Hành trình 27 năm chống tiêu cực trong ngành dầu khí

Là một trong số rất ít người dũng cảm tố cáo hàng loạt tiêu cực động trời của ngành dầu khí, trong đó có những tố cáo trực tiếp nhắm thẳng vào cá nhân ông Đinh La Thăng – khi đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia VIệt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh... cùng một số cán bộ lãnh đạo trong ngành, cái giá phải trả của kỹ sư Đỗ Văn Hải lại không hề rẻ.

  Kỹ sư Đỗ Văn Hải tại một công trình của ngành dầu khí do ông giám sát thi công vào năm 2008. (Ảnh: NVCC)

LTS: Công tác đấu tranh chống tham nhũng luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, nhằm làm trong sạch đội ngũ của Đảng, chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Công cuộc này do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng khởi xướng và chỉ đạo thực hiện đang làm lan tỏa mạnh mẽ niềm tin của Nhân dân đối với cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm của Đảng, Nhà nước.

Hòa vào không khí chung đó, có một người suốt 27 năm qua đã bền bỉ đấu tranh chống lại những tiêu cực, tham nhũng trong ngành dầu khí. Cho đến nay, hầu hết những tố cáo của ông về hàng loạt sai phạm động trời trong ngành này đã và đang dần được các cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh là có cơ sở.

Nhưng trớ trêu thay, chính ông vẫn phải chịu một bản án suốt nhiều năm qua… Với ông, cuộc chiến chống tiêu cực cũng là cuộc chiến đòi lại sự trong sạch, lấy lại danh dự cho bản thân. Ông là Đỗ Văn Hải, một kỹ sư đang làm việc tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Dân Việt xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Hành trình 27 năm chống tiêu cực trong ngành dầu khí" nói về cuộc hành trình gian khổ, đầy thử thách, có lúc phải trả giá rất đắt của kỹ sư Đỗ Văn Hải khi đương đầu với một thế lực vô cùng lớn mạnh. Nhưng thật đẹp khi cuối cùng, câu chuyện cũng đang dần đi tới một cái kết có hậu.

Bài 1: Vướng vòng lao lý sau khi tố cáo tiêu cực

Là một trong số rất ít người dũng cảm tố cáo hàng loạt tiêu cực động trời của ngành dầu khí từ gần 30 năm trước, trong đó có những tố cáo trực tiếp nhắm thẳng vào cá nhân ông Đinh La Thăng – khi đó là Chủ tịch HĐTV của PVN, Trịnh Xuân Thanh cùng nhiều cán bộ cấp cao của ngành này, nhưng chính ông Hải lại là người phải trả giá rất đắt khi bị vướng vòng lao lý...

Sáng đó, vẫn cái dáng đi khuỳnh khoàng nặng nề, nhưng gương mặt hồ hởi khác hẳn mọi khi, Đỗ Văn Hải bước tới chỗ chúng tôi, xòe ra tờ giấy A4 gập đôi và nói dõng dạc, như thể một quân nhân vừa trở về nhà sau một trận đánh lớn với chiến thắng, "Đây, các cậu xem đi!".

Biết chắc có điều gì đó quan trọng, chúng tôi liền cầm ngay lấy tờ giấy lên. Giấy mời đề ngày gửi 28.5.2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, do Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp Nguyễn Kim Sáu, thừa lệnh Viện trưởng Viện KSNDTC ký, có nội dung: 

... Xét nội dung đơn đề nghị của ông về việc: Đề nghị hủy Quyết định đình chỉ số 01/VKSTC-V1A ngày 20.12.2011 của VKSND Tối cao, phục hồi danh dự và đền bù quyền lợi về tinh thần cũng như vật chất cho ông theo quy định của pháp luật.

Viện KSNDTC mời ông đúng 14h ngày 31.5.2018 (thứ năm), đến trụ sở VKSNDTC (số 44 Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Lãnh đạo VKSNDTC tổ chức tiếp và đối thoại về nội dung nêu trong đơn đề nghị của ông.

Không cần nói thêm nhiều, chúng tôi cũng hiểu được tâm trạng của Đỗ Văn Hải lúc này. Ông đã chờ đợi giây phút này ròng rã suốt 6 năm nay. Câu chuyện về "hành trình cam go và khốc liệt chống tiêu cực trong ngành dầu khí" của kỹ sư Đỗ Văn Hải lại hiện ra trong đầu chúng tôi. Rõ mồn một...

Tố cáo sai phạm của ông Đinh La Thăng từ 2010

Tại các phiên xét xử mới đây tại hai vụ án Cố ý làm trái tại PVN và vụ án làm thất thoát 800 tỷ đồng tại OceanBank, ông Đinh La Thăng – trong vai trò bị cáo của cả hai vụ án - cũng đã thừa nhận với Hội đồng xét xử rằng, nếu những sai phạm của ông được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, có thể sẽ không xảy ra hậu quả như ngày hôm nay.

Trước đó, vào ngày 8.12.2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam ông Đinh La Thăng do liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra. Đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) và vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại PVC và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.

 

Ông Đỗ Văn Hải đã có đơn tố cáo, phanh phui những tiêu cực, sai phạm của ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ ngành dầu khí từ những năm 2010. Hiện nay, nhiều vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo PVN ông Hải từng tố cáo đã bị xét xử. (Ảnh: IT)

Điều đáng chú ý, đây cũng chính là những vấn đề đã từng được kỹ sư Đỗ Văn Hải lên tiếng “cảnh báo” từ những năm 2010 tới các cơ quan chức năng, có nghĩa là 7 năm trước khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Khi mà ông Đinh La Thăng đang thẳng băng trên con đường vươn tới đỉnh cao quyền lực.

Cụ thể, trong hai năm 2010-2011, ông Đỗ Văn Hải đã viết nhiều đơn tố cáo về những sai phạm của ông Thăng (không ký tên). Sau đó gửi những lá đơn này qua hòm thư điện tử (email) tới các cơ quan bảo vệ pháp luật, những người có trách nhiệm và báo giới với mục đích cung cấp thông tin về những sai phạm của ông Đinh La Thăng để các cơ quan, tổ chức này tiếp tục điều tra, làm rõ…

Chắc hẳn khi đọc đến đây, bạn đọc sẽ đặt câu hỏi, trong lá thư điện tử năm ấy gửi đi những cơ quan bảo vệ pháp luật, ông Đỗ Văn Hải đã tố cáo những nội dung gì?

Xin trả lời luôn: Trong lá đơn đó, xin nhắc lại là từ những năm 2010 – 2011, ông Hải đã chỉ đích danh: Chúng tôi - những người yêu nước, yêu Đảng xin báo cáo với các ông về nhân thân ông Đinh La Thăng - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như sau: Liên quan đến tham nhũng và chạy án, thời kỳ làm việc ở Sông Đà, ông Thăng đã chỉ đạo thanh lý các thiết bị cho đơn vị bên ngoài với giá rẻ. Bắt các đơn vị trong Tổng Công ty phải mua sắt thép, xăng dầu với giá cao của Công ty do em trai là Đinh Mạnh Thắng làm Giám đốc.

Khi làm việc ở Dầu khí, ông Thăng đã thành lập các đường dây tham nhũng ở các đơn vị như: Tổng Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC)… bằng cách bổ nhiệm “chân tay” thân tín vào tất cả các vị trí chủ chốt...”.

 

Ông Đinh La Thăng – trong vai trò bị cáo của cả hai vụ án - cũng đã thừa nhận với Cơ quan điều tra: Nếu những sai phạm của ông được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, có thể sẽ không xảy ra hậu quả như ngày hôm nay (Ảnh: IT)

Trong đơn ông Hải cũng cho biết, thời điểm đó công an cũng đang điều tra vụ mua bán cổ phiếu giữa Công ty 1.5 và Công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí, thực chất là mua bán dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng, Hà Nội, gây thiệt hại 87 tỷ đồng. Ông Thăng trực tiếp chỉ đạo vụ mua bán này. Có 14 người cùng tham gia…, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh- Chủ tịch HĐQT PVC và ông Vũ Đức Thuận-Tổng Giám đốc PVC”…

Tiếp đó, đến năm 2013, ông Hải tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng và cho rằng “đến ngày hôm nay, một số nội dung tôi tố cáo là đúng sự thật”.

Về công tác cán bộ, ông Hải đã chỉ ra: Do PVC lỗ trên 1.400 tỷ đồng (đến nay là trên 1.800 tỷ đồng), hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu Ngân hàng chưa trả được nên các ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT PVC và ông Vũ Đức Thuận – Tổng Giám đốc PVC bị Tập đoàn Dầu khí miễn nhiệm.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận có sai phạm hàng nghìn tỷ đồng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Sau đó, Cơ quan Điều tra đã khởi tố hai vụ án tham nhũng ở Tổng công ty PVC.

Cảnh báo nóng về công tác cán bộ ngành dầu khí

Ngoài tố cáo tham nhũng, trong những lá đơn gửi từ các năm 2010, 2011, ông Đỗ Văn Hải còn đưa ra những “cảnh báo nóng” về công tác cán bộ ngành dầu khí.

Cụ thể ông Hải viết trong đơn: “Công tác cán bộ ở ngành dầu khí rất lộn xộn, nhiều lãnh đạo các đơn vị như những “con rối” trong tay ông Đinh La Thăng, ai trái lệnh đều bị chuyển đi không theo một quy định nào. Lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Thăng đã bổ nhiệm những người dốt nát, bằng giả, đạo đức kém, tham nhũng vào các vị trí chủ chốt”.

Trong đơn, ông Hải cũng chỉ đích danh: Cụ thể như Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản Trị PVC đang sử dụng tấm bằng Đại học Kiến trúc giả. Trịnh Xuân Thanh có học Đại học Kiến trúc, tuy nhiên khi đến năm thứ 3 thì bỏ dở và đi lao động xuất khẩu tại Cộng hòa liên bang Đức. Tuy nhiên, hiện tại Trịnh Xuân Thanh vẫn có bằng đại học đúng năm ra trường… Chính thức là Thanh chưa từng tốt nghiệp đại học. (Nội dung này Dân Việt đã từng có loạt bài phản ánh - NV)

Một nhân vật cũng xuất hiện trong đơn của ông Đỗ Văn Hải từ năm 2010 là Vũ Đức Thuận. Ông Đỗ Văn Hải cũng chỉ ra: Ngày 24.10.2008, báo chí đưa tin một công ty có 2 Tổng giám đốc, đó là công ty Khu đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).

Nhân vật chính ở đây là ông Vũ Đức Thuận. Do có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế làm thất thoát tài sản, có quan hệ bất chính với đồng nghiệp nữ và với xã hội đen, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ nên Hội đồng quản trị Sudico đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc công ty.

Tuy nhiên, ông Thuận không những không chấp nhận thôi chức mà còn chỉ đạo đệ tử giữ dấu chức danh không trả, dẫn đến Công ty Sudico phải đề nghị công an huyện Từ Liêm can thiệp. Với những sai phạm trên đúng ra Thuận đã bị khởi tố. Tuy nhiên một năm sau Thuận được tiếp nhận vào ngành dầu khí và được bổ nhiệm làm Tổng giám Đốc PVC (?)…

 

Mặc dù là một trong số ít người dũng cảm đứng lên tố cáo tiêu cực trong ngành Dầu khí nhưng ông Đỗ Văn Hải sau đó đã vướng vào vòng lao lý. (Ảnh: Đỗ Hà Minh Tuấn)

Tuy nhiên, đáng tiếc là những cảnh báo đó của ông Đỗ Văn Hải đã không những không được xem xét một cách nghiêm túc mà chính bản thông ông lại bị khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng.

“Ở thời điểm đó, tôi là người đứng lên tố cáo ông Đinh La Thăng và các cán bộ cấp cao khác trong ngành dầu khí. Nếu như các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý kịp thời ngay lúc đó thì đã hạn chế được thất thoát, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước”, ông Hải xót xa nói.

Vướng vòng lao lý

Ngày 3.6.2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định số 631 khởi tố bị can đối với ông Đỗ Văn Hải đã có hành vi "Đưa thông tin lên mạng Internet có nội dung nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, không đúng sự thật làm mất uy tín với người khác, căn cứ theo điều 34 và Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Quyết định khởi tố về tội: Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân, quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự. Cũng trong ngày 3.6 ấy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố và lệnh tạm giam đối với bị can Đỗ Văn Hải, thời gian tạm giam là 2 tháng 21 ngày, kể từ ngày 6.6.2011.

Ông Đỗ Văn Hải (SN 1960) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. ĐỗĐại học với điểm số cao,ông Hải được Nhà nước gửi đi học tạiĐại học Xây dựng Kiev (Ucraina). Về nước, ôngHải tham gia vào hàng loạt các dự án quan trọng của nhà nước như: Thủy điện Hòa Bình, dầu khí Vũng Tầu, Dung Quất... Quá trình đấu tranh chống tiêu cực của ông Hải bắt đầu từnăm 1991, khi ông tố cáo cán bộtổ chức của Vietsovpetro ăn hối lộtừ 5-7 cây vàng cho 1 suấtlàm việc ở Vietsovpetro. Tiếp đó ông phanh phuihàng loạt vụ việc tiêu cực động trời khác. Đến nay, ông Hải đã27 năm bền bỉ đấu tranh vớitiêu cực trong ngành dầu khí.

Tuy nhiên, tới ngày 20.12.2011, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lại có Quyết định 01 về việc đình chỉ vụ án đối với bị can Đỗ Văn Hải. Theo quyết định này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) cho rằng, từ ngày 14.11.2010 đến ngày 25.5.2011 Đỗ Văn Hải có hành vi sử dụng mạng internet tạo lập hòm thư có địa chỉ caybanglado2010@gmail.com và mật khẩu là dongkysot.

Từ địa chỉ trên Hải viết 57 bài và phát tán đến trên 500 địa chỉ email (thư điện tử). Các bài viết có nội dung vu cáo ông Đinh La Thăng (nguyên là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và một số cán bộ của ngành dầu khí có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của đơn vị, xúc phạm danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của một số cá nhân.

Nhưng Viện KSNDTC xét thấy, “hành vi của bị can Đỗ Văn Hải đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 258 Bộ Luật hình sự.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị can Đỗ Văn Hải đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức rõ được hành vi phạm tội của mình; bị can phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, chưa có tiền án, tiền sự nhất thời phạm tội”.

Căn cứ khoản 1, Điều 25 Bộ luật Hình sự, Viện KSNDTC ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Đỗ Văn Hải và “yêu cầu Trung tâm Tư vấn Thiết kế và ứng dụng kỹ thuật thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) xem xét kỷ luật hành chính đối với Đỗ Văn Hải và phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp trong thời gian Đỗ Văn Hải là bị can bị tạm đình chỉ”.

Cho rằng việc mình bị bắt tạm giam là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu của việc trù dập người tố cáo tiêu cực, tham nhũng, suốt từ năm 2011 tới nay, ông Hải đã bền bỉ đi gõ khắp các cửa, tìm đến các cấp những mong đòi lại “công lý” cho mình, lấy lại sự trong sạch cho bản thân.

Đơn thư của ông Đỗ Văn Hải đã được gửi đi nhiều nơi, thậm chí tới cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, gửi cho nhiều đoàn đại biểu Quốc hội, cùng với mục đích đòi lại danh dự cho bản thân và gia đình.

Trong lá đơn gần đây nhất mà ông Hải gửi tới báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt, ông Hải viết đã ngắn gọn hơn rất nhiều. Ông chỉ yêu cầu làm rõ vụ oan sai của ông, xử lý những cán bộ đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn, bắt và giam giữ người trái pháp luật”.

Đồng thời ông cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền hủy bản án khởi tố, tạm giam và phục hồi danh dự, đền bù quyền lợi về vật chất và tinh thần cho bản thân ông theo quy định của pháp luật.

Sau gần 120 ngày bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến 2 vụ đại án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng, với vai trò là nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, đã lần lượt phải lĩnh 2 bản án với thời hạn 13 năm tù và 18 năm tù. Tuy nhiên, ông Thăng đã kháng án và chờ phiên xử phúc thẩm cả hai bản án này.

(Còn nữa)

Theo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều