Mô hình hay đưa chính sách pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên với núi non hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, Si Ma Cai( Lào Cai) còn ấn tượng với những người phương xa bởi môi trường xanh sạch đẹp và sự bình yên của các thôn bản. Có được điều này là nhờ vào những đóng góp tích cực của những người có uy tín và việc xây dựng các mô hình phù hợp với phong tục, tập quán người dân.

Đưa chính sách pháp luật đến với đồng bào

Nàn Sín là xã vùng cao của huyện Si Ma Cai (Lào Cai) với đa số người Mông sinh sống. Dòng họ Sùng là một trong những dòng họ lâu đời nhất của xã vùng cao này. Để gặp những người dân mang họ Sùng và tận mắt chứng kiến những đổi thay của mô hình dòng họ tự quản, tôi đã theo chân anh Sùng Seo Chơ, người có uy tín của dòng họ Sùng, ngược dốc dăm, bảy cây số từ trung tâm xã tới các thôn, bản. Con đường lên dù đã được đổ bê tông nhưng do nắng gió, mưa rừng, đường đã xuống cấp nên không còn bằng phẳng. Thêm vào đó, độ dốc lớn với những khúc cua tay áo khiến đường đi khá gian nan.

Vừa đưa tôi đi tới các thôn trong xã, anh Sùng Seo Chơ vừa kể, ngày trước cách đây khoảng chục năm tình hình an ninh trật tự và môi trường của xã Nàn Sín có nhiều phức tạp. Anh Chơ đã cùng cấp ủy đảng, chính quyền xã vận động thành lập mô hình “Dòng họ Sùng tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự, môi trường”. Dòng họ đã xây dựng quy ước với những điều khoản xử lý con cháu trong dòng họ vi phạm pháp luật và các quy định của địa phương.

Nhờ vậy, gần chục năm qua, dòng họ không có thành viên tham gia các vụ trộm cắp tài sản hoặc mua bán trái phép chất ma túy, mua bán người. Bên cạnh đó, các thành viên trong dòng họ đã kịp thời phát hiện và tố giác cho Công an xã hàng chục vụ việc liên quan đến dụ dỗ phụ nữ ra khỏi địa bàn.

 Mô hình dòng học tự quản của huyện vùng cáo Si Ma Cai đã phát huy được sức mạnh giúp các gia đình dân tộc thiểu số nơi đây hiểu biết hơn về pháp luật.

Còn về lĩnh vực môi trường, những người dân họ Sùng là những công dân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, người họ Sùng không còn nuôi nhốt trâu bò gần nhà. Hàng tuần các thành viên tham gia mô hình tự quản đi nhắc nhở những người trong họ về vệ sinh nhà cửa, đường sá… Nhờ vậy nên giờ đến với xã Nàn Sín, không còn thấy cảnh phân trâu rải rác ngoài đường hay rác vương vãi khắp nơi.

Quả thật đúng như lời anh Sùng Seo Chơ tâm sự, trên đường đi đến các thôn của xã Nàn Sín, sáng sớm, hơi sương chưa tan hết tạo thành những làn sương mù đặc quánh xen kẽ với tán lá, cây rừng mang đến cho tôi cảm giác trong lành đến kỳ lạ. Những con đường quanh co không có bóng dáng của rác, những bản làng bình yên nằm xen kẽ những quả đồi. Dừng xe bên đường, ta cảm nhận được tận cùng sự trong trẻo của tiết trời vùng cao đủ để vương vấn những người khách phương xa.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng

Cũng giống như các xã vùng cao của huyện Si Ma Cai, Sín Chéng chủ yếu là đất xen kẽ đá. Người dân bao đời nay chỉ biết sống dựa vào cây ngô, cây lúa, nhưng do đất đai cằn khô, nghèo dinh dưỡng nên cuộc sống rất khó khăn.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao khắc nghiệt, ông Thào A Vần có nước da nâu rắn rỏi, giọng nói khỏe khoắn. Ông Vần chia sẻ: Sín Chéng trước đây nghèo lắm cũng vì nghèo nên trình độ hiểu biết của người dân còn nhiều hạn chế.

Vấn đề khó khăn nhất ở Sín Chéng là làm thay đổi phong tục tập quán truyền thống. Với lối sống tương đối khép kín, đồng bào Mông thường chỉ tiếp thu kiến thức từ bên ngoài nếu điều đó thực sự mang lại lợi ích cho họ. Vậy nên công tác tuyên giáo về tảo hôn và môi trường để phát triển bền vững cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cộng đồng dân tộc.

Ông Thào A Vần (bên phải) người có uy tín của xã Sín Chéng (Si Ma Cai) đến các gia đình trong thôn hướng dẫn về bảo vệ môi trương, chống tảo hôn…

Thời gian qua, ông Vần là người có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại thôn Mào Sao Chải (xã Sín Chéng), phát huy tốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông đi đầu trong tuyên truyền vận động người dân và con cháu trong dòng họ không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

“Muốn người dân nghe theo và làm theo, bản thân tôi gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của thôn, xã, vận động người thân trong gia đình, dòng họ làm trước để người dân học tập và làm theo”, ông Thào A Vần nói.

Để góp phần tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, ông Vần đã hiến trên 100 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ông Vần còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt các chính sách dân tộc.

Với tinh thần trách nhiệm cao, những người có uy tín đã phối hợp tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những người có uy tín đã cùng với cấp uỷ, chính quyền giải quyết ổn thỏa nhiều khiếu kiện, tranh chấp đất đai... Trong những năm qua, người có uy tín đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vận động con em đồng bào dân tộc hiểu biết hơn về các chính sách pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 1.120 Người có uy tín thì huyện Si Ma Cai có 61 người. Giai đoạn 2018 - 2021, tỉnh Lào Cai có 277 lượt Người có uy tín có thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng. Trong đó, 1 Người có uy tín được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 60 Người có uy tín được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 18 Người có uy tín được UBND tỉnh tặng thư khen...

Theo Bích Hợp/Báo Tài nguyên và Môi trường

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều