Không thể đem học sinh làm chuột bạch

Vì sao chúng ta liên tục cải cách giáo dục mà dường như vẫn chưa tìm ra lối thoát? Tầm nhìn của cải cách như thế nào mà sớm phải thay đổi đến vậy?
Những hạt sạn trong bộ sách Cánh Diều, thời gian qua, trên khắp mạng xã hội, các báo chí chính thống đề cập rất nhiều, với nhiều quan điểm khác nhau. Chính phủ đã chỉ đạo phải sửa chữa bộ sách, nhưng chưa ai tính đếm được hết những thiệt hại mà học sinh và giáo viên phải chịu trong thời gian qua, từ việc "chạy đuổi" chương trình mới đến những sức ép tâm lý nặng nề xung quanh bộ sách.
Nhìn rộng hơn, các câu hỏi đặt ra lúc này là: Vì sao chúng ta liên tục cải cách trong giáo dục mà dường như vẫn chưa tìm ra lối thoát? Tầm nhìn của cải cách như thế nào mà sớm phải thay đổi đến vậy? Đặc biệt, vì sao Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thực nghiệm tới 40 năm, trong khi có chương trình cải cách lần này, thực nghiệm chưa đầy năm, chưa đủ rộng đã được đem ra sử dụng đại trà? Hội đồng thẩm định có quyền hạn đến đâu mà những ý kiến của họ không được tuân thủ?... Và đằng sau tất cả nội dung trên liệu có gì uẩn khuất phía sau không? 

Nói về phản ứng mạnh mẽ, trái chiều của dư luận, chắc chắn các lần thay đổi, cải cách của Bộ GDĐT không thể so sánh với bộ sách Công nghệ giáo dục của GS, TSKH Hồ Ngọc Đại. Bởi, GS Đại đưa ra chương trình quá khác biệt so với những bộ SGK lúc đó, từ ngay cách đánh vần của học sinh lớp 1 đến quan điểm giáo dục.

Trong khoảng 40 năm tồn tại của mình, chương trình này chưa lúc nào ngừng gây tranh cãi, nhiều khi rất gay gắt, nhưng đáng chú ý là, nó ngày càng phủ rộng hơn, đến 48 tỉnh thành phố. Nhưng dù vậy, nó vẫn chỉ là ... thực nghiệm.

Đùng một cái, chương trình thực nghiệm sớm bị loại khỏi vòng đua vào chương trình cải cách mới lần này. Dù rằng, từ năm 2006 đến nay, chương trình Công nghệ giáo dục đã được Bộ GD-ĐT đưa trở lại với vai trò là giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn, cứu vãn tình trạng sa sút về chất lượng dạy học tiếng Việt; mặc cho nhiều người đã thành danh, nổi tiếng trên thế giới từng học chương trình của GS Đại đã ca ngợi, ủng hộ hết lời.

Trong bài, chúng tôi không dám lạm bàn đúng sai về chương trình của GS Đại, nhưng một câu hỏi cần đặt ra, vì sao trong hàng chục năm trời đó, Bộ GD&ĐT để chương trình này mãi là thực nghiệm? Vì lẽ gì mà không thể sớm kết luận "đúng sai"?

Sách Tiếng Việt trong bộ Cánh Diều đang gây nhiều tranh cãi.

Cải cách lần này, do đại dịch Covid-19, việc thực nghiệm đã bị thu hẹp cả về quy mô cũng như thời gian, khiến "sạn" còn nhiều cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chương trình này có cấp bách tới mức buộc phải đưa vào giảng dạy ngay niên khóa 2020 -2021, dù quá trình thực nghiệm chưa được đủ rộng, đủ sâu?

Nếu so sánh, một chương trình thực nghiệm cho bộ sách Công nghệ giáo dục dài trên 40 năm và chương trình cải cách lớn đang thực hiện cho thấy, về mặt tổng quan, có cái gì đó rất không ổn và thiếu công bằng? 

Nhìn lại quá trình cải cách, mỗi lần là một tham vọng, chỉ riêng thay đổi toàn bộ SGK, trung bình 20 năm một lần. Vấn đề đặt ra, khoa học thay đổi nhanh chóng, việc học cũng phải thay đổi, nhưng có cần phải thay đổi toàn bộ SGK hay không. Bởi nhiều môn như Toán, Sinh, Hóa, Lý, Sử, Địa có cần phải cải cách hay chỉ cần sửa chữa, cập nhật thêm?

Và vì sao dư luận chỉ lên tiếng về những lỗi của bộ sách Cánh Diều, mà chưa thấy ồn ào những hạt sạn của những bộ sách khác? Liệu có không một "chiến dịch bẩn" nhằm cạnh tranh không lành mạnh với bộ sách Cánh Diều như một số ý kiến đưa ra? Đáng chú ý, trong 5 bộ sách được phép phát hành, thì hai bộ sách được lựa chọn nhiều nhất chênh nhau cũng không nhiều: 32% (bộ sách Cánh Diều) và 28% (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Riêng tôi tin rằng, nếu có những ai muốn làm chuyện "bẩn" này cũng không dễ, bởi mạng xã hội là diễn đàn công khai, minh bạch và các chuyên gia, các bậc phụ huynh đủ thông minh để không dễ mắc vào vòng xoáy của bất cứ "thế lực" nào.

Đồng thời, tại sao ý kiến của Hội đồng thẩm định góp ý cho bộ sách Cánh Diều, cơ bản giống những nội dung mà dư luận phê phán, lại không được nhóm biên soạn tiếp thu. Tất nhiên, những người làm bộ sách này có quyền bảo lưu quan điểm, cũng như nhóm của GS Đại đã bảo lưu quan điểm của mình để rồi buộc phải rời cuộc chơi. Đáng lưu ý là, sau khi được cộng đồng xã hội, các chuyên gia phân tích, song các tác giả bộ sách Cánh Diều vẫn còn bao biện, cho đến khi Chính phủ, Bộ GD ĐT yêu cầu sửa.

Do đó, vai trò, quyền hạn của Hội đồng thẩm định đến đâu khi ý kiến của mình không được tiếp thu, hoặc có không sự nể nang, né tránh lẫn nhau?

Mặt khác, có nên không khi một vị giáo sư vừa là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới vừa đứng vai chủ biên bộ sách Cánh Diều, bởi như vậy sẽ rất khó phán xét công minh giữa các bộ sách phải cạnh tranh với nhau khi vào vòng đua. Nay bộ sách của vị này lại nhiều lỗi nhất (đến thời điểm này), khiến dư luận có quyền nghi ngại, lo lắng.

Những lần cải cách giáo dục chính

+ Năm 1981: Hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình sách giáo khoa và cải tiến chữ viết. Dư luận xã hội phản ứng mạnh vì bị cho là quá tải và ngành giáo dục dần quay lại chữ viết cũ.

+ Năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông lại được đổi mới, kéo theo việc thay đổi toàn bộ sách giáo khoa cho khối phổ thông.

+ Năm 2020 lại tiếp tục thay đổi.

+ Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn giáo dục Việt Nam áp dụng đại trà chương trình phân ban. Tuy nhiên có rất nhiều bất hợp lý và bị coi là một lãng phí lớn và thất bại. Tới năm 2014, chương trình phân ban đã hoàn toàn chấm dứt.

+ Ngoài ra, Bộ GD & ĐT cũng nhiều lần thay đổi phương thức thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học; Thậm chí cả phong trào hai không: "nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích" được dư luận ủng hộ cũng chết yểu chỉ bởi lãnh đạo một số tỉnh không thể chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp quá thấp.

Theo Vương Hà/Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều