Lấy cớ phục vụ QP-AN để tạo “vùng cấm” hòng che chắn tham nhũng

Không ai có quyền lấy lý do phục vụ quốc phòng, an ninh, tạo ra những khoảng tối hòng che chắn sai phạm, tham nhũng để “hạ cánh an toàn”.

“Không có vùng cấm”, “Bất kể ai, ở cương vị nào nếu tham nhũng đều bị xử lý nghiêm minh”. Đó là những tuyên bố từ lâu, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước để tuyên chiến với quốc nạn tham nhũng, kể cả trong quân đội, công an.

Nếu ai đó nói rằng, trong các hoạt động của quân đội và công an không có chạy chức, chạy quyền, không có tham nhũng, tiêu cực thì e rằng đó là nhận định chủ quan, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Và với tư duy, nếu đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực và công khai thông tin tiêu cực của lực lượng này sẽ làm giảm sút uy tín của Đảng, làm xấu đi hình ảnh của quân đội và công an trong mắt nhân dân thì đó là tư duy sai lầm, bảo thủ. 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên).

Lâu nay, nhiều hoạt động của các đơn vị quân đội, công an thường được coi là nhạy cảm bởi lý do phục vụ quốc phòng, an ninh. Không ít dự án kinh tế, công trình xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản, quản lý, mua sắm tài sản công do các đơn vị quân đội, công an trực tiếp hoặc liên danh, liên kết thực hiện được coi là bí mật. Đúng ra, các hoạt động này phải bình đẳng như các tổ chức, doanh nghiệp khác theo quy luật của kinh tế thị trường.

Những vụ việc tiêu cực, những hành vi phạm tội của một số tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp bị phát hiện thời gian qua cho thấy: Quyền lực trong công an, quân đội nếu không được kiểm soát cũng sẽ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Chính vì lạm dụng lý do “phục vụ quốc phòng, an ninh”, gán mác “bí mật” để tự tung tự tác, vun vén cho nhóm lợi ích của mình, nên những Út Trọc, Vũ “Nhôm” và một số sĩ quan, tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, công an đã mắc sai phạm, tham nhũng.

Sau hàng loạt Kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố công khai tới người dân và báo chí, bước đầu chứng minh rằng: không có “vùng cấm”, không có thông tin nhạy cảm; không ai có quyền lấy lý do phục vụ quốc phòng, an ninh, tạo ra những khoảng tối hòng che chắn sai phạm, tham nhũng để “hạ cánh an toàn”.

Còn nhớ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp với bộn bề gian khổ, thiếu thốn, thù trong giặc ngoài, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết bác đơn xin ân giảm án tử hình của cựu đại tá Cục trưởng cục Quân nhu Trần Dụ Châu vì phạm tội tham ô tài sản.

Cho dù việc tử hình một người từng là đảng viên, một sĩ quan quân đội cao cấp lúc bấy giờ là chuyện rất hệ trọng, chưa có tiền lệ, nhưng Đảng và Bác Hồ không coi đó là “bí mật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải thông tin rộng rãi về vụ án cho toàn thể cán bộ chiến sĩ, nhân dân ở vùng giải phóng, vùng bị địch tạm chiếm và kẻ thù biết, để thấy rõ sự nghiêm minh của kỷ cương phép nước.

Chính vì không sợ khuyết điểm, không che chắn cho cán bộ hư hỏng của Đảng và quân đội ta đã góp phần làm trong sạch đội ngũ, tăng thêm niềm tin của toàn dân toàn quân vào cuộc kháng chiến đầy cam go, thử thách.

Gần 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học trong phát hiện, xử lý và công khai thông tin về vụ án Trần Dụ Châu vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có chống tiêu cực, tham nhũng trong quân đội nhân dân và công an nhân dân không làm xấu đi hình ảnh mà ngược lại, càng làm cho các lực lượng này tăng thêm bản lĩnh, sức mạnh; phản bác có hiệu quả hoạt động xuyên tạc, chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch; tạo thêm niềm tin trong nhân dân, sự công bằng cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, mở toang cái gọi là “vùng cấm thông tin”, không để bất cứ nhóm lợi ích nào có “mảnh trời riêng” lấy lý do phục vụ quốc phòng, an ninh để tiêu cực, tham nhũng … nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công cuộc chống “giặc nội xâm” hiện nay.

Theo Nguyễn Ngọc Năm/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều