Nhà công vụ của Công an Thành phố Hà Nội nằm phơi mưa phơi nắng gần 10 năm mà chưa đi vào hoàn thiện.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo điện tử Xây dựng được biết, ngày 4/01/2010, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-BCA-H11 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà công vụ thuộc Công an Thành phố Hà Nội. Theo đó, Chủ đầu tư của dự án này là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, địa điểm tại số 1-1A Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Theo đó, mục tiêu đầu tư của dự án nhằm đảm bảo nơi đón tiếp, phục vụ nghỉ ngơi cho cán bộ cảnh sát (CBCS), Công an các huyện ngoại thành và Công an các địa phương về Hà Nội công tác, tập huấn, dự hội nghị, hội thảo. Tổ chức hội nghị, hội thảo, học tập, tập huấn tập trung CBCS Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an.
Quy mô đầu tư xây dựng Nhà công vụ 150 giường, công trình có diện tích sàn 8.506 m2. Kiến trúc Nhà cấp II, gồm 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, 01 tầng kỹ thuật và tầng mái, chiều cao công trình là 57,4 m (chưa tính buồng kỹ thuật thang máy cao 2,7 m). Dự án có tổng mức đầu tư trên 105 tỷ đồng (trong đó có hơn 30 tỷ đồng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước) và được khởi công xây dựng năm 2010.
Nằm tại vị trí “đất vàng” của quận Tây Hồ nhưng đã gần một thập kỷ trôi qua khối bê tông khổng lồ này vẫn gồng mình chống chọi mưa nắng khiến ai nhìn thấy cũng phải xót xa.
Tiếp tục tìm hiểu được biết, công trình này do Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) là nhà thầu thi công xây lắp. Tuy nhiên, sau khi thi công xong 16 tầng phần nổi, công trình đã dừng hoạt động và “đắp chiếu” từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Văn Huy, một người dân sống lâu năm tại khu vực này cho biết: “Dự án được giải phóng mặt bằng từ năm 2008 nhưng sau đó không hiểu vì sao đã bị bỏ hoang, đến nay cũng đã gần 10 năm rồi. Điều này không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư của thành phố, mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống quanh khu vực. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị trong cuộc họp cử tri và gửi đơn lên chính quyền thành phố nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết”.
Ông Nguyễn Văn Huy, một người dân sống lâu năm tại khu vực này chia sẻ với phóng viên.
Nhiều hộ dân sống quanh khu vực cũng chia sẻ, có thời gian công trình này còn xảy ra hiện tựơng vỡ ống nước sạch làm cho nước chảy lênh láng tràn ra cả lòng đường, cống rãnh bốc mùi hôi thối rất mất vệ sinh. Công trình không có bảo vệ trông coi, rác thải, vật liệu xây dựng được đổ tràn lan khiến bà con không có chỗ để xe.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Lan - người dân sống gần dự án cho biết: Nơi đây còn là “địa điểm” của những tệ nạn xã hội, trở thành tụ điểm cho các đối tượng nghiện ngập đến tiêm chích. Người dân chúng tôi cũng nhiều lần có ý kiến để chủ đầu tư công trình sớm hoàn thiện nhưng gần 10 năm nay công trình vẫn cứ “đắp chiếu”.
Làm việc với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết: “Công trình Nhà công vụ của Công an thành phố Hà Nội được khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 2010, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện. Trong quá trình quản lý tại địa phương chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản ánh của bà con nhân dân”.
Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Trao đổi về những bất cập từ công trình, ông Hoàng Xuân Sáng cũng thừa nhận: “Những bất cập của công trình này gây ra đó là vấn đề trật tự đô thị, hệ thống cấp thoát nước, phòng chống dịch bệnh... Năm 2017, khi dịch sốt xuất huyết lây lan khó lường trên toàn thành phố, vị trí này cũng trở thành mối lo ngại lớn. Mỗi mùa mưa bão, chúng tôi đều có văn bản gửi sang đề nghị cơ quan chủ khoản kiểm tra các phần đà giáo vì đã để quá lâu, mưa gió hoen gỉ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, chính điều này cũng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý”.
Ông Sáng cũng cho biết: Đây là công trình mà Bộ Công an đã giao cho Công an thành phố Hà Nội tiến hành xây dựng nên những nội dung liên quan cũng như nguyên nhân công trình bị bỏ hoang, mãi chưa hoàn thành thì chính quyền phường cũng không nắm hết được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, yêu cầu nhanh chóng cho hoàn thiện công trình nhằm tạo điểm nhấn cho phường Yên Phụ, vì đây là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế khu vực. Hàng năm, chúng tôi vẫn gửi văn bản đến các cấp nhằm đảm an toàn trong mùa mưa bão, tránh những sự cố bất chắc.
Việc để một công trình xây dựng có giá trị đầu tư lớn hàng thập kỷ mà không được đưa vào sử dụng đã gây lãng phí tài sản của xã hội và thiệt hại ngân sách Nhà nước. Việc dư luận trong nhân dân bức xúc trước một công trình “khủng” nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm là hoàn toàn có cơ sở, bởi hàng trăm tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân đang bị “bỏ rơi”. Mặc dù chủ trương tiết kiệm trong đầu tư xây dựng, tiết kiệm đầu tư công của Chính phủ, của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn, nhưng với “kiểu đầu tư” công trình như thế này, thì chủ trương tiết kiệm của Chính phủ, của Quốc hội không biết bao giờ mới được thực hiện nghiêm túc.
Theo Việt Khoa – Quang Dương/Báo Xây dựng