Lợi bất cập hại khi quần chúng tham gia truy đuổi xe vi phạm?

Gần đây, liên tục xảy ra tình trạng lực lượng chức năng và người dân truy đuổi phương tiện vi phạm (hoặc gây va quẹt, tai nạn) làm náo loạn đường phố, khiến người vi phạm có biểu hiện bị kích động, hoảng loạn và cố ý điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao trên đường gây nguy hiểm cho nhiều người và phương tiện tham gia giao thông.

Hiện trường sau vụ tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội), xảy ra tối 8/11/2015. Ảnh: laodong.com.vn.

Mới nhất, trưa ngày 2/8, trên mạng xã hội xuất hiện video clip ghi lại cảnh truy đuổi một chiếc xe ô tô như phim hành động. Theo nội dung video, dường như trước đó chiếc ô tô trên đã gây tai nạn rồi bỏ chạy với tốc độ kinh hoàng. Quá trình truy đuổi chiếc xe lạng lách qua các phố: Hoàng Cầu mới, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Nam Đồng, Phạm Ngọc Thạch… và chỉ chịu dừng lại tại khu vực trước cổng Bệnh viện Nhiệt đới (phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), do đường quá đông đúc.

Nếu theo dõi toàn bộ video, chúng ta sẽ không khỏi nghẹt thở trước cảnh rượt đuổi quá nhanh, quá nguy hiểm trên một đô thị đông đúc như thủ đô Hà Nội. Việc bắt giữ phương tiện vi phạm để xử lý là nhiệm vụ chính của lực lượng chức năng. Sự hỗ trợ của quần chúng trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, quá trình truy đuổi, bắt giữ lại tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn quá cao cho người và phương tiện đi đường, khiến người viết không khỏi băn khoăn rằng, có nên khích lệ hành động trên và liên tưởng tới một nghịch lý “lợi bất cập hại”...

Ví như sự hô hoán trên đường, cùng số lượng lớn người truy đuổi rất dễ gây cho người vi phạm tâm lí đang bị truy sát. Khi vào đường cùng, họ sẽ phải điều khiển phương tiện bỏ chạy đến cùng, bất chấp các nguy cơ tai nạn đang chực chờ.

Trước đó không lâu, ngày 5/7/2017, tại Uông Bí (Quảng Ninh), một cuộc truy đuổi gây náo loạn trên đường cũng đã diễn ra. Trong clip ghi lại cảnh một chiếc taxi phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông nhằm chống trả tới cùng lực lượng chức năng. Chủ nhân của video clip đang điều khiển một xe ô tô khác trên đường đã tham gia truy đuổi tài xế taxi này sau khi nhận thấy lực lượng chức năng khó lòng đuổi kịp. Màn truy đuổi diễn ra trên nhiều cây số trước khi chiếc xe của chủ nhân clip ép được xe taxi vào ven đường. Với điều kiện đường xá quanh co, hạ tầng hạn chế, vụ truy đuổi ngày hôm đó không gây họa là điều quá mừng với nhiều người, trong đó có cả sự hồi hộp của bất cứ ai xem clip.

Hẳn chúng ta còn chưa quên vụ tai nạn thương tâm xảy ra tối 8/11/2015 tại cầu vượt ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc khi một chiếc taxi chạy điên loạn trên đường, sau đó tông hàng loạt vào xe máy khi bị một chiếc xe bán tải truy đuổi. Theo các nhân chứng tại hiện trường, sau khi tai nạn xảy ra, tài xế đã mở cửa xe nhảy từ trên cầu xuống đất trong sự hoảng loạn. Và trong trường hợp này, nếu như không bị truy đuổi thì hẳn tai nạn thương tâm trên đã không xảy ra?

Sự hỗ trợ của quần chúng đối với đối tượng giao thông nên ở mức độ nào? Việc này rất cần các cơ quan chức năng liên quan cân nhắc suy xét... 

Lực lượng chức năng có thể thông qua các trạm, tổ tuần tra, kiểm soát... đang chốt chặn phía trước trên cùng tuyến đường để khống chế, yêu cầu phương tiện vi phạm dừng lại để xử lý, hoặc phạt nguội thông qua camera giám sát. Nếu áp dụng khoa học, đầy đủ quy trình phạt nguội đối với người điều khiển phương tiện vi phạm thì các hành vi vi phạm sẽ được xử lý triệt để, mà không nhất thiết bắt buộc phương tiện dừng lại để trực tiếp xử lý theo hình thức “bắt quả tang”.

Bộ Công an và các ngành chức năng cần nghiên cứu xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể để xử lý các phương tiện vi phạm giao thông nhưng cố tình bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn. Đối với với các vùng nông thôn, do giao thông vắng vẻ, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm mà cố tình bỏ chạy thì có thể truy đuổi hoặc phối hợp với chính quyền địa phương để có phương án xử lý hữu hiệu.

Theo Trần Quang Chiến/Báo Đảng Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều