Hà Nội có bao nhiêu "bảo tàng" về kinh nghiệm thất bại?

Chỉ một cơn mưa, giao thông Hà Nội lập tức tê liệt và lộ ra nhiều những "bảo tàng" về kinh nghiệm thất bại. Trong đó, thất bại nhất là vấn đề quy hoạch thành phố.
Phải nhích từng centimet, chen chúc và bế tắc ở trục đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) dưới cơn mưa tầm tã mới cảm nhận thật rõ nghịch cảnh diễn ra hàng ngày: Ngay phía trên đầu đám đông dày đặc người và xe ấy là tuyến đường sắt trên cao đang “trơ gan tùng tuế nguyệt”. Thỉnh thoảng, một chuyến tàu vút qua như trêu ngươi và tất nhiên, trên đó không có một bóng hành khách.

Câu hỏi là nếu tuyến đường sắt ít duyên nhiều nợ này đi vào vận hành chính thức có góp phần giảm tải cho đường Nguyễn Trãi không? Câu trả lời là không. Chi phí đầu tư, vận hành lớn nhưng tính kết nối quá kém. Nói một cách khác, dù có được vận hành chính thức, đường sắt trên cao sẽ không “cứu” được trục đường Nguyễn Trãi.

Đường sắt trên cao sẽ lại chung số phận với BRT và đã có người nói một cách đầy mỉa mai rằng: Đường sắt trên cao sẽ thêm một công năng khác, là bảo tàng kinh nghiệm thất bại trong quản trị các dự án trọng điểm quốc gia.

Nhưng trả lời cặn kẽ cho vấn đề vì sao cứ có mưa là giao thông Hà Nội tê liệt thì chỉ có ba từ: Quy hoạch kém.

Tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương chạy song song Nguyễn Trãi từng được kỳ vọng là sẽ chia sẻ nỗi ám ảnh tắc đường. Thế nhưng, chính tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương lại đang quá tải và ùn tắc còn hơn cả Nguyễn Trãi. Nguyên nhân được chỉ là hàng loạt những chung cư cao tầng mọc lên xung quanh tuyến đường này.

Khi giao thông và quy hoạch không cùng một hướng thì bất cập là điều dễ hiểu và người dân chính là đối tượng phải gánh chịu đầu tiên.

Đã có những kế hoạch về việc hạn chế dân cư trong nội đô. Đã có những giải pháp về việc phải đưa các trường đại học về ngoại ô. Đã có những ý tưởng về việc rời các cơ quan, bộ ngành ra khỏi trung tâm Hà Nội. Đã có những quyết định về việc dời những cơ sở sản xuất ô nhiễm ra xa khu đông dân cư. Nhưng các kế hoạch đó đều dở dang, chậm chạp và hậu quả là trung tâm Hà Nội vẫn là thỏi nam châm thu hút hàng triệu người mỗi ngày.

Nếu đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh được coi là "bảo tàng" thất bại trong quản trị thì Hà Nội có bao nhiêu “bảo tàng” về thất bại trong quy hoạch?

Đổ lỗi cho trời mưa, đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông ở những thời điểm giao thông thành phố gần như tê liệt hoàn toàn như buổi sáng 10.9, là một sai lầm.

Nếu những lỗ hổng trong quy hoạch không được bịt lại thì những nghịch cảnh về "bảo tàng" thất bại vẫn diễn ra, như thách thức, mỗi ngày.

Theo Linh Anh/Báo Lao động

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều