Ngại làm gương

Kết quả bình chọn, anh được giới thiệu là cá nhân điển hình tiên tiến của đơn vị, đề nghị công đoàn ngành và bộ khen thưởng tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo diễn ra vào tháng tới. Anh em trong đơn vị ai cũng vui vẻ vì bình bầu được người xứng đáng. Thế nhưng, anh bỗng có ý kiến đề xuất người khác và xin rút, để tiếp tục nỗ lực phấn đấu.

Cuộc họp tan. Tôi túm anh lại thắc mắc:

- Tại sao anh lại từ chối? Việc bình chọn này là thể hiện sự tín nhiệm của mọi người. Ai cũng ghi nhận anh làm việc rất nhiệt tình, trách nhiệm, lại có sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị.

- Thôi thôi, xin cậu, tôi cứ làm tốt việc của mình thôi. Anh em ghi nhận là quý rồi. Trở thành điển hình tiên tiến áp lực lắm. Rồi việc gì cũng nhớ mình phải nêu gương, nhỡ ra kết quả công việc không cao hoặc có sai sót gì thì áy náy lắm.

- Anh là trưởng phòng, đang đảm nhiệm rất tốt vai trò của mình, đồng thời đã tạo được cảm hứng làm việc cho mọi người bằng tinh thần năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc. Rõ là anh phải nêu gương rồi, né tránh như thế là làm mất động lực của cả tập thể - Tôi phê bình.

Anh ôn tồn:

- Thú thực với cậu, không phải tôi né tránh gì. Dù thế nào, cũng vẫn hết lòng vì công việc. Chẳng qua tôi e ngại là vì đã có cái "gương" để rút kinh nghiệm. Anh bạn tôi ở cơ quan nọ, sau khi được tuyên dương là cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì hay bị "nhức đầu" bởi những chuyện không đâu do một số cá nhân thi thoảng lại xét nét, bình phẩm thiếu thiện ý về công việc của anh ấy. Có lúc mệt mỏi, anh ấy nghĩ biết vậy cứ yên ổn mà làm việc, tự dưng làm gương cho người ta soi mói. Nhân vô thập toàn…

- Anh ơi, đấy là tập thể mất đoàn kết, cho nên mới có sự ghen ghét, ganh đua như vậy. Ðơn vị của chúng ta ở đây luôn có sự thống nhất. Anh lại là người được tất cả anh em tín nhiệm cao. Hơn nữa, nêu gương là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, không phải việc muốn hay không muốn. Trung ương đã có quy định rõ rồi và yêu cầu ngày càng cao, từ Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư đến Quy định số 55-QÐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị và gần đây nhất là Quy định số 08-QÐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Quy định như vậy là để nêu gương phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của mọi cán bộ, đảng viên.

Nghe tôi giải thích, anh im lặng suy nghĩ, ý chừng áy náy về hành động xin rút của mình.

Tôi nhấn mạnh:

- Trong việc này, anh khiêm tốn là có lỗi với anh em trong đơn vị đấy.

Anh gật gù:

- Ừ, cậu nói phải, tôi nghĩ vẩn vơ quá.

Theo Nguyên Minh/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều