MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường giám sát, phản biện xã hội. Thời gian qua, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ đã thực hiện và phối hợp thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực trạng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phối hợp với các cơ quan trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng. Thông qua các mô hình, như: tủ sách, kệ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, quán cà phê pháp luật, câu lạc bộ Luật sư trẻ, tư vấn pháp luật miễn phí và các hình thức như hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt cơ quan... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan có liên quan đã tuyên truyền cho 124.146 lượt cán bộ, công chức và Nhân dân về tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, các quy định mới về hành vi tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đề cập rõ nét về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trong phòng, chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền hướng đến việc tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành học tập và tìm hiểu pháp luật về phòng chống, tham nhũng và đạo đức, liêm chính trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại, lắng nghe và tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã rất coi trọng việc phối hợp tiếp xúc cử tri, đối thoại, lắng nghe và tập hợp  ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân. Qua phương thức này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã kịp thời ghi nhận phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân liên quan đến thực trạng tham nhũng, một số vấn đề, vụ việc tham nhũng, qua đó kiến nghị với cơ quan Đảng và chính quyền các cấp trong việc tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện thể chế và thanh tra, kiểm tra và giải quyết một số vụ việc được Nhân dân phản ánh.

Tiếp công dân, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo và tuyên truyền các tầng lớp nhân dân tích cực tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp rất coi trọng việc tiếp công dân và tiếp nhận khiếu nại, tố cáo từ Nhân dân. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp thành phố và cấp huyện đều bố trí nơi tiếp công dân và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân. Tại trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng đặt hộp thư góp ý chống tham nhũng, lãng phí; tố giác, tố cáo tội phạm, tham nhũng góp ý về cải cách hành chính.

Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện cơ chế để phát huy tốt hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra nhân dân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Thanh tra nhân dân đã hoạt động tích cực, tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và giám sát hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức

Trong giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phối hợp với các cơ quan Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư thành phố thành lập Đoàn giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; phối hợp với Sở Nội vụ và một số cơ quan giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính và dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp ở một số quận, huyện; chủ trì giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân của một số Ủy ban nhân dân quận, huyện... Một số tổ chức thành viên còn tiến hành giám sát chuyên đề, như: giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho hội viên Hội Cựu chiến binh, giám sát việc thu các khoản thu từ học sinh của một số cơ sở giáo dục... Qua hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có kiến nghị với các cơ quan có liên quan trong việc đề ra biện pháp để khắc phục thiếu sót, phòng ngừa tiêu cực. Bên cạnh đó, hoạt động tích cực và có hiệu quả của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở cũng có tác dụng quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng.

5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố thực hiện 7.892 cuộc giám sát. Trong đó, cấp thành phố đã chủ động giám sát 204 cuộc, phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ, Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát tổ chức 174 cuộc giám sát. Cấp quận, huyện đã giám sát 508 cuộc, tham gia Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân quận, huyện các ban của Hội đồng nhân dân quận, huyện giám sát 273 cuộc. Cấp xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát được 7.180 cuộc. Bên cạnh đó, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 5.273 cuộc. Qua đó phát huy tốt vai trò của các Ban Công tác Mặt trận các cấp, khu vực và động viên Nhân dân tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động phản biện xã hội

Trong thực hiện phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố và các tổ chức thành viên đã tổ chức 26 cuộc phản biện xã hội và góp ý kiến vào các nội dung lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, địa phương cũng như đời sống của Nhân dân. Ngoài tổ chức hội nghị phản biện đối với các dự thảo Nghị quyết quan trọng của Hội đồng nhân dân cùng cấp và dự thảo Luật, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn tích cực tham gia góp ý, phản biện đối với nhiều dự thảo quyết định, kế hoạch, quy hoạch, dự án do Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân gửi đến. Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, góp phần ngăn ngừa hiện tượng "lợi ích nhóm“, "tham nhũng chính sách“...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định đảm bảo tính công khai, minh bạch; việc kiểm tra, rà soát hoạt động của các ban, các quỹ, các chương trình, dự án do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể quản lý được thực hiện thường xuyên nhằm ngăn chặn những hành vi tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân từ cơ sở, khu dân cư; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn; vai trò của Trưởng Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc thực hiện Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở đã dần đi vào cuộc sống, nhưng ở một số địa phương, nhiều nội dung về “dân biết, “dân bàn”, “dân kiểm tra” vẫn chưa được chú trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy chế dân chủ thực hiện chưa thường xuyên; nội dung giám sát chưa bao quát hết các nội dung cần giám sát; dự toán, quyết toán ngân sách cấp xã, quản lý và sử dụng đất đai, kết quả nghiệm thu và quyết toán các chương trình do nhà nước, các tổ chức và cá nhân tài trợ; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả chưa cao.

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng

Công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố và các tổ chức thành viên, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Kế hoạch số 265/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của thành phố. Theo đó, tiếp tục tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định pháp luật, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Hai là, triển khai, thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của Trung ương và của cấp ủy về công tác phòng, chống tham nhũng. Phải nêu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chương trình hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền và vận động trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức thành viên và Nhân dân chấp hành và tham gia phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Chủ động, tích cực tham gia vào việc xây dựng, phản biện xã hội nhằm hoàn thiện những chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, giám sát và phản biện xã hội là hai chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì vậy thực hiện tốt hai chức năng này của Mặt trận Tổ quốc sẽ có tác dụng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Đặc biệt, phải phát huy bằng được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát và phản biện xã hội; các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm giải quyết đến các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc.

Bốn là, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác Mặt trận và các chi đoàn, chi hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng lực lượng cốt cán “tai, mắt” của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội. Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân tham gia có hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, coi trọng hơn nữa việc phát huy dân chủ, thực hiện tốt công khai và minh bạch thông tin; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; có hình thức, biện pháp khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có đóng góp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hướng dẫn, chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện cung cấp cho Ban Nội chính, Thành uỷ những ý kiến đề xuất của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực và nội chính khi có yêu cầu.

Năm là, lắng nghe, tập hợp ý kiến đề xuất của cử tri, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên của Mặt trận và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy vai trò giám sát của người dân có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, công tác nội chính về những biểu hiện không lành mạnh, về đạo đức, lối sống, những biểu hiện bất minh trong thu nhập, tài sản, đất đai,… trên địa bàn thành phố để phản ánh, phản biện, đề xuất kịp thời với cấp ủy.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

2. Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

3. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

4. Quốc hội (2015), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015.

5. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.

6. TS. Trịnh Thị Xuyến (Chủ biên), Cơ chế  tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Nguyễn Thúy Hằng

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Cần Thơ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều