tư cách Giám đốc Công ty Tân Hồng Hà.

Trả lời tại phiên xét xử, ông Vũ Xuân Lai - Giám đốc Công ty Tân Hồng Hà đề nghị Tòa án yêu cầu cơ quan chức năng của TP Hà Nội xem xét cấp chứng nhận đồng chủ đầu tư cho Công ty Tân Hồng Hà tại dự án 317 Trường Chinh.

Vị này trình bày rằng, Công ty Tân Hồng Hà mong muốn là một đối tác song hành cùng Công ty ICC để phân chia quyền lợi trong việc thực hiện khai thác dự án.

Đáp lại, đại diện phía Công ty ICC đã không đồng ý với đơn khởi kiện của Cty Tân Hồng Hà. ICC đã khẳng định rõ, Tân Hồng Hà đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, không còn đủ năng lực để thực hiện dự án 317 Trường Chinh.

Trước Tòa, Đại diện Công ty ICC trình bày thêm, Công ty Tân Hồng Hà đã tự ý huy động vốn trái pháp luật và trái các quy định của hợp đồng giữa hai bên đã ký kết.

Nguyên đơn đã ký hợp đồng huy động vốn với Công ty Linh Anh (ngày 03/8/2015), bán quyền mua căn hộ tại tầng 8 đến tầng 12, tầng 15 đến tầng 24, 3 căn tại tầng 7 (701, 706, 707), 2 căn tại tầng 13 (ngày 9/8/2016). Ký hợp đồng huy động vốn với Công ty Elite bán quyền mua 05 căn hộ tại tầng 7 của Dự án (701, 702, 705, 706, 707) (30/09/2015).

“Hành vi này vi phạm chế định đại diện, ủy quyền được quy định của hai bên. Mặc dù không được quyền bán các căn hộ tại Dự án, nhưng Công ty Tân Hồng Hà đã mạo nhận là Đồng Chủ đầu tư để bán gần như toàn bộ khối nhà 24 tầng cho các khách hàng.

Theo đó, Tân Hồng Hà tự ý thu tiền nhằm thâu tóm về tài khoản riêng. Đúng ra thì số tiền đó phải được chuyển về ngân hàng NCB là ngân hàng đang nhận thế chấp toàn bộ Dự án 317 Trường Chinh. Việc làm của Tân Hồng Hà là vi phạm pháp luật.

Tân Hồng Hà có “lấp liếm” hành vi vi phạm hợp đồng?

Trước khi có mặt tại phiên xét xử ngày 22/11/2018, Công ty ICC và Tân Hồng Hà là đối tác tin cậy và thiện chí của nhau. Tuy nhiên, ICC nhận thấy Tân Hồng Hà vi phạm hợp đồng nghiêm trọng, không còn đủ năng lực thực hiện dự án nên dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa hai Công ty này.

Cụ thể, Công ty ICC được Ủy ban nhân dân TP Hà Nội giao cho làm Chủ đầu tư dự án khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở tại 317 Trường Chinh theo Quyết định số 9603/QĐ-UB ngày 29/12/2004.

Sau khi được giao làm chủ đầu tư, Công ty ICC đã thực hiện giải phóng xong mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khu vực; san lấp xong mặt bằng; khoan cọc nhồi; thi công xong đường dẫn tường vây tầng hầm cho toàn bộ công trình thuộc dự án.

 

Dự án 317 Trường Chinh, Chủ đầu tư ICC đã khẳng định Tân Hồng Hà đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Quá trình triển khai dự án, ngày 20/7/2015, Công ty ICC và Công ty Tân Hồng Hà đã ký một số hợp đồng để hợp tác, đầu tư dự án như: Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01; Hợp đồng ủy quyền số 01 và Hợp đồng phụ lục số 01.

Theo đó, Công ty Tân Hồng Hà sẽ tham gia góp vốn để tiếp tục đầu tư trên cơ sở hiện trạng dự án và được khai thác kinh doanh sau này.

Cụ thể, Công ty Tân Hồng Hà phải hoàn trả chi phí đầu tư và các chi phí khác cho ICC là 140 tỷ đồng trong vòng 90 ngày (trong đó số tiền đặt cọc 20 tỷ đồng phải chuyển trong thời hạn 10 ngày).

Tân Hồng Hà chịu toàn bộ kinh phí, chi phí để thực hiện nốt các công việc dang dở của dự án từ khi ký hợp đồng đến khi khai thác xong sản phẩm của dự án; giao lại cho Cty ICC khối nhà 7 tầng kèm hồ sơ kỹ thuật sau khi thi công xong để ICC làm cơ sở thanh quyết toán giá trị xây lắp cho Tân Hồng Hà; bàn giao lại tầng kỹ thuật và toàn bộ tầng 14 khối nhà căn hộ 24 tầng đã hoàn thiện cho ICC (được Cty ICC thanh toán với giá 28 triệu đồng/m2 sàn).

Bù lại, Công ty Tân Hồng Hà sẽ được khai thác kinh doanh các sản phẩm của khối nhà 24 tầng (ngoại trừ tầng kỹ thuật và tầng 14); được tìm kiếm đối tác và huy động vốn phục vụ cho dự án (với điều kiện phải được sự đồng ý của Công ty ICC cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật và các cam kết trong hợp đồng đã ký.

 

 Văn bản giả mạo Cty ICC được Cty Tân Hồng Hà "phù phép" làm giả gửi cơ quan chức năng TP Hà Nội.

 

Một văn bản "lạ" khác được ông Nguyễn Minh Khoa, Cty Tân Hồng Hà làm giả dấu Cty ICC tại dự án 317 Trường Chinh.

Đáng nói, khi ông Nguyễn Minh Khoa ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với danh nghĩa là đại diện của Công ty Tân Hồng Hà vào ngày 20/7/2015 thì trên thực tế lúc đó, ông Khoa đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty ICC được 18 ngày.

Sau này, ông Khoa đã mua lại 30.051 cổ phần trong Cty ICC từ bà Hoàng Thanh Thủy để đủ điều kiện trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty ICC và thôi vị trí lãnh đạo của Tân Hồng Hà. Tuy nhiên, trên thực tế ông Khoa đã không thanh toán số tiền đã mua lại số cổ phần trên từ bà Thủy.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, Công ty Tân Hồng Hà đã có vi phạm mà trước hết là không thực hiện việc chuyển số tiền đặt cọc 20 tỷ đồng cho Công ty ICC theo đúng hạn.

Tiếp đó, Công ty Tân Hồng Hà đã không thực hiện đúng cam kết là chuyển cho Công ty ICC 140 tỷ đồng tổng chi phí đầu tư và các chi phí khác trong vòng 90 ngày như hai bên đã ký kết (đến thời điểm hiện tại, mới chuyển được hơn 26 tỷ đồng).

 

 Hình ảnh Văn phòng BQL dự án ICC bị Cty Tân Hồng Hà khống chế không cho nhân viên ra vào để làm việc.

Trước tình hình đối tác không đủ tài chính để thực hiện dự án, Công ty ICC (lúc này do ông Khoa làm đại diện) đã thế chấp dự án, vay tiền 87 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại Cổ phần quốc dân (NCB) để Tân Hồng Hà có vốn tiếp tục thực hiện dự án.

Sau khi dự án được thế chấp, phía Công ty ICC phát hiện Công ty Tân Hồng Hà đã đem bán các căn hộ của dự án cho đối tác khác nhưng không chuyển tiền vào tài khoản của Ngân hàng NCB để trả nợ vay và lãi vay.

Nhận thấy ông Khoa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cổ đông Công ty ICC đã hủy bỏ hợp đồng mua bán cổ phần đối với ông Khoa và gửi thông báo đến các cơ quan, đồng thời làm thủ tục hủy bỏ tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty ICC của ông Khoa vào ngày 12/4/2017.

Tiếp đến, Công ty ICC đã được cấp  Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 17) với người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Kim Đồng (Chủ tịch HĐQT).

Nhận thấy các căn hộ tại dự án (đang được thế chấp) đã bị bán trái phép, Công ty ICC đã đề nghị tạm dừng hợp tác với Công ty ICC để giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, sau khi bị tạm dừng tất cả các Hợp đồng liên quan thì ông Khoa đã chỉ đạo ông Vũ Xuân Lai tự ý "vẽ" thêm những con dấu của Công ty ICC, đóng dấu đỏ và ký văn bản giả mạo Công ty ICC nhằm thực hiện ý đồ đen tối ép buộc chủ sở hữu tài sản tại 317 Trường Chinh (Cty ICC) phải nhượng bộ, đồng ý để cho Tân Hồng Hà được làm đồng chủ đầu tư tại dự án.

Với những vi phạm của Công ty Tân Hồng Hà như vậy, đáng lẽ Công ty ICC phải là người khởi kiện Công ty Tân Hồng Hà ra Tòa mới đúng. Tuy nhiên, trong khi Công ty ICC đang chờ một động thái tích cực của Tân Hồng Hà để hai bên tiếp tục hợp tác thì Công ty Tân Hồng Hà đã “nhanh chân” khởi kiện ICC ra Tòa. Dư luận cho rằng, đây chẳng khác nào một việc làm để “lấp liếm” cho những hành vi vi phạm của Tân Hồng Hà đối với ICC, hay nói cách khác, đó là hành vi “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

Theo Duy Khương/Báo Pháp luật Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều