Kênh rạch đen ngòm quanh các khu, cụm công nghiệp ở vùng ranh Long An

Một số dòng kênh, rạch chảy quanh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa những năm qua đang chịu nhiều tác động ô nhiễm. Có những điểm kênh, rạch nước đen ngòm, nổi váng dầu, có đoạn đặc lại bốc mùi hôi, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Những dòng kênh đen đặc

Mấy năm qua, người dân sinh sống dọc theo tuyến kênh Ranh, giáp ranh giữa xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm ở dòng kênh này.

 Mặt nước đen ngòm trên một số tuyến kênh, rạch ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Ảnh: An Long
Theo anh Lê Văn Tâm (ngụ ấp 5, xã Đức Hòa Đông), trước đây khi địa phương chưa phát triển công nghiệp, dòng kênh này tương đối sạch sẽ nhưng từ khi các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Long An và TPHCM hình thành, dòng kênh này bắt đầu bị ô nhiễm thấy rõ. Mấy năm gần đây, quan sát bằng mắt thường cũng thấy nước ở kênh này màu nâu, đen, nhiều bọt, đặc biệt những lúc nước ròng mức độ ô nhiễm càng thấy rõ và mùi hôi rất khó chịu.

Tương tự, những năm qua, người dân cũng phản ánh kênh An Hạ, dòng kênh lớn xuyên qua địa bàn 2 xã Đức Hòa Hạ và Hựu Thạnh (nối với sông Vàm Cỏ Đông) cũng bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, cho biết: “Trước đây, nước ở dòng kênh này bình thường nhưng từ khi hình thành 2 khu công nghiệp lớn trên địa bàn với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động thì dòng kênh này cũng bắt đầu ô nhiễm. Người dân rất lo lắng, bức xúc và phản ánh rất nhiều lần với cơ quan chức năng”.

Mặt nước đen ngòm trên một số tuyến kênh, rạch ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Ảnh: An Long
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, gần đây đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Hòa tiến hành khảo sát, lấy mẫu nước mặt phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm tại các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Đức Hòa như: Kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, kênh T1, kênh Ranh,…

Kết quả ghi nhận các tuyến kênh rạch trên địa bàn huyện Đức Hòa tiếp nhận nước thải từ hoạt động công nghiệp, khu dân cư, nhà trọ, chợ,… đã và đang bị ô nhiễm (nước màu nâu, đen nhạt, nhiều cặn lơ lửng, bọt trắng,…).

Kết quả quan trắc từ tháng 2.2021 đến tháng 8.2021 so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A2 thì chất lượng nước một số tuyến kênh, rạch ở Đức Hòa còn bị ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng khá cao. Như kênh An Hạ, các thông số BOD5, COD vượt quy chuẩn 2 lần trở lên, đặc biệt thông số Amoni, Nitrit vượt quy chuẩn từ 2 đến 10 lần tùy theo từng đợt quan trắc.

Không để gây ô nhiễm kéo dài

Về vấn đề ô nhiễm tại Kênh Ranh, An Hạ, Thầy Cai, T1... ở địa bàn huyện Đức Hòa các cấp, các ngành cũng nhận được nhiều phản ánh từ người dân. Qua đó, người dân kiến nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra, đánh giá về tình hình ô nhiễm và truy tìm chính xác, cụ thể nguồn gây ô nhiễm, mức độ gây ô nhiễm và có những giải pháp, hình thức xử lý căn cơ, không để mức độ ô nhiễm ở các tuyến kênh thêm trầm trọng.

Từ những kiến nghị, phản ánh của cử tri, UBND tỉnh Long An chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp đang hoạt động có xả thải ra các tuyến kênh, rạch này. Trong đó, chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lưu lượng nước thải lớn. Nếu phát hiện những doanh nghiệp xả thải ra ngoài mà chưa qua xử lý, chưa xử lý bảo đảm theo quy định thì kiên quyết xử lý nghiêm.

 Mặt nước đen ngòm trên một số tuyến kênh, rạch ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Ảnh: An Long
UBND tỉnh Long An cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu dân cư phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi thông tin với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về tình hình thực trạng chất lượng nguồn nước ở vùng giáp ranh, thông tin về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên các tuyến kênh tiếp giáp với hai địa phương như kênh Thầy Cai, kênh Ranh.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đức Hòa thống kê toàn bộ các hộ dân trên địa bàn các xã có thải nước thải sinh hoạt vào các kênh rạch để làm cơ sở tính toán lưu lượng xả thải và đánh giá mức độ gây ô nhiễm kênh do nước thải sinh hoạt tác động. Từ đó, có những giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ xả thải sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm, để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời những tuyến kênh, rạch, sông, sở đã thực hiện quan trắc kiểm tra chất lượng nước mặt ở nhiều vị trí khác nhau. Đồng thời, yêu cầu các khu, cụm công nghiệp tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối và truyền dữ liệu 24/24 giờ về sở để theo dõi, giám sát, kiểm tra.

Theo AN LONG/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều