Nhân tài mà “giẫm phải đinh” thì chỉ thiệt cho đất nước!

TPHCM đang lấy ý kiến đóng góp cho đề án thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước và đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ cao. Điều đáng chú ý nhất trong các ý kiến, không phải băn khoăn nhiều nhất về chế độ chính sách đãi ngộ như lương, thưởng, chi phí ở…, mà lại chính là tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới là đinh”.

 Nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM (ảnh:MQ).

“Trên trải thảm đỏ…”, nghĩa là thành phố thực sự muốn thu hút nhân tài, cụ thể là đưa ra được nhiều chính sách đãi ngộ như về chế độ lương, mức thưởng, mức hỗ trợ khi được tuyển dụng cũng như chi phí nhà ở…

“Dưới là đinh” có nghĩa là thành phố không giải quyết triệt để được các vướng mắc, rào cản trong cơ chế và các qui định hành chính, điển hình nhất là thủ tục rườm rà, phức tạp khiến nhân tài (chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ trong và ngoài nước) mệt mỏi, bị bào mòn sự kiên nhẫn và nhiệt huyết.

Cả hai yếu tố đó – cái được và chưa được, đều đang như quả bóng trong chân phía tuyển dụng, sử dụng nhân tài, thấp là ở cấp các đơn vị, cao hơn là ở cấp sở ban ngành, và cao hơn nữa là lãnh đạo chính quyền thành phố.

Không trải được “thảm đỏ”, nhân tài không đến làm việc và cống hiến, thì thành phố hay nói rộng ra là quốc gia, chỉ bị thiệt một. Nhưng nếu không dọn sạch được “thảm đinh” ở phía dưới “thảm đỏ”, thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn: Nhân tài không những không đến nữa mà bỏ ra đi và không bao giờ trở lại. Bởi họ đã đến với một tinh thần nhập cuộc và cống hiến, nhưng bị cạn nhiệt huyết và bị mài mòn lòng kiên nhẫn trước những “cây đinh” thủ tục hành chính gây phiền nhiễu, nhiêu khê, thậm chí làm tổn thương lòng tự trọng của những chuyên gia, nhà khoa học vốn có trình độ, học hàm học vị cao, và cả vị trí công việc vốn ổn định.

Thu hút được người tài khó một, song để giữ chân được người tài thì khó gấp ba. Để có được một cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nhân tài đã không đơn giản nhưng quan trọng hơn là tạo ra một môi trường làm việc tự do và đầy hứng thú cho các chuyên gia, nhà khoa học thoải mái sáng tạo ra những giá trị mới.

Các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) hàng đầu trong khoảng 10 năm trở lại đây trên thế giới và tại Việt Nam đều cho thấy thành công và phát triển được là đã tạo ra môi trường làm việc đầy hào hứng và kích thích sáng tạo, như Facebook, Uber, SnapChat, hay SpaceX và Tesla Motors của Elon Musk, Alibaba, Tencent, VNG…; và đi cùng với đó là chế độ, chính sách đãi ngộ.

Nhân tài là những người giỏi và cũng có khả năng sáng tạo mạnh mẽ. Để họ “giẫm phải đinh”, bước chân sáng tạo bị kìm tỏa, thì đất nước chỉ có thiệt mà thôi.

Theo Thẩm Hồng Thụy /Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều