Lãnh đạo Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc quận Hoàn Kiếm xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng

(Mặt trận) - Liên quan đến hàng loạt vụ việc vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Thế Hùng đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm xử lý nghiêm hành vi, công trình vi phạm, đồng thời giao Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của UBND quận Hoàn Kiếm.

Cụ thể, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3529/VP-ĐT ngày 17/5/2018 truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý vụ việc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được báo chí phản ánh. Nội dung văn bản nêu rõ:

“Ngày 23/4/2018, Tạp chí Mặt trận có văn bản số 74/CV-TCMT đề nghị xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh (liên quan đến các vụ việc tại số 21-23 Hàng Bạc; phòng 320 Khu tập thể 20 Lê Thánh Tông; số 13B Khu tập thể 12A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã).

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố có ý kiến như sau:

1. Yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi, công trình vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và thông tin đến cơ quan báo chí theo quy định.

2. Giao Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc UBND quận Hoàn Kiếm triển khai; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 5/2018.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền xử lý, Sở Xây dựng đề xuất biện pháp chỉ đạo giải quyết, báo cáo UBND Thành phố.

Văn phòng UBND Thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố để các đơn vị biết và phối hợp triển khai theo quy định”

Trước đó, Tạp chí Mặt trận đã có bài viết “Hệ lụy từ buông lỏng quản lý văn minh đô thị tại quận Hoàn Kiếm: Giải pháp xử lý triệt để các vụ vi phạm trật tự xây dựng” phản ánh tình trạng hàng loạt công trình sai phép, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận khiến bức tranh đô thị của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trở nên méo mó, biến dạng.

Thông báo tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng do ông Hoàng Thạch Tâm - Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc ký ban hành nhưng không được thực thi triệt để.

Cụ thể, tại địa chỉ số nhà 23 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vụ việc sai phạm xây dựng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà, đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào. Thế nhưng không hiểu sao, công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại khiến gia đình ông Phạm Đình Đông (trú tại tầng 1 số nhà 23 Hàng Bạc) vô cùng lo lắng và bức xúc.

Ông Đông cho biết, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trung và bà Trần Thị Quỳnh sinh sống tại tầng 2 số nhà 23 Hàng Bạc trước đây đã từng tự ý xây dựng cơi nới tầng 3 diện tích khoảng 60m2 lấn chiếm khoảng không và diện tích sân chung của nhà số 21-23 Hàng Bạc với chiều cao 3m.  

Từ diện tích lấn chiếm này, ngày 2/4/2017 gia đình ông Trung tiếp tục cơi nới tầng 3 và xây thêm tầng 4 cao 4m... ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của tầng 1 nơi mà gia đình ông đang sinh sống và có nguy cơ sập nhà bất cứ lúc nào.

Ngay cả khi có chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc và các đơn vị liên quan tổ chức cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng đối với hộ ông Nguyễn Đức Trung và bà Trần Thị Quỳnh theo đúng quy định, xong trước ngày 31/12/2017 và báo cáo UBND thành phố Hà Nội.

Sai phạm nhức nhối dẫn đến đơn thư khiếu kiện kéo dài, thế nhưng đã quá thời hạn theo “tối hậu thư” của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, công trình vẫn chưa được tháo dỡ đúng quy định của pháp luật.

Các công trình nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều các vụ vi phạm trật tự xây dựng nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Hầu hết các công trình này có điểm chung là đều được lực lượng Thanh tra Xây dựng thiết lập biên bản, hồ sơ sai phạm nhưng chính quyền địa phương xử lý hời hợt theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa”, ra văn bản xử lý xong rồi loanh để đấy, quyết định cưỡng chế ban hành cất “cất tủ”.

Tại Hà Nội, không một kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố chất vấn về vấn đến quản lý trật tự xây dựng trở nên “nguội lạnh”. Trong kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng khẳng định, hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã rất đầy đủ, cụ thể là Luật Xây dựng, Nghị định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thành phố cũng có những quy định rất rõ ràng. Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào.

Trong quy định cũng thể hiện rất rõ về thẩm quyền và trách nhiệm. Nếu nói rằng, Thành ủy, HĐND, UBND không chỉ đạo quyết liệt thì không đúng. Chỉ thị Thành ủy đã có, chỉ một bài báo đăng thôi, UBND thành phố đã lập tức có chỉ đạo xuống các đơn vị, các địa phương yêu cầu xử lý, chứ không có chuyện là để đấy, thậm chí, chỉ nghe tin nhắn của nhân dân, UBND thành phố đều có chỉ đạo trực tiếp, có trường hợp chuyển lại tin nhắn cho lãnh đạo các địa phương” - ông Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói về thực trạng và giải pháp quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội. (Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội).

“Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu, chính quyền cơ sở thế nào, lực lượng thanh tra xây dựng như thế nào thì đều đã được quy định rõ. Tôi nhận thấy rằng, để làm tốt quản lý công tác trật tự xây dựng, thì các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… cũng đều phải vào cuộc, tham mưu thành phố. Vấn đề, chất lượng bộ máy quản lý, chất lượng cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của bộ phận tham mưu với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm. Chắc chắn chất lượng chưa đạt yêu cầu, có nơi không có hiệu lực, hiệu quả trong xử lý. Nhiều chủ đầu tư có hiểu biết pháp luật, được giáo dục tuyên truyền nhưng vẫn cố tình thì cần có giải pháp để xử lý… Để làm được việc này cần phải cương quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư, đồng thời xử lý cả các đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm. Nếu xảy ra vi phạm nghiêm trọng, có tính liên tục thì chuyển sang cơ quan Thanh tra hoặc cơ quan Công an xử lý các vấn đề về hình sự” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ ra những điểm yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng của Hà Nội.

Vậy tại sao UBND quận Hoàn Kiếm và các phường của quận này không tiếp tục xử lý triệt để, thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, làm đúng pháp luật mà lại cho tồn tại các công trình xây dựng trái phép một cách trắng trợn, khiến cho tình trạng khiếu kiện vượt cấp của một số cử tri bị ảnh hưởng của các công trình trên càng ngày càng phức tạp hơn?!

Nhiều vụ việc nổi cộm về vi phạm trật tự xây dựng đã nảy sinh, bất chấp, coi thường pháp luật, kỷ cương, phép nước, thậm chí có những vụ việc nhức nhối đến mức đích thân Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã phải có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm xử lý nghiêm, triệt để sai phạm.

Tuy nhiên, phải chăng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dường như đã quên hay cố tình “phớt lờ” luôn cả chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố.

Ngày 26/5/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Đây là chỉ thị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn của Thủ đô và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn phải thực hiện.

Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn.

Rõ ràng đối với vi phạm trật tự xây dựng chúng ta không thiếu chế tài để xử lý, tuy nhiên trên thực tế, đã có những dấu hiệu buông lỏng trong quản lý xây dựng, thậm chí bao che, dung túng đối với các công trình sai phạm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật” của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Để bức tranh đô thị quận Hoàn Kiếm méo mó, sai phạm nhan nhản như trên không thể xa rời trách nhiệm chính của ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiềm đã buông lỏng công tác quản lý. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đã đến lúc Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trong hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng.

Sau chỉ đạo quyết liệt của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, cử tri và Nhân dân Thành phố kỳ vọng những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định để giữ gìn kỷ cương phép nước.

Đồng thời, cử tri và Nhân dân Thủ đô cũng bày tỏ nguyện vọng Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội … cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý các dấu hiệu “bảo kê”, kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm về trật tự xây dựng diễn ra tràn lan tại quận Hoàn Kiếm.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin các vụ việc kể trên tới bạn đọc.

 

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Quang Chính - 21:49 28/05/2018

Sao không thấy nhắc đến công trình vượt tầng của Ông Nguyễn Hoàng Linh nguyên phó giám đốc sở giao thông vận tải nhỉ, ông này làm to nên được ưu ái cho quên à?, Đề nghị Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cắt ngon ngay đi đừng để dân bức xúc nữa. Tạp chí phải vào cuộc đi hay lại ưu ái rồi???????????????????

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều