Nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai ở các công trình thủy lợi: Góc nhìn thực tiễn tại trạm bơm Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội

(Mặt trận) - Là doanh nghiệp trực thuộc UBND TP Hà Nội có chức năng quản lý, khai thác, bảo vệ, duy trì hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước cho diện tích đô thị, dân sinh, nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn nhiều quận, huyện của thành phố, thế nhưng, nhiều năm nay Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội (Đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại để đất đai bị “biến tướng”, “xẻ thịt”, sử dụng không đúng mục đích.
Trụ sở Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội (Đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Nằm giáp ranh trên địa bàn 2 xã Dương Hà và Phù Đổng, tại trạm bơm Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội xuất hiện tình trạng nhiều công trình nhà xưởng được xây dựng kiên cố trong phần đất của trạm bơm hoạt động, xâm hại trực tiếp vào công trình thủy lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của công trình thủy lợi.

Theo khảo sát của phóng viên, diện tích đất đặt trạm bơm đang bị “bủa vây”, “xẻ thịt” vô tội vạ bởi hàng loạt nhà xưởng rộng hàng trăm m2 được xây dựng kiên cố, trong đó có nhà xưởng làm các sản phẩm liên quan đến nhựa.

Trạm bơm Dương Hà bị bủa vây bởi các nhà xưởng, công trình kiên cố.

Theo một số người dân địa phương, hiện trạng nhà xưởng xây dựng kiên cố và sử dụng kho chứa vật tư trong phần đất của trạm bơm đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng đến môi trường nhưng đến nay không bị xử lý đến nơi, đến chốn.

Ngay cả chính một cán bộ đang công tác tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội cũng phải thừa nhận, những vấn đề nêu trên hết sức nghiêm trọng, đe dọa an toàn, làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của công trình thủy lợi, ảnh hưởng lớn đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai trên địa bàn, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì các cơ quan chức năng và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội lại không biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm để trạm bơm có thể hoạt động đúng công năng, mục đích.

Để rộng đường dư luận, khách quan thông tin, PV đã đến Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội để đặt lịch làm việc cũng như tìm hiểu nguyên nhân, quá trình khai thác, quản lý, sử dụng đối với Trạm bơm Dương Hà. Khi trao đổi qua điện thoại, ông Phan Tuy Hội, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội cho biết, đã giao cho ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Phụ trách tiếp và trả lời báo chí. Tuy nhiên, dù đã nhắn tin, gọi điện nhiều lần nhưng ông Hải lấy lý do bận xuống các xí nghiệp nên né tránh việc cung cấp thông tin đối với vụ việc này.

 

Hiện trạng nhà xưởng xây dựng kiên cố và sử dụng kho chứa vật tư trong phần đất của trạm bơm đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng đến môi trường nhưng đến nay không bị xử lý.

Vậy có hay không việc lạm dụng quỹ đất, tài sản công tại Trạm bơm Dương Hà nhằm kinh doanh, thu lời bất chính? Nguồn lợi thu được từ đất đai, nhà xưởng được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội hạch toán, thu chi như thế nào? Liệu có hay không “lợi ích nhóm” xung quanh vấn đề này? Trách nhiệm các cấp quản lý, người đứng đầu địa phương, doanh nghiệp ở đây là gì? Nếu không có gì “khuất tất”, tại sao lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội lại phải né tránh trả lời báo chí?

Phải chăng đơn vị quản lý nơi đây đang “nhắm mắt làm ngơ” bao che cho sai phạm? Không rõ, khi xảy ra cháy nổ hay sự cố môi trường trên những nhà xưởng này, những người đứng đầu các địa phương, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Để thực sự “chặn đứng” triệt để tình trạng các sai phạm về đất đai tại Trạm bơm Dương Hà, huyện Gia Lâm, đề nghị Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở NN&PTNN, UBND huyện Gia Lâm… cần có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý, sử dụng đất của người sử dụng, đơn vị quản lý khai thác, vận hành trạm bơm.

Hai là, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an); Công an Thành phố Hà Nội; Cục Thuế Hà Nội làm rõ việc ai là người được hưởng các nguồn lợi từ việc kinh doanh trên đất đai bị sử dụng sai mục đích. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đối với các cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ các nguồn thu nói trên. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự xã hội, về quản lý đất đai để làm gương, răn đe các vi phạm sau này.

Ba là, các khu đất khi được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại bị lợi dụng để sử dụng sai mục đích, trục lợi cá nhân đang khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Nhất là việc giao, chuyển nhượng đất nhưng không thể hiện được giá trị của đất gây thất thoát, lãng phí để lại hậu quả nặng nề mà nhà nước, người dân phải gánh chịu. Vì vậy, đất đai cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sớm có phương án xử lý trách nhiệm của những khu đất sử dụng sai mục đích.

Bốn là, đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Công ty Nước sạch Hà Nội truy đến cùng việc cấp phát, sử dụng điện, nước đối với các chủ thể, đối tượng kinh doanh tại Trạm bơm Dương Hà - trên ô đất bị sử dụng sai mục đích.

Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều