"Nỗi niềm"... trí tuệ!

Không ngẫu nhiên mà trong thành phần “tứ dân” cơ bản (sĩ, nông, công, thương) ở xã hội phong kiến thời xưa, sĩ luôn được xếp ở vị trí hàng đầu. “Sĩ” là từ để chỉ tầng lớp trí thức, những người có học, có hiểu biết về chữ nghĩa nên luôn được xã hội trọng vọng. Qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta dẫu có lúc thăng trầm, thịnh suy, nhưng hầu hết các vương triều, các bậc minh quân đều xem trọng tri thức, đề cao sĩ phu, ngưỡng mộ những người văn võ song toàn, kinh bang tế thế.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Câu nói bất tử của danh sĩ Thân Nhân Trung (1419 - 1499) được khắc ghi trang trọng trên bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), không chỉ hàm ý tôn vinh, khẳng định sức mạnh to lớn của tri thức, trí tuệ, mà còn thể hiện một khát vọng về cách ứng xử, đối đãi đúng mực của thể chế chính trị đối với những nhân tài của đất nước.

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã tổng kết và đề ra bốn nguyên lý trị nước: “Phi nông bất ổn/ Phi công bất phú /Phi thương bất hoạt/ Phi trí bất hưng”. Nhấn mạnh hơn tầm quan trọng đặc biệt của nguyên lý thứ tư, vị danh nho kiệt xuất này còn khẳng định thêm: “Phi trí tắc vong”. Điều đó có nghĩa là, quốc gia mà không có trí thức, không trọng kẻ sĩ hay không biết sử dụng trí thức, hiền tài, thì đất nước chẳng những không hưng thịnh (bất hưng), mà còn có thể bị diệt vong.

Vậy mà, ngày nay cứ tưởng câu “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” chỉ là sự râm ran trong dư luận hay xì xào to nhỏ khi “trà dư tửu hậu”, nhưng đó lại là nỗi trăn trở, đau lòng của người đứng đầu Đảng ta khi chỉ ra “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: “Trong công tác cán bộ thì: “Thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”. Nó là cái gì?”(1) khiến bất cứ ai nặng lòng với dân, với nước cũng không khỏi một nỗi niềm trăn trở, đau lòng.

Không trăn trở, đau lòng sao được khi một tiêu chí đáng lẽ phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong công tác cán bộ, nhưng ở không ít nơi, nó lại bị đẩy xuống sau cùng? Vẫn biết “hậu duệ” cũng có dăm bảy hạng người, có bậc tài ba xuất chúng xứng đáng nối tiếp dòng dõi “thế phiệt trâm anh”, nhưng lại có những kẻ “tài hèn đức mọn” mà vẫn được xếp vào hàng “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ, thì làm sao dư luận nguôi ngoai nỗi lòng? “Tiền tệ” cũng đáng quý, đáng trọng, nhưng chỉ là phương tiện thanh toán, trao đổi, mua bán các loại hàng hóa, sản phẩm thông thường, lẽ nào lại để nó len lỏi, “tranh giành” lên vị trí thứ hai và biến thành “vật đấu giá” trong công tác cán bộ? “Quan hệ” cũng rất cần thiết, nhưng liệu nó có thể thay thế được “chất xám” của con người chăng?

Cổ kim đông tây từng đúc kết: Một dân tộc giàu trí tuệ là một dân tộc có phúc. Một quốc gia giàu tri thức là một quốc gia may mắn. Một thể chế chính trị biết chiêu hiền đãi sĩ, xem trọng những người giàu kiến thức và năng lực là một thể chế chính trị tiến bộ, văn minh. Từ đó có thể nói rằng, một tổ chức đề cao tiêu chuẩn “trí tuệ” trong việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là một tổ chức lành mạnh, minh bạch, nhân văn. Ngược lại, tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó vẫn còn để cho “tiền tệ” lên ngôi, “quan hệ” lộng hành, “hậu duệ” chi phối trong công tác cán bộ sẽ làm nảy sinh tình trạng nội bộ lục đục, trên dưới bất hòa, lòng người bất an. Nếu không kiên tâm, kiên quyết ngăn ngừa, hạn chế, đẩy lùi được vấn nạn này, thì mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức đủ cả đức - tài, trung thành, mẫn cán, vì dân, vì nước... xem chừng còn nhiều gian nan lắm!./.

-------------------------------------------------------------------

(1) Tạp chí Cộng sản, số 834 (4-2012), tr. 8

Theo Thiện Văn/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều