Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: “Hãy bền bỉ lên tiếng không chỉ vì Sơn Trà”

Một năm Sơn Trà “nổi sóng” với bản quy hoạch mà hàng nghìn buồng phòng lưu trú đe doạ đến Khu bảo tồn thiên nhiên độc nhất vô nhị, đặc biệt, nhiều dự án biệt thự khác được chính quyền Đà Nẵng phê duyệt được cho là mập mờ, không đúng quy định.

 Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Cộng đồng xã hội, từ người dân Đà Nẵng đến các nhà khoa học trong và ngoài nước đang nóng lòng chờ đợi kết luận thanh tra được công bố (kết thúc ngày 31.3 vừa qua). Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, người đã có những tiếng nói mạnh mẽ trong hành trình bảo vệ Sơn Trà chia sẻ: “Định hướng phát triển bền vững là hành trình dài. Tôi mong cộng đồng hãy tiếp tục và bền bỉ lên tiếng để bảo vệ không chỉ Sơn Trà, mà những vốn quý của chúng ta”.

Ông mong muốn gì ở kết quả thanh tra Sơn Trà sắp tới đây sẽ được công bố?

- Như kỳ vọng khi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng như cá nhân tôi đã nhiều lần gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về quy hoạch Sơn Trà, tôi mong các cơ quan chức năng sẽ đặt vấn đề bảo tồn tự nhiên tại Sơn Trà lên trên hết. Đó cũng là kiến nghị của nhân dân Đà Nẵng, cộng đồng dư luận xã hội, các nhà khoa học qua các cuộc hội thảo trong suốt một năm qua. Tôi nghĩ Chính phủ đều đã ghi nhận và hiểu rõ điều này.

Riêng với những dự án Sơn Trà – nội dung chính của cuộc thanh tra vừa qua, tôi tin rằng nhiều người sẽ cảm nhận được tính phức tạp của nó hiện nay. Chính phủ thanh tra toàn diện Sơn Trà trong thời điểm những dự án tại đây có liên quan đến nhiều vụ án khác đang được điều tra, liên quan đến việc cấp đất của thời gian trước, các lô biệt thự cho cá nhân... Nếu câu trả lời có thể chỉ ra được ai sai phạm ở đâu, cấp đất sai chỗ nào, vi phạm luật đa dạng sinh học, luật rừng, trách nhiệm của chính quyền ra sao thì đó là điều kỳ vọng của không chỉ tôi mà của nhiều người. Nhưng kết quả thanh tra là một việc, câu chuyện sau đó mới đáng để chúng ta quan tâm. Bởi thanh tra mà để đó, mà chậm điều chỉnh thì cũng không có ý nghĩa gì.

Nhìn nhận của ông như thế nào về định hướng phát triển của chính quyền Đà Nẵng hiện tại từ sau vụ việc Sơn Trà?

- Một tín hiệu vui là thời gian gần đây, sau khi có những sự thay đổi về nhân sự của Đà Nẵng, nhận thức của lãnh đạo thành phố đã có những thay đổi đưa Đà Nẵng phát triển theo hướng bền vững hơn.

Điều đó thể hiện qua việc quy hoạch chung của thành phố đang được xem xét lại để điều chỉnh. Trong đó yếu tố môi trường, văn hoá được quan tâm. Lâu nay chúng ta chỉ biết xây công trình nọ kia mà bỏ qua việc tôn trọng không gian văn hoá, không gian công cộng. Mới đây thành phố đã xem xét việc hoạt động văn hoá giải trí cho người dân và du khách như thành lập chợ đêm, đường sách, di tích Thành Điện Hải được coi trọng, làng Nam Ô cũng được chú ý. Việc nêu cao quan điểm cộng đồng cần thụ hưởng những giá trị của sự phát triển chứ không chỉ chăm lo giá trị kinh tế đã chứng minh được quyết tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

 

Voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Lê Phước Chín

Sau một năm nổi sóng, nhiều người cho rằng Sơn Trà là điều đáng tiếc, vậy nhìn về điểm tích cực, ông có nhìn nhận thế nào?

- Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người đều nhìn nhận, việc Chính phủ cho thanh tra toàn diện Sơn Trà trong suốt mấy tháng vừa qua không chỉ là một quyết định đúng đắn, kịp thời mà đây là cơ hội để sửa sai cho Sơn Trà.

Sự việc xảy ra ở Sơn Trà là một điều thật đáng tiếc. Tuy nhiên ở khía cạnh tích cực, Sơn Trà đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Tất cả mọi tầng lớp trong xã hội cũng nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cũng như giá trị của thiên nhiên đối với con người. Từ đó, Sơn Trà đã làm thức tỉnh nhận thức của mỗi người trong xu thế đắm chìm vào mục tiêu duy nhất là phát triển kinh tế. Từ sự tiếc nuối vì sự xâm hại của các công trình đến môi trường tự nhiên và loài Voọc chà vá chân nâu đặc hữu thì nay các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn và quan tâm nhiều hơn đến tính toàn vẹn của một hệ sinh thái đặc thù, hiếm có và duy nhất còn tồn tại hiện nay.

Sơn Trà đã đánh động ý thức của cộng đồng, buộc họ phải nói lên tiếng nói của mình. Và không ai khác người dân Đà Nẵng phải nhận thức và lên tiếng vì quyền lợi của mình, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của họ. Và khi cộng đồng biết rằng tiếng nói của họ được Chính phủ lắng nghe thì Sơn Trà lại trở thành nguồn gây cảm hứng cho những việc tương tự xảy ra tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác như là Phong Nha bị xâm hại, rừng dừa Quảng Ngãi, Thành Điện Hải và Nam Ô. Điều này cũng tác động đến doanh nghiệp phải cẩn trọng, suy nghĩ lại việc đầu tư và kinh doanh của mình không chỉ là kinh tế trước mắt mà phải lợi ích lâu dài, mang lợi nhuận lại cho cộng đồng.

Vậy, mong muốn của ông sau kết luận thanh tra là gì?

- Việc rút hay giữ Sơn Trà phát triển thành khu du lịch quốc gia là động thái kỹ thuật. Vấn đề chính là dù phát triển thế nào cũng hãy giữ lại màu xanh cho Sơn Trà. Riêng với cộng đồng, hãy tiếp tục lên tiếng và đừng từ bỏ bởi những gì các bạn đang bảo vệ cho con cháu tương lai.

Thời gian tới, kết luận thanh tra có thể sẽ có phần như mong muốn và không như kỳ vọng, có thể những điều chỉnh của Chính phủ và Đà Nẵng sẽ không hoàn toàn như kiến nghị của cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình theo đuổi phát triển bền vững không thể một sớm một chiều mà thành. Đó là một con đường dài với nhiều gian nan. Khái niệm phát triển bền vững cũng sẽ thay đổi.

Một năm thanh tra và chuyển đổi nhận thức từ dư luận, giới khoa học đến chính quyền là những tín hiệu đáng mừng với Sơn Trà nhưng không chỉ cần một năm là đủ. Chúng ta cũng không cực đoan là phải quây Sơn Trà lại, không cho ai đụng vào. Quan điểm là phát triển, bảo tồn tự nhiên Sơn Trà một cách thông minh hơn. Đó là xu thế hiện nay của thế giới.

Cũng cần nhìn nhận là quá trình đô thị hoá của một thành phố đang phát triển, môi trường bị xâm phạm là điều không tránh khỏi. Nhưng ta phải biết dừng lại để xem xét và người dân phải giám sát điều đó sao cho tốt nhất. Song song với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, một vấn đề khác để Đà Nẵng phát triển bền vững là phải giải quyết những hệ luỵ từ phát triển nóng như nước thải ven biển, giao thông...

Tôi không dám ước mong kỳ vọng thành phố sẽ trở thành Hong Kong, Singapore. Mỗi thành phố có tính đặc thù riêng kể cả văn hoá, kinh tế, xã hội, tự nhiên vì vậy hãy chọn mô hình riêng. Đi theo hướng phát triển bền vững và có trách nhiệm, đến một lúc nào đó Đà Nẵng sẽ có thương hiệu riêng cho mình. Bởi, không có thành phố nào có rừng ở ngay bên cạnh, có sông có biển bao quanh. Cùng với không gian văn hoá rất đặc thù, tất cả sẽ biến Đà Nẵng trở nên độc nhất vô nhị nếu ta biết trân trọng vốn quý của thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thùy Trang/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều