Ô nhiễm không khí: Không nhất thế giới, chắc cũng nhì

Một câu chuyện thật mà y như đùa: Thông tin về ô nhiễm không khí chỉ có thể công bố sau 3 ngày. Lý do: Vì quan trắc thủ công. 3 ngày là khoảng thời gian tất cả mọi điều đều đã có thể xảy ra.

Sáng 26/9, ứng dụng quan trắc không khí Air Visual, ứng dụng tự động đo không khí của 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí lên ngưỡng 204. Ngưỡng trên 200, có nghĩa chất lượng không khí cực xấu - rất có hại cho sức khỏe, mà nhóm nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ được khuyến cáo hạn chế ra ngoài.

Còn TPHCM, xếp “thứ ba thế giới” với chỉ số AQI trung bình là 173. 

Nhưng cũng ngay sau đó, Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội lên tiếng bác bỏ, rằng không có chuyện Hà Nội là “Thành phố ô nhiễm nhất thế giới”. “Trang web của Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ. Trạm này lại nằm trên trục đường giao thông lớn, xung quanh có nhiều công trình xây dựng, chất lượng không khí không tốt là điều hiển nhiên... Họ lấy duy nhất ở điểm này để đại diện cho toàn TP.Hà Nội là không chính xác”.

Trong lời bác bỏ ấy, người dân không thấy các biện pháp Hà Nội sẽ làm để cải thiện chất lượng không khí. Thậm chí, đến ngay cả một địa chỉ chính thức từ cơ quan chức năng thay cho Air Visual để có thể tra cứu chất lượng không khí hàng ngày người dân cũng không có câu trả lời.

Có một sự thật được chính Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường (TPHCM) - ông Cao Tung Sơn - xác nhận: Việc công bố thông tin về ô nhiễm không khí đến người dân cần 3 ngày mới có kết quả. Nguyên do: Do phương pháp quan trắc thủ công.

Vâng. Chính xác là 3 ngày sau mới có kết quả của hôm nay.

Ô nhiễm không khí đang khiến chúng ta “thiệt đơn thiệt kép”. TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - từng đưa ra thống kê: Chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến hô hấp, thiệt hại do nghỉ ốm với người dân nội thành Hà Nội là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, tổng thiệt hại kinh tế có thể lên tới 2.000 tỉ mỗi năm”.

Và rồi khi bị cảnh báo ô nhiễm, chúng ta chỉ giãy nảy bác bỏ.

Giãy nảy khi bị xếp số 1 thế giới về ô nhiễm không khí, không chịu nhìn ô nhiễm mà ngay cả người dân có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Giãy nảy, và bó tay trong biện pháp giảm thiểu.

Công bố cái điều đã xảy ra từ 72h như thể xong một việc để được nhận lương.

Liệu người dân đâu cần một cảnh báo cho sự tồi tệ từ 3 ngày trước? Cần một lời bác bỏ chỉ để bác bỏ?

Theo ANH ĐÀO/Báo Lao động

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều