Mấu chốt là công tác cán bộ

Cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Song đây cũng chính là một chủ đề xuyên suốt, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã dành cho PV cuối tuần cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.


- Thưa ông, tại diễn đàn Quốc hội (QH) bàn về cải cách hành chính vừa qua, ông đã phát biểu rằng,“Quốc hội lấy đá ghè chân mình”. Ông có thể giải thích thêm về điều này?

- Công tác cán bộ luôn là vấn đề lớn của toàn hệ thống chính trị, mà trong đó QH có vai trò hết sức quan trọng thông qua việc phân công quyền lực (chủ yếu là các thiết chế quyền lực ở T.Ư) và giao nhiệm vụ cơ bản. Nhưng hiện có sự bất hợp lý ở chỗ: QH thì kiểm soát ngân sách, trong khi đó biên chế do Chính phủ quyết định, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thực hiện ủy quyền chủ yếu phân bổ chỉ tiêu biên chế cho cơ quan tư pháp và kiểm toán Nhà nước. Cho nên cân đối nguồn lực giữa ngân sách và bộ máy luôn luôn thâm hụt, hằng năm thường phải điều chỉnh.

Đây chính là vấn đề mà QH, với tư cách là cơ quan lập pháp, cũng phải soi lại, điều chỉnh lại cách làm của mình.

- Việc “xốc xáo” lại bộ máy chắc chắn sẽ tạo ra nhiều xáo trộn nhất định, kể cả những “tâm tư” trong đội ngũ cán bộ. Ông nghĩ sao?

- Sắp đặt lại bộ máy một cách hợp lý sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, không những không có xáo trộn, mà ngược lại, còn thiết lập trật tự, kỷ cương mới, tạo ra sức mạnh, năng lực lãnh đạo của Đảng, uy tín của Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý điều hành xã hội. Còn “tâm tư” thì không thể không có, nhưng làm đúng pháp luật, công khai, minh bạch thì người chịu tác động cũng sẽ phải “tâm phục khẩu phục”. Chỉ như vậy mới thay đổi được tình hình!

- Hiện đang có những đại biểu QH đề nghị đánh giá tình hình thực hiện thí điểm “nhất thể hóa” và nhân rộng ra toàn quốc. Ông có đồng tình?

- Tôi cho rằng “nhất thể hóa” là cách diễn đạt ngắn gọn chủ trương lồng ghép được tư tưởng lãnh đạo với quản lý nhà nước, thống nhất hai vai trò: lãnh đạo chính trị và quản lý điều hành cùng trong một con người. Như thế có thuận lợi là tư tưởng chính trị sẽ chuyển hóa rất nhanh vào các công cụ pháp luật để đi vào cuộc sống, nhưng có một bất cập phải tính đến là nhân sự đảm đương chức vụ ấy phải hội đủ nhiều phẩm chất. Một người vừa đứng đầu cấp ủy tức là đảm đương việc hoạch định đường lối, đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, phương pháp thuyết phục, tạo cảm hứng cho nhiều người đi theo; lại kiêm cả quản lý - phải có khả năng thể chế hóa đường lối thành quy định pháp luật; không chỉ nắm vững đường lối, pháp luật mà còn phải vận dụng để chỉ huy hệ thống đi theo định hướng quản lý đó. Mà đào tạo được những cán bộ có đầy đủ phẩm chất ấy hoàn toàn không dễ và cần phải có thời gian. Tôi nghĩ T.Ư tiếp tục cho thí điểm là đúng. Thực tế có tỉnh được chọn làm thí điểm ở bảy vị trí, mà cuối cùng chỉ làm được hai, vì không chọn được người phù hợp.

Tóm lại, “nhất thể hóa” là cần thiết, thậm chí là thúc bách, nhưng chọn con người là quan trọng. Người không đủ năng lực cũng nguy hiểm, người giỏi nhưng độc đoán chuyên quyền lại càng nguy hiểm. Làm công tác cán bộ bài bản là phải có hệ thống thang bậc từng chức danh và tiêu chuẩn tương ứng.

- Đối với nhất thể hóa, cần xây dựng cơ chế như thế nào để kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, tránh hệ lụy như ông vừa nói?

- Về nguyên lý thì làm tốt phân công và kiểm soát là đủ. Cơ chế “phối hợp” trong khi chưa có sự minh bạch trong tổ chức bộ máy vừa qua đã làm phát sinh tổ chức trung gian, liên ngành với trách nhiệm không rõ ràng. Thế nên, khi xảy ra lỗi thì rất khó xác định đầu mối trách nhiệm là ai.

Tôi nghĩ, để khắc phục nhược điểm này, chúng ta phải bắt đầu từ cơ chế phân công. Phân công quyền hạn rõ ràng với mỗi chức danh, đi liền với trách nhiệm và thang bậc hình phạt tương ứng với hành vi, với các yếu tố cấu thành vi phạm, từ đó có thể giám sát bằng công cụ pháp luật. Đó là hình thức giám sát thứ nhất.

Các hình thức giám sát khác không thể bỏ qua là bằng thiết chế tổ chức, công chúng và báo chí. Càng nhiều người giám sát thì hành vi của cán bộ sẽ càng chuẩn mực hơn.

- Theo ông, nên thí điểm “nhất thể hóa” ở cấp nào là phù hợp?

- Tôi nghĩ nên làm ở tất cả các cấp, chứ không nhất thiết từ dưới lên hay trên xuống.

Vì nếu làm ở từng cấp rồi mới lại tổng kết, đánh giá rồi thực hiện tiếp ở cấp khác thì quá lâu, thời gian không thể chờ đợi chúng ta.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Cẩm Hà/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều