Nghị quyết số 22 tạo sức bật mới ở cơ sở

Tròn hai nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW (khoá X) ngày 2/2/2008 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” (gọi tắt là Nghị quyết số 22), với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ đã có chuyển biến tích cực, nhất là ở xã, phường, thị trấn, lực lượng vũ trang… Hiệu quả cho thấy Nghị quyết số 22 đã và đang đi vào cuộc sống, tạo chuyển động, sức bật mới ở cơ sở.

 Đảng viên trẻ xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thiết thực trong thể chế hóa Nghị quyết

Thực hiện Nghị quyết số 22, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng ở Trung ương đã từng bước cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các nghị quyết, kết luận, quy định, quy chế, hướng dẫn... để thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới triển khai phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương nhằm tạo điều kiện cho cơ sở hoàn thiện mô hình tổ chức các loại hình TCCSĐ. Như nghị quyết về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quy định về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên...

Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo ban hành các nghị định về chức danh, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; về đào tạo, bồi dưỡng công chức; về việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành nhiều hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tạo điều kiện để cấp ủy các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương…

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đều ban hành chương trình hành động, gần 800 văn bản (chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn và các văn bản khác) để cụ thể hoá nội dung Nghị quyết số 22. Nhiều cấp ủy đã xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án, nghị quyết chuyên đề có tính sáng tạo, đổi mới, tạo bước đột phá về xây dựng TCCSĐ. Trong đó, tập trung vào các vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tăng cường công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở những thôn, bản, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng; sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức đảng cho đồng bộ với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 22. Theo đó, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và cấp ủy cấp trên cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên. Nhiều cấp ủy đã xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ trực tiếp xuống các chi bộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Việc giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên được tăng cường hơn và có chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều cấp ủy đã có giải pháp hữu hiệu để khắc phục các biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa; làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, tích cực đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phản động nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”. Một số tỉnh ủy đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thành những biểu hiện chi tiết, cụ thể hơn để cán bộ, đảng viên dễ nhận diện, xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa.

Hoàn thiện mô hình tổ chức các loại hình TCCSĐ

Tính đến 1/1/2018 toàn Đảng có 57.794 TCCSĐ (26.278 đảng bộ cơ sở, 31.516 chi bộ cơ sở), 2.387 đảng bộ bộ phận, 270.046 chi bộ trực thuộc với 4.921.129 đảng viên, tăng 4.517 TCCSĐ và 1.578.953 đảng viên so với cùng kỳ năm 2008. Tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn được sắp xếp lại theo hướng dưới đảng bộ xã là các chi bộ thôn (ấp, bản), dưới đảng bộ phường, thị trấn là các chi bộ tổ dân phố (khu phố, khu dân cư), gắn với các chi hội đoàn thể ở thôn, tổ dân phố. Ở một số thôn, tổ dân phố đông đảng viên thì lập đảng bộ bộ phận, có các chi bộ trực thuộc. Số chưa có tổ chức đảng giảm mạnh, từ 8.985 (năm 2008) xuống còn 3.842 (năm 2017) thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng; nhiều tỉnh miền núi, biên giới không còn thôn, bản chưa có chi bộ.

Ở cấp Trung ương, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương đã xây dựng kế hoạch kiện toàn, sắp xếp các đảng bộ ở các đơn vị sự nghiệp Trung ương một cách hợp lý. Qua việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng trực thuộc đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ được nâng lên; bảo đảm sự thống nhất giữa tổ chức đảng với chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; giúp tổ chức đảng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ở địa phương, các tỉnh ủy, thành ủy kiện toàn đảng bộ khối cơ quan cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, một số tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy, thị ủy xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng ở các cơ quan đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, nhằm giảm đầu mối TCCSĐ trực thuộc cấp ủy cấp huyện, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng có ít đảng viên.

Ở các loại hình doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chỉ đạo cấp ủy các tập đoàn, tổng công ty xây dựng quy chế phối hợp với cấp ủy địa phương để tổ chức thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên có trụ sở đóng trên địa bàn ở các địa phương về thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức - cán bộ. Các đảng ủy trực thuộc đã nghiên cứu, xây dựng đề án mô hình tổ chức đảng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung rà soát, đánh giá tình hình để chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Việc xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quan tâm nên đã có chuyển biến tích cực, tăng hơn 12 lần về số tổ chức đảng và gần 8 lần về số đảng viên.

Công tác kết nạp đảng viên đạt được một số kết quả tốt. Trong 10 năm qua, toàn Đảng đã kết nạp được 2.069.936 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp hơn 200.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng từ 3.342.176 (1/1/2008) lên 4.921.129 (1/1/2018). Đảng viên mới kết nạp có cơ cấu: 37,2% có trình độ từ đại học trở lên, 66,7% là đoàn viên thanh niên, 39,9% là nữ, 7,7% là công nhân, 17,5% là nông dân; độ tuổi bình quân giảm từ 29,05 tuổi (năm 2008) xuống 28,44 tuổi (năm 2017).

Tạo bước đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở

Trong 2 nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan Trung ương đã thường xuyên chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, trọng tâm là cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Các tỉnh ủy, thành ủy đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã được nâng lên một bước. Hiện nay, tại 63 tỉnh, thành phố có 238.464 cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (cán bộ là 117.583 người, công chức là 120.881 người), so với năm 2008 tăng 34.393 người (cán bộ tăng 4.256; công chức tăng 30.137 người), cán bộ đạt chuẩn chuyên môn là 91,8% (tăng 27,8%), đạt chuẩn về lý luận chính trị là 79,1% (tăng 12,8%), công chức đạt chuẩn chuyên môn là 96,5% (tăng 7%), đạt chuẩn về lý luận chính trị là 86,5% (tăng 41,5%).

Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nêu mục tiêu đến năm 2020 thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, nhiều chương trình, dự án, đề án, như Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo trong cả nước; Đề án tuyển chọn 500 trí thức trẻ về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 được triển khai. Nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh việc tuyển dụng, đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về làm cán bộ, công chức xã, nhất là ở các địa bàn khó khăn; đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn cho xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cán bộ, công chức trẻ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm đang là những nhân tố mới thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương phát triển. Nhiệm kỳ đại hội đảng 2015-2020, số cấp ủy viên cơ sở có độ tuổi từ 35 trở xuống chiếm 18,26% (nhiệm kỳ trước 15%).

Công tác quy hoạch cán bộ cơ sở đã đi vào nền nếp. Trên cơ sở quy hoạch của các đơn vị, các cấp ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, từ xã lên huyện và giữa các xã, phường, thị trấn và đã đạt kết quả nhất định, là cơ hội để cán bộ được rèn luyện trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Thực hiện chủ trương thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trực tiếp làm bí thư cấp ủy, chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND, chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ

Nhiều cấp ủy cơ sở đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy; nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm để tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề lớn, khó khăn, phức tạp; phân công, quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và thường xuyên sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết để bổ sung những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư đảng ủy, chi bộ và cấp ủy viên. Nhiều cấp ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt của từng loại hình chi bộ. Việc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm đã dần đi vào nền nếp, đạt kết quả tích cực, kết quả đã dần đi vào thực chất hơn.

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên được tăng cường. Trong đó, tập trung bồi dưỡng kỹ năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên, về phương pháp tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, kỹ năng giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị…

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã thực hiện việc phân công các ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên cấp tỉnh trực tiếp theo dõi, phụ trách các tổ chức đảng trực thuộc. Hầu hết các cấp ủy cấp huyện quy định rõ việc phân công các ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên phụ trách các TCCSĐ. Vì vậy, đã giúp cấp ủy các cấp nắm chắc tình hình thực tiễn, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề mới, phức tạp xảy ra ở cơ sở.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22, dù vẫn còn những hạn chế nhưng bằng nhiều giải pháp đồng bộ trong tổ chức thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai ở các địa phương, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Từ đó đã tạo sức bật mới ở cơ sở, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện, tăng niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo Thanh Xuân/Tạp chí Xây dựng Đảng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều