Hà Nội: Bị “hành” gần 20 năm, doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu Chính phủ

(Mặt trận) - Sau gần 2 thập kỷ triển khai, dự án khu đô thị An Dương rơi vào thảm cảnh hoang tàn, dang dở, phải lùi tiến độ vô thời hạn. Trong vài năm trở lại đây, dự án mới bắt đầu nhúc nhích chuyển động trở lại, nhưng trái với những chỉ đạo “nóng” của của Thành ủy và UBND thành phố để giải quyết dứt điểm vụ việc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đang có cách hành xử vô cảm, “nguội lạnh”, khiến doanh nghiệp càng thêm “điêu đứng”.

Dù đã có Quyết định Thủ tướng Chính phủ, Dự án Khu đô thị An Dương đã bị treo gần 2 thập kỷ.

Thứ văn hóa “không nhúc nhích” kéo dài gần 20 năm của Hà Nội

Là một trong những dự án xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội, theo quy hoạch, dự án hồ An Dương sẽ trở thành một khu đô thị kiểu mới của phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, do Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) làm chủ đầu tư.

Vào tháng 9/1999, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 914/QĐ-TTg giao cho Công ty IDC đầu tư, xây dựng khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc trên toàn bộ diện tích 13.970 m2 đất. Trong đó, 8.400 m2 thuộc quyền quản lý của UBND quận Tây Hồ và 5.570 m2 còn lại được UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng.

Vậy nhưng, trong quá trình triển khai, vì nhiều nguyên nhân bất khả kháng liên quan đến điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự thiếu quyết liệt từ phía chính quyền địa phương là UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các Sở, ban, ngành trực thuộc khi không thực hiện giao đất tái định cư, không thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng để lập ra phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất bị thu hồi theo quy định và thiếu cơ chế hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án, dẫn đến thực trạng đau xót là dù chủ đầu tư đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn đang “đắp chiếu”, “trùm mền” vô thời hạn.

Thời gian triển khai dự án kéo dài hàng chục năm, không có vốn để duy trì, Công ty IDC buộc phải huy động nhiều nguồn vốn khác để trả vốn góp cho các cổ đông, chi trả lãi vay và bồi thường thiệt hại do không thực hiện dự án đúng cam kết. Công ty IDC bị lâm vào hoàn cảnh kiệt quệ về kinh tế, chịu áp lực tài chính nặng nề bởi phải vay mượn vốn nhiều nguồn khác nhau với lãi suất cao để duy trì bộ máy và trả các khoản nợ. Nay các khoản vay này đều đã quá hạn.

Còn một thực tế nữa là hạng mục san lấp hồ An Dương đã hoàn thành xong được gần 30 năm, hiện tại, tổng chi phí phát sinh mà Công ty IDC phải chi trả dành cho hạng mục san lấp ước tính phải vào khoảng trên 200 tỷ đồng. Trớ trêu thay, mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên ngành để giải quyết và chỉ đích danh Sở Tài chính là đơn vị chủ trì tiến hành rà soát, báo cáo. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, “quả bóng” trách nhiệm cứ ngày ngày “đá qua, đá lại” giữa các cơ quan, đơn vị của Hà Nội mà chủ đầu tư vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản đền bù hạng mục san lấp hồ An Dương nào.

Dự án biến thành khu “ổ chuột”, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội.

Không những thế, hậu quả của tình trạng “treo” dự án là sự xuất hiện của các khu ổ chuột, xóm liều, xóm nhảy dù, xóm ma giữa lòng đô thị. Đây thường là nơi trú ngụ của nhiều thành phần bất hảo, nghiện ngập, hút chích từ các tỉnh dạt về Hà Nội kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay không ổn định, gây mất an ninh trật tự, tạo ra “điểm đen” về tệ nạn xã hội. Để tiện cho mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, những người này không ngần ngại lấn chiếm đất công hồ An Dương dựng những căn nhà tồi tàn, nhếch nhác, tạm bợ, rộng chừng 10m2 được lợp bằng mái bờ rô xi măng, quây tôn nham nhở, chắp vá bằng những mảnh gỗ và vải bạt, cửa kính vỡ nát. Hình thành các bãi tập kết phế liệu, thu gom rác thải, đồng nát, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Chưa hết, hơn 72 nóc nhà của 72 hộ dân đang cố thủ tại đây hiện đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không thể sửa chữa, cải tạo, không được cấp “sổ đỏ” vì đây đều là các trường hợp nằm trên đất dự án nên họ đành chấp nhận sống trong cảnh bí bách, tù túng suốt hàng chục năm qua. Sức sống hiện diện yếu ớt từ vài khu nhà ở mà Công ty IDC đã thực hiện được một phần trước đây là không đủ để hồi sinh một dự án. Giờ đây, khu đô thị mới An Dương gần như trở thành “phế tích” hoang tàn.

Sự vô cảm của chính quyền, đẩy dự án biến thành “phế tích”

Gần 20 năm khóc ròng vì đồng vốn của doanh nghiệp mất đi từng ngày, nợ nần chồng chất, ban lãnh đạo IDC còn phải khiên cưỡng chứng kiến những “trận bóng ma” mà các cấp chính quyền “đá đi, đá lại”.

Đầu tiên phải kể đến văn bản số 04/TB-VP ngày 06/01/2016 thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội về giải quyết một số vụ việc tồn động, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ, trong đó có nội dung: Để giải quyết dứt điểm tồn tại dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực An Dương, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Tây Hồ và Công ty IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo Quyết định 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng, diện tích đất hồ bị lấn chiếm. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất báo cáo UBND thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 04/TB-VP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã họp bàn và ban hành công văn số 400/QHKT-P2,P7 ngày 27/01/2016, yêu cầu Công ty IDC liên hệ với công ty có tư cách pháp nhân để tiến hành đo đạc lại toàn bộ diện tích đất, tỷ lệ 1/500… Sau khi Công ty IDC và các đơn vị có liên quan hoàn toàn các công việc nêu trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kính đề nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận…

Tiếp đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành công văn số 923/UBND-TNMT ngày 18/2/2016 đồng ý với các nội dung thực hiện và các bước giải quyết tồn tại của dự án. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Công ty IDC thực hiện theo chỉ đạo và báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2016.

Quá hạn nói trên, thành quả từ chỉ đạo của UBND thành phố chưa thấy đâu nhưng vẫn là điệp khúc họp thống nhất ý của tập thể, ngày 09/9/2016, UBND thành phố Hà Nội “soạn lại bổn cũ”, lần này có tới 5 vị Phó Chủ tịch tham gia (Nguyễn Thế Hùng, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Quốc Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản) cùng “bộ sậu” là các Sở, ban, ngành đồng thuận để tiếp tục làm theo chỉ đạo tại văn bản số 04/TB-VP đã ban hành trước đó hơn nửa năm.

Văn bản của Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết; tuy nhiên, vụ việc vẫn lâm vào ngõ cụt.

Dù biết cách giải quyết vấn đề của Hà Nội không có gì mới, vì “đâm lao phải theo lao”, Công ty IDC cuống cuồng chạy theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngày 06/01/2017, Công ty IDC đã hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ theo yêu cầu của liên ngành và nộp cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, từ ngày nộp toàn bộ hồ sơ cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đến nay, mọi thông tin về dự án vẫn “bặt vô âm tín”. Thậm chí, Thanh tra Chính phủ đã ban hành văn bản số 2055/BTCDTW-XLĐ, chuyển đơn của của ông Lê Quốc Khánh – Giám đốc Công ty IDC đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi.

Trong khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt, nỗ lực tìm mọi cách tháo gỡ, cởi trói và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thì Hà Nội đang làm điều ngược lại với tinh thần đó, “trên rải thảm, dưới rải đinh”, đẩy doanh nghiệp tới bờ vực phá sản. Mấy chục năm qua, hàng trăm văn bản, kiến nghị, đề xuất… của Công ty IDC đã được gửi đến các cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền, nhưng nhận lại cũng là hàng trăm văn bản có nội dung chung chung, ban hành rồi để đấy, còn doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn từng ngày, từng giờ.

Việc chậm trễ giải quyết các công việc của dự án suốt 20 năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho Công ty IDC và các cổ đông. Không thể chờ đợi thêm được nữa, Công ty IDC đã làm đơn cầu cứu lên Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương xem xét, yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội triển khai giải quyết hồ sơ, trả lời kết quả mà Công ty IDC đã nộp từ ngày 06/01/2017.

Nội dung đề xuất của Công ty IDC

- Diện tích đất Công ty thực tế đã sử dụng tại khu đất dự án là 4.030,13m2 (trong tổng số 7.900m2 đất đã được Nhà nước bàn giao); và 833,8m2 (trong phần diện tích chưa được bàn giao).

- Đề xuất được cấp thủ tục pháp lý cho 06 hộ (các cổ đông đóng góp dự án) đã được giao đất nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng và Giấy phép xây dựng;

- Đề xuất được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thuê sang đất ở đối với diện tích đất thuê 512,66m2 (khu B);

- Đối với diện tích đất xem kẹt trên khu vực được giao (1.236,66m2, trong đó có 512,66m2 đất thuê) đề nghị được duyệt chỉnh trang quy hoạch mới với diện tích ≥ 30m2.căn;

- Đề nghị xem xét, duyệt quy hoạch chỉnh trang trong diện tích Công ty đã được giao (theo đề xuất tại bản vẽ Tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 gửi kèm hồ sơ nộp Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội).

 

* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều